Thị xã Bến Cát, Bình Dương lên thành phố

19/03/2024 21:21

Thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 234,35 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 364.578 người của thị xã Bến Cát.

Chiều 19/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.

Theo phương án Chính phủ trình, phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã An Điền và An Tây.

Phường An Điền có 31,22 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 25.363 người; phường An Tây có 44,01 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 41.917 người.

Thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 234,35 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 364.578 người của thị xã Bến Cát.

phamthithanhtra 1.jpg
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Phạm Thắng

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau khi thành lập phường An Điền, An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc, nhưng tăng 2 phường (phường An Điền, phường An Tây), giảm 2 xã (xã An Điền, xã An Tây) và tăng 1 thành phố (thành phố Bến Cát), giảm 1 thị xã (thị xã Bến Cát).

Như vậy tỉnh Bình Dương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 5 thành phố (Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát) và 4 huyện (Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên và Phú Giáo); 91 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 47 phường, 5 thị trấn và 39 xã.

Thành phố Bến Cát không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, nhưng tăng 2 phường, giảm 2 xã; có 8 đơn vị hành chính cấp xã gồm 7 phường (An Điền, An Tây, Mỹ Phước, Tân Định, Thới Hòa, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa) và 1 xã (Phú An).

Tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương

Theo Bộ trưởng Nội vụ, Bến Cát là một trong 5 đô thị quan trọng của tỉnh Bình Dương, là đô thị động lực phía Bắc của vùng TP.HCM; vùng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; vùng bảo vệ cảnh quan dọc sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và cảnh quan nông nghiệp ngoại vi.

Định hướng phát triển đô thị Bến Cát đến 2030 là đô thị công nghiệp - dịch vụ; đến 2040 là trung tâm đô thị có chức năng đô thị công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông; có hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh, kết nối thông suốt với các tuyến đường trọng điểm, các khu công nghiệp, đô thị phía Nam của tỉnh, với TP.HCM, tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.

Đây cũng là vị trí có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, đô thị hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện tại, Bến Cát có 8 khu công nghiệp và 1 khu sản xuất tập trung, giải quyết việc làm cho khoảng 180.000 lao động; có 5.985 dự án đầu tư (trong đó, có 5.186 dự án trong nước với tổng số vốn 54.895,48 tỷ đồng và 799 dự án nước ngoài với tổng vốn 9,28 tỷ USD).

Theo quy định chung của tỉnh, Bến Cát đến năm 2040 là đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

"Để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa, việc thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Bến Cát là cần thiết", Bộ trưởng Nội vụ nói.

hoangthanhtung 1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Thắng

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, ủy ban này cơ bản nhất trí với sự cần thiết thành lập phường An Điền, An Tây và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương.

Qua rà soát, ông Tùng cho biết, việc thành lập phường An Điền và An Tây bảo đảm 4/4 tiêu chuẩn theo quy định; việc thành lập thành phố Bến Cát bảo đảm 5/5 tiêu chuẩn.

Theo cơ quan thẩm tra, việc thành lập phường An Điền, An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương là phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, đặc biệt là tiêu chuẩn về chất lượng đô thị.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, thành lập 4 phường (Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa) trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã cùng tên.

Đồng thời, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường 1 và phường 4 thành phường 1 (mới); nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường 2 và phường 3 thành phường 2 (mới).

Thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 101,69 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 151.937 người của thị xã Gò Công.

Xem thêm:

Tỉnh nào ở Việt Nam có nhiều thành phố nhất?

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thị xã Bến Cát, Bình Dương lên thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO