Thị trường đỏ lửa, nhóm đại gia kín tiếng đổ nghìn tỷ vào công ty chứng khoán

14/06/2022 09:10

Nhiều đại gia kín tiếng đổ tiền vào các công ty chứng khoán trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang ở trong xu hướng tăng trưởng về mặt quy mô và dự kiến sẽ đón dòng vốn lớn khi được nâng hạng.

CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service), quản lý thương hiệu MoMo, vừa công bố việc hoàn tất nhận chuyển nhượng 4,41 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ của CTCP Chứng khoán CV (CVS) từ các 2 nhà đầu tư hôm 9/6.

Trước đó, trên thị trường, giới đầu tư cũng đã biết đến thương vụ một công ty công nghệ tài chính khác: Finhay thâu tóm CTCP Chứng khoán Vina (Vina Securities) sau khi CTCK này được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đồng ý chấm dứt tình trạng đình chỉ hoạt động.

MoMo và Finhay được biết đến có liên quan tới CTCK Thiên Việt (TVS) của ông Nguyễn Trung Hà. TVS có các khoản đầu tư vào M_Service và Finhay và giá trị có thể rất lớn khi MoMo từng được định giá lên tới nhiều tỷ USD.

Các CTCK bị thâu tóm này có hoạt động kinh doanh yếu kém trong các năm trước đó và lỗ lũy kế khá lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng có tín hiệu tích cực thời gian gần đây khi TTCK sôi động.

Gần đây, giới đầu tư cũng chứng kiến đại gia Nguyễn Văn Tuấn (chủ tịch Gelex) tiếp tục đổ tiền vào Công ty Chứng khoán VIX trong hành trình Gelex mua bán sáp nhập và mở rộng thành một tập đoàn lớn.

Đại gia đổ tiền vào các công ty chứng khoán.

Theo đó, Hội đồng quản trị VIX trình ĐHCĐ thông qua việc nhóm cổ đông của ông Nguyễn Văn Tuấn nâng sở hữu lên 25% VIX mà không cần chào mua công khai. Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn và người liên quan sẽ nâng sở hữu từ 24,94% lên 25,12% vốn điều lệ VIX. Riêng cá nhân ông Tuấn sẽ nâng sở hữu từ 14,84% vốn lên 15,02%. Thời gian thực hiện dự kiến là sau cuộc họp ĐHCĐ năm nay.

Trong tháng 3/2022, CEO Gelex đã chi gần 800 tỷ đồng mua hơn 52 triệu cổ phiếu VIX trong đợt phát hành chào bán cho cổ đông (giá 15.000 đồng/cp) và nâng sở hữu lên gần 15% vốn điều lệ. Trong tháng 9-10/2021, ông Tuấn đã mua hơn 29 triệu cổ phiếu VIX trong đợt VIX phát hành gần 128 triệu cổ phiếu bán ưu đãi tỷ lệ 1:1 tăng vốn lên gấp đôi.

Chứng khoán VIX hôm 10/6 cũng đã mua lại trước hạn toàn bộ 3.000 trái phiếu mã VIXH2124001, trị giá 300 tỷ đồng.

Chứng khoán Sacombank (SBS) gần đây cho biết, cổ đông lớn Sacombank đã thoái vốn và có một cổ đông lớn khác nắm quyền chi phối. Do vậy, công ty phải tiến hành đổi tên, chuyển trụ sở hoạt động cho phù hợp.

Trước đó, giới đầu tư cũng đã chứng kiến Công ty Đầu tư NTP thâu tóm Chứng khoán Đà Nẵng (DNSC); Tập đoàn KS Finance (liên quan đến Sunshine Group) đổ tiền vào Việt Nam Gateway; hay VPBank mua Chứng khoán ASC và đổi tên thành VPBank Securities. TPBank đổ tiền vào Chứng khoán Tiên Phong (ORS).

Với tiềm lực kinh tế mạnh, sau khi thâu tóm, các đại gia đổ thêm tiền và nâng quy mô vốn hoạt động của các CTCK. ORS tăng quy mô vốn gấp 8 lần lên 2.000 tỷ đồng và có kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng.

Các CTCK nói trên có hoạt động khá yếu kém nhưng hấp dẫn có thể đến từ các tờ giấy phép kinh doanh. Các cơ quan quản lý vẫn đang đẩy mạnh tái cấu trúc các CTCK.

Mặc dù đang ở trong xu hướng tăng trưởng về mặt quy mô và dự kiến sẽ đón dòng vốn lớn khi được nâng hạng nhưng TTCK Việt hiện chùng lại do dòng tiền thận trọng hơn trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

Thị trường tiêu cực

Theo BSC, dòng tiền ủng hộ đà giảm của thị trường khi khối lượng giao dịch tăng cao trong phiên hôm nay cho thấy thị trường đang khá tiêu cực. Nhà đầu tư nên hành động cẩn trọng trong những phiên tới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần theo dõi động thái của Fed trong cuộc họp sắp tới diễn ra vào ngày 15-16/6. Nếu Fed quyết định tăng lãi suất thêm 0,5% thì TTCK Việt Nam khả năng sẽ hồi trở lại; còn nếu Fed  tăng lãi suất thêm 0,75% (cao hơn kỳ vọng của thị trường) thì có khả năng VN-Index sẽ quay trở lại vùng 1160-1180.

VDSC cho rằng, thị trường tiếp tục trạng thái giảm điểm sau khi tín hiệu vượt cản 1.300 điểm của VN-Index trong thời gian gần đây bị phủ nhận. VN-Index và VN30-Index đã mở khoảng trống (Gap) lớn ngay từ đầu phiên và quán tính giảm giá vẫn duy trì khi kết thúc phiên giao dịch, thể hiện qua mức đóng cửa của 2 chỉ số đều ở vùng giá thấp nhất trong phiên. Tuy nhiên, thanh khoản giao dịch tăng khá tốt, cho thấy dòng tiền có động thái tranh thủ “bắt giá thấp” trong phiên hôm nay. Diễn biến “bắt giá thấp” này có thể sẽ tiếp diễn và tăng cao trong phiên giao dịch tiếp theo. Dự kiến, VN-Index sẽ còn quán tính giảm giá nhưng sẽ được hỗ trợ và đảo chiều nhanh sau khi kiểm tra vùng hỗ trợ 1.200 - 1.210 điểm, từ đó tạo động lực để thăm dò vùng cản 1.260 – 1.280 điểm (cũng là vùng Gap).

Chốt phiên giao dịch chiều 13/6, chỉ số VN-Index giảm 57,04 điểm xuống 1.227,04 điểm. HNX-Index giảm 18,08 điểm xuống 288,37 điểm. Upcom-Index khoảng 3,2 điểm xuống 90,53 điểm. Thanh khoản 22,1 nghìn tỷ đồng, trong đó có 18,5 nghìn tỷ đồng trên HOSE.

V. Hà

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thi-truong-do-lua-nhom-dai-gia-kin-tieng-do-nghin-ty-vao-cong-ty-chung-khoan-2029911.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/thi-truong-do-lua-nhom-dai-gia-kin-tieng-do-nghin-ty-vao-cong-ty-chung-khoan-2029911.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thị trường đỏ lửa, nhóm đại gia kín tiếng đổ nghìn tỷ vào công ty chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO