Dùng máy chụp cắt lớp, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện tinh trùng 'khổng lồ' 100 triệu năm tuổi trong hổ phách hiếm

18/09/2020 11:43

Theo các nhà khoa học, số tinh trùng trên thuộc về một loài giáp xác hoàn toàn mới, được giới nghiên cứu đặt tên khoa học là Myanmarcypris hui, từng sống cách đây 100 triệu năm vào kỷ Phấn Trắng

Các nhà nghiên cứu mới đây tuyên bố phát hiện ra mẫu tinh trùng động vật lâu đời nhất từng được biết đến, nằm bên trong một cá thể động vật giáp xác bị mắc kẹt trong miếng hổ phách (lớp nhựa cây bị hóa đá) được tìm thấy ở Myanmar.

Phát hiện trên được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (NIGPAS), và được công bố trên tạp chí Proceedings of The Royal Society B.

Theo các nhà khoa học, số tinh trùng trên thuộc về một loài giáp xác hoàn toàn mới, được giới nghiên cứu đặt tên khoa học là Myanmarcypris hui. Đây là loài giáp xác thuộc lớp Giáp trai (Ostracoda) – dạng động vật giáp xác đã tồn tại trong suốt 480 triệu năm và có thể dễ dàng tìm thấy tại tất cả các đại dương trên Trái Đất ngày nay.

Dùng máy chụp cắt lớp, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện tinh trùng khổng lồ 100 triệu năm tuổi trong hổ phách hiếm - Ảnh 1.

Ảnh dựng 3D của loài giáp xác Myanmarcypris hui từng sống cách đây 100 triệu năm vào kỷ Phấn trắng.

Giáp trai cũng là dạng giáp xác thường được tìm thấy trong các mẫu hóa thạch. Tuy nhiên, phần lớn hóa thạch giáp trai được phát hiện ngày nay chỉ tồn tại dưới dạng lớp vỏ cứng đã bị vôi hóa. Những mẫu vật giáp trai  vẫn còn nguyên mô mềm như lần phát hiện mới đây là đặc biệt hiếm gặp.

Theo đó, đã có tổng cộng 39 cá thể Myanmarcypris hui được tìm thấy bên trong miếng hổ phách, bao gồm con đực, con cái và con non, tất cả đều được bảo quản rất tốt. Trong giai đoạn Kỷ Phấn Trắng,Myanmarcypris hui đã sống ở vùng duyên hải ngày nay thuộc Myanmar, trước khi bị nhựa thông rơi trúng và trở thành hổ phách.

Dùng máy chụp cắt lớp, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện tinh trùng khổng lồ 100 triệu năm tuổi trong hổ phách hiếm - Ảnh 2.

Ảnh chụp cắt lớp của những cá thể Myanmarcypris hui được tìm thấy trong hổ phách, với các cơ quan sinh sản của chúng được tô màu

Các chuyên gia cho biết, một lượng tinh trùng đã được tìm thấy bên trong cơ thể một con cái, cho thấy con Myanmarcypris hui này vừa được thụ tinh trước khi bị mắc kẹt trong nhựa cây. Đặc biệt, số tinh trùng này có kích thước khá lớn, dài bằng 1/3 kích thước cơ thể của một con Myanmarcypris hui trưởng thành.

Được biết, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kĩ thuật chụp cắt lớp CT bằng tia X để có thể nhìn xuyên qua hổ phách, từ đó thu được hình ảnh độ phân giải cao về các bộ phận mềm của Myanmarcypris hui. Từ những hình ảnh thu được, nhóm tiếp tục tạo ra mô hình 3D các phần phụ và cơ quan sinh sản của Myanmarcypris hui để hiểu rõ hơn về cách những sinh vật này giao phối.

Dùng máy chụp cắt lớp, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện tinh trùng khổng lồ 100 triệu năm tuổi trong hổ phách hiếm - Ảnh 3.

Ảnh chụp cho thấy một lượng lớn tinh trùng nằm bên trong cơ thể con cái

Kết quả, các nhà khoa học phát hiện con đực đã sử dụng một bộ phận đặc biệt có hình chiếc móc để bám lấy con cái, trước khi đưa cơ quan sinh sản vào bạn tình để ghép đôi. Tinh trùng khổng lồ sau khi được đưa vào cơ thể con cái sẽ được lưu giữ trong 2 ‘túi dự trữ ’ - nơi chúng chờ trứng rụng xuống để thụ tinh. Khá thú vị, các loài giáp trai hiện đại hiện vẫn giữ nguyên cách ghép đôi giống như tổ tiên của chúng cách đây 100 triệu năm.

Theo News Atlas, các mẫu tinh trùng hóa thạch cổ nhất được phát hiện trước đó có niên đại 17 triệu năm tuổi.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dùng máy chụp cắt lớp, các nhà khoa học Trung Quốc phát hiện tinh trùng 'khổng lồ' 100 triệu năm tuổi trong hổ phách hiếm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO