Lạm phát Mỹ có thể sớm hạ nhiệt
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)tăng lãi suất rất mạnh gần đây cho thấy thái độ quyết liệt của FED với mục tiêu kiềm chế lạm phát, khi tỷ lệ này đã đạt ở mức kỷ lục trong 40 năm qua. Trong đó, FED có hai tiêu chí cơ bản cho các quyết định tăng lãi suất đó là tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Đây là hai tiêu chí đầu vào quan trọng được đặt ra cùng với một số tiêu chí khác.
Từ nay đến cuối năm, tổng mức nâng lãi suất của FED là 3,4% và tổng cộng tăng lãi suất là 2,25% đến tháng 2/2023 và giữ nguyên mức này đến tháng 6/2023
Về tình hình tăng lãi suất từ nay đến cuối năm, vào ngày 15/6 vừa qua, FED đã nâng mục tiêu tăng lãi suất từ 1,75% lên 3,4%. Trong tháng 7 tới, FED có thể sẽ nâng lãi suất lên thêm 0,75%. Tuy nhiên, con số này cũng có thể thay đổi, nếu có những biến động như lạm phát hạ nhiệt vì giá dầu đã có chiều hướng quay đầu giảm.
“Chúng tôi cho rằng, rất có khả năng lạm phát Mỹ trong giai đoạn tháng 6 có thể hạ nhiệt hoặc đi ngang so với giai đoạn tháng 5. Như vậy, FED sẽ lựa chọn một trong hai khả năng tăng lãi suất của mình là 0,5% hoặc 0,75%.
Còn những tháng tới, mức tăng lãi suất gần như được duy trì và sẽ giảm dần vào cuối năm 2022. Từ nay đến cuối năm, tổng mức nâng lãi suất của FED là 3,4% và tổng cộng tăng lãi suất là 2,25% đến tháng 2/2023 và giữ nguyên mức này đến tháng 6/2023”, ông Minh cho biết.
Về lạm phát, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam nói thêm, yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát nhiều nhất là vấn đề về giá dầu, đây cũng là giá hàng hóa nằm trong rổ tính chỉ số hàng hóa và chỉ số lạm phát cao nhất.
Hiện nay, giá dầu Brent là một trong những loại làm tham chiếu cho các quốc gia nhất là khu vực châu Á, còn giá dầu WTI chủ yếu là của Mỹ. Theo đó, giá dầu Brent đã trải qua nhiều giai đoạn biến động, từ đầu năm đến nay liên tục duy trì đà tăng và hiện dao động ở mức 130 USD/thùng.
Trong lịch sử đã có những chu kỳ tăng mạnh của giá dầu, như sau giai đoạn khủng hoảng năm 2008, kinh tế hồi phục trở lại, giá dầu cũng có xu hướng đi lên, song cũng chưa vượt qua khỏi vùng đỉnh của năm 2007. Chu kỳ tiếp theo là năm 2016, giai đoạn sau khủng hoảng, dư thừa nguồn cung trên thế giới với mọi mặt hàng.
Riêng năm 2022, giá dầu bị tác động mạnh nhất bởi yếu tố địa chính trị, do căng thẳng Nga - Ukraine và đang tiệm cận sát vùng đỉnh lịch sử của giá dầu từ trước tới nay.
Tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo chuyên gia của Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam vận động khá tương đồng với thị trường chứng khoán Mỹ, khi tại Mỹ có sự sụt giảm thì thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Đồng thời định giá thị trường chứng khoán Việt Nam cũng thấp hơn so với thị trường chứng khoán Mỹ là do trong 2 năm 2020-2021, chúng ta vẫn duy trì được chu kỳ tăng trưởng, các doanh nghiệp vẫn được hưởng lợi trong chu kỳ này, trong khi đó, nền kinh tế Mỹ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Chính vì thế mức P/E của thị trường Mỹ cũng cao hơn nhiều so với thị trường Việt Nam.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có định giá thấp và đang trong giai đoạn lạm phát thấp
Một vấn đề được nhiều người quan tâm nữa đó là về biến động tỷ giá ảnh hưởng thế nào đến dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam. Việc FED nâng lãi suất thời gian qua khiến đồng USD tăng giá, tạo áp lực lên VND và dòng vốn vào các thị trường mới nổi. Tuy nhiên VND là một trong số ít những đồng tiền ít mất giá hơn so với USD, nhờ lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục trên 100 tỷ USD. Dù FED nâng lãi suất và USD lên giá, nhưng khối ngoại vẫn không rút ròng, mà ngược lại có xu hướng mua ròng từ tháng 3/2022 đến nay.
“Tuy vậy, rủi ro phá giá vẫn rất cao trong trường hợp đồng USD tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong thời gian tới, cũng như biến động bất thường về địa chính trị, có khả năng khiến tình hình tỷ giá rơi vào trạng thái bị phá giá, thậm chí có thể phá giá thêm 1% vào thời điểm cuối năm nay.
Thực tế, yếu tố tỷ giá không ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại bởi hai lý do như: Thứ nhất, năm 2020-2021, do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, nhà đầu tư nước ngoài đã rút ròng rất mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam với hơn 83.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, giá trị bán ròng và tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài vào cuối năm cũng sụt giảm xuống dưới mức 16%, thậm chí có thời điểm dưới 15%. Với lượng bán ròng này cho thấy, nếu trong trường hợp FED có động thái mạnh tay hơn trong việc thu tiền về bằng việc bán trái phiếu ra, thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có một lượng tiền lớn để đối ứng trả lại tại thị trường Mỹ.
Thứ hai, đồng VND có sự nổi trội hơn, ít chịu ảnh hưởng hơn một số đồng tiền khác, khiến cho tỷ giá không bị phá giá mạnh trong thời gian vừa qua. Với tình hình tỷ giá ổn định thì sẽ giải quyết được câu chuyện giữ chân nhà đầu tư nước ngoài”, chuyên gia lý giải.
Câu hỏi đặt ra là, kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn? Ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ, chúng ta có thể thấy bức tranh thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn lạm phát trên 5% và giai đoạn lạm phát dưới 5%. Đặc biệt là từ sau năm 2013 đến nay, Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ lạm phát thấp dưới 5%.
Trong đó, cũng có hai mốc thời gian quan trọng, tiêu biểu là thời điểm tháng 1/2016 mức P/E của chỉ số VN-Index ở dưới 12 lần, thời điểm này khá tương đồng là FED tăng lãi suất và tiền bị rút khỏi nhóm thị trường mới nổi; khi đó tỷ giá VND/USD tăng mạnh.
Mốc thời gian thứ hai là P/E của chỉ số VN-Index cũng dưới 12 lần vào tháng 3/2020, thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 và làn sóng bán tháo diễn ra trên thị trường chứng khoán khắp thế giới.
Ở giai đoạn hiện tại, năm 2022, P/E của VN-Index cũng giảm về mức gần 12 lần. Mức này khá tương đồng với giai đoạn 2016 khi FED tăng lãi suất. Nhưng trong thời gian vừa qua, chúng ta đã có sự kiểm soát dòng vốn trên thị trường trái phiếu và cả tín dụng chảy vào bất động sản, khiến cho nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản tạo đà giảm. Từ đó dẫn đến thị trường chứng khoán lao dốc mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, P/E của thị trường chứng khoán gần ở mức 12 lần chứng tỏ chúng ta đang lặp lại hai thời điểm lịch sử trước đó, là mỗi khi chỉ số VN-Index có P/E dưới 12 lần là lúc thị trường gần xác lập đáy và thông thường thị trường sẽ có mức tăng mạnh sau đó. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có định giá thấp và đang trong giai đoạn lạm phát thấp.
Thông thường, thời điểm thị trường phản ứng giảm giá xảy ra vào chu kỳ đầu của việc tăng lãi suất của FED, thường mất khoảng 10% và mất khoảng 2 tháng để các chỉ số có thể lấy lại vùng đỉnh cũ. Với những thống kê đó, cơ hội đầu tư có thể sẽ dần lộ diện...
“Chúng tôi cho rằng, cơ hội đầu tư bắt đầu đến dần, tuy nhiên tránh trường hợp lạm phát tăng, lãi suất tăng thì chúng ta phải có những tiêu chí lựa chọn cụ thể đối với các nhóm ngành.
Trước sóng gió lạm phát, có thể lựa chọn các nhóm cổ phiếu hiện có tỷ lệ E/P cao hơn mức lạm phát tiềm năng (4%), ít có tính chu kỳ như nhóm hóa chất, hàng hóa cá nhân và gia dụng, ngoài ra còn các nhóm có tiềm năng tăng trưởng như thực phẩm, đồ uống; điện - nước; xăng dầu - khí đốt và bán lẻ.
Đặc biệt với nhóm cổ phiếu nước, nhóm này vẫn luôn tăng trưởng ổn định trong nhiều năm bất chấp các thời điểm suy thoái kinh tế hay lạm phát rất cao, thì nhu cầu của nhóm ngành nước vẫn rất ổn định”, chuyên gia Nguyễn Thế Minh phân tích.
Theo DDDN