Trong năm 2021, quý 2 và quý 3 được xem là thời gian đỉnh dịch hoành hành tại Việt Nam, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát.
Khẳng định vai trò trong khó khăn
Theo dự thảo báo cáo đánh giá công tác quản lý nhà nước quý 3 và nhiệm vụ quý 4/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, số doanh nghiệp bưu chính lũy kế đến tháng 9/2021 là 650 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với cuối năm 2020(1). Tuy nhiên, doanh thu bưu chính ước tính quý 3 chỉ đạt 5.000 tỷ (giảm 50% so với quý 2/2021), lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt khoảng 25.000 tỷ (giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái).
Doanh thu quý 3 giảm đến 50% so với quý 2 là do ảnh hưởng của dịch vào thời điểm “căng như dây đàn” hồi tháng 7 - 8. Khi đó, các doanh nghiệp bưu chính gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ.
Chẳng hạn, xe tải tại các chốt vào tỉnh bị chặn lại gây ùn tắc ảnh hưởng tới thời gian toàn trình của bưu gửi; tại một số quận/huyện bưu tá/shippers gặp khó khăn khi đi qua các chốt kiểm soát; các bưu cục/kho hàng trong khu vực cách ly, phong tỏa bị buộc phải đóng cửa; lực lượng bưu tá/shippers giảm sút do thuộc đối tượng F0, 1, 2 hoặc do sinh sống trong khu cách ly…
Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, các doanh nghiệp chuyển phát đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình với nền kinh tế, đặc biệt là tình hình an sinh xã hội. Khi mọi hoạt động khác gần như phải đứng yên - trừ công tác chống dịch - thì bưu chính, chuyển phát là “mạch máu” giúp nền kinh tế vẫn “sống”, tình hình an sinh xã hội vẫn ổn định. Chính vì vậy, dù doanh thu suy giảm mạnh, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực vẫn tiếp tục tăng.
Trong cái khó, ló cái khôn
Tình trạng “bình thường mới” hiện nay và trong năm 2022 đòi hỏi các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát phải liên tục thay đổi, thích nghi nhằm tăng sức cạnh tranh và chinh phục thị trường. Ngay từ đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã tích cực gia tăng đầu tư, ứng dụng công nghệ số và tạo dấu ấn khác biệt.
Chẳng hạn, công ty chuyển phát nhanh quốc tế J&T Express hợp tác với Haravan giúp người kinh doanh online không chỉ tiết kiệm đến 50% chi phí vận chuyển mà còn gia tăng gấp đôi hiệu suất làm việc của đội ngũ nhân viên trong cửa hàng, doanh nghiệp. Sự kết hợp của hai “ông lớn” trong lĩnh vực chuyển phát nhanh và công nghệ mang đến những tiện ích hoàn hảo giúp doanh nghiệp bán lẻ, người kinh doanh online bán hàng và quản lý việc kinh doanh của mình hiệu quả hơn trong thời đại số.
Ông Phan Bình, giám đốc thương hiệu J&T Express, chia sẻ: “Một trong những điểm mạnh của J&T Express là ứng dụng công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại vào quá trình vận chuyển hàng hóa, cũng như không ngừng đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết và tích hợp dịch vụ vận chuyển với các phần mềm quản lý bán hàng, sàn TMĐT hay các sàn giao dịch vận chuyển nhằm tối ưu hóa tiện ích và hỗ trợ tốt nhất cho người kinh doanh online”.
Hiện nay, một số doanh nghiệp bưu chính đã chia sẻ nền tảng quốc gia như địa chỉ số VPostcode, bản đồ số, hay nền tảng Tikingon, Đi chợ hộ… Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp bưu chính có thể cùng chia sẻ, dùng chung mạng lưới vật lý, nền tảng số, rồi chia nhỏ chuỗi cung ứng để cùng nhau hỗ trợ thị trường nông thôn chuyển đổi số và thương mại điện tử...