Hàng loạt doanh nghiệp lớn phá sản vì đại dịch COVID-19

Tú Quỳnh| 06/07/2020 08:57

Việt BáoDịch Covid-19: Một số doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản nộp đơn xin phá sản tăng mạnh nhất trong 7 năm qua.

Nước Mỹ đối diện nguy cơ "siêu phá sản"

Trích dẫn số liệu của tổ chức dịch vụ pháp lý Epiq, tờ Financial Times cho hay, 3.427 doanh nghiệp ở Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản của Mỹ trong nửa đầu năm 2020, xấp xỉ con số 3.491 của nửa đầu năm 2008.


 
Một làn sóng phá sản mới đang nổi lên trong nền kinh tế lớn nhất thế giới. (Nguồn: Business Insider)

Theo ông Sudeep Kesh, người phụ trách bộ phận nghiên cứu thị trường tín dụng của S&P Global Ratings, các doanh nghiệp nói trên rất khó có thể hoạt động và tồn tại trong tình hình không có doanh thu.


Nợ 1 tỷ USD, ông chủ Pizza Hut lớn nhất Mỹ xin phá sản

Theo CNN, NPC International đơn vị quản lý chuỗi 1.200 cửa hàng Pizza Hut và gần 400 nhà hàng Wendy tại Mỹ, đã nộp đơn xin phá sản.

NPC International hiện là đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng Pizza Hut lớn nhất nước Mỹ. Theo thông tin từ trang web, NPC mở nhà hàng Pizza Hut đầu tiên vào năm 1962 và vận hành hơn 1.225 cửa hàng này ở Mỹ. Cùng với đó, họ có 385 cửa hàng Wendy’s khác trên khắp lãnh thổ nước này. Số nhân viên lên tới 40.000 người.

Gánh nặng nợ nần lên tới 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng) và chi phí lao động, thực phẩm tăng đã khiến cho tình hình kinh doanh của NPC gặp nhiều khó khăn. Ảnh hưởng của mùa dịch, họ đã đã nỗ lực hoạt động giao hàng nhưng vẫn không đủ sức cạnh tranh với các chuỗi nhà hàng khác. Công ty này đang tìm kiếm sự bảo vệ theo Chương 11 của luật phá sản Mỹ.

Đơn vị vận hành Pizza Hut lớn nhất nước Mỹ nộp đơn xin phá sản.

Tính đến cuối năm 2019, NPC sở hữu 1.225 cửa hàng Pizza Hut, chiếm 17% tổng số cửa hàng Pizza Hut toàn nước Mỹ. NPC mới đây “vỡ trận” khi không đủ khả năng thanh toán khoản nợ 800 triệu USD đáo hạn. Doanh nghiệp này đang thương thảo với các bên cho vay để giãn thời gian trả nợ và xem xét phương án tái cấu trúc nợ.

NPC là công ty mới nhất của Mỹ nộp đơn xin phá sản trong đại dịch Covid-19. Trước đó, hàng loạt thương hiệu nhà hàng tại Mỹ cũng đã nộp đơn xin cầu cứu.

Công ty dầu khí hàng đầu của Mỹ phá sản

Chesapeake Energy Corporation là hãng dầu khí lớn nhất tại Mỹ đến nay phải nộp đơn xin phá sản vì đại dịch và giá dầu thấp.

Đơn xin phá sản hôm qua (28/6) đã chấm dứt kỷ nguyên thịnh vượng của Chesapeake - công ty tiên phong trong sự bùng nổ khai thác đá phiến tại Mỹ. Chesapeake đồng sáng lập bởi Aubrey McClendon – doanh nhân nổi tiếng với việc ủng hộ khai thác đá phiến. Trong hơn 2 thập kỷ, ông đã gây dựng Chesapeake từ một công ty nhỏ thành hãng sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu tại Mỹ. Hiện tại, họ vẫn là hãng khí đốt lớn thứ 6 trong nước.

Tuy nhiên, giá khí đốt liên tục đi xuống gần đây khiến công ty này đặt cược vào dầu mỏ. Tháng 10/2018, CEO hiện tại Doug Lawler chi 4 tỷ USD mua hãng khai thác dầu đá phiến WildHorse Resource Development. Tuy nhiên, động thái này được đánh giá là sai thời điểm. Cổ phiếu hãng xuống thấp và giá trị các tài sản dầu khí mà Chesapeake nắm giữ giảm tới 700 triệu USD quý này. Tháng trước, họ đã cảnh báo sẽ thể không tiếp tục hoạt động được nữa.


 
Chesapeake đặt trụ sở tại Oklahoma (Mỹ). (Ảnh: Reuters)

Lỗ quý I của hãng lên tới hơn 8 tỷ USD. Cổ phiếu hãng này cũng mất 93% từ đầu năm. Công ty này có tới 9,5 tỷ USD nợ dài hạn và chỉ 82 triệu USD tiền mặt.

Đầu tháng này, Chesapeake không thể trả 13,5 triệu USD tiền lãi, theo hồ sơ nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). Họ có 30 ngày ân hạn trước khi bị coi là vỡ nợ. Trong thông báo hôm qua, hãng cho biết đã đạt thỏa thuận với các chủ nợ về việc hỗ trợ chi phí tái cấu trúc

Hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh đệ đơn xin phá sản

LATAM Airlines - hãng hàng không lớn nhất khu vực Mỹ Latinh ngày 26/5 đã đệ đơn xin phá sản tại Mỹ sau khi hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

LATAM Airlines đã đệ đơn xin phá sản tại Mỹ. (Nguồn: Wikiwand)

Trong một thông báo, hãng hàng không của Chile-Brazil nêu rõ: "Ngày 26/5, Tập đoàn LATAM Airlines đã đệ đơn xin tái cơ cấu theo Chương 11 Bảo hộ tại Mỹ", đồng thời nhấn mạnh động thái này sẽ không ảnh hưởng ngay lập tức tới các chuyến bay chở khách hay hàng hóa.

Tháng trước, LATAM Airlines cho biết, hãng sẽ giảm tới 95% hoạt động để ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, vốn giáng một đòn mạnh vào các lĩnh vực du lịch và đi lại của thế giới.

Tập đoàn bán lẻ 118 tuổi của Mỹ rơi vào phá sản do dịch Covid-19

Ngày 15/5, JCPenney trở thành tập đoàn bán lẻ tiếp theo của Mỹ rơi vào cảnh phá sản do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Do tình hình kinh doanh ngày một khó khăn, CPenney sẽ buộc phải đóng cửa một số cửa hàng trên toàn nước Mỹ. Hãng có 500 triệu USD tiền mặt và đã nhận cam kết tài chính trị giá 900 triệu USD từ các chủ nợ.

Được thành lập năm 1902, JCPenney là chuỗi cửa hàng bán lẻ tên tuổi ở Mỹ. Tính đến tháng 2 vừa qua, JCPenney có khoảng 90.000 nhân viên và gần 850 cửa hàng trên khắp nước Mỹ.

JCPenney là chuỗi bán lẻ tiếp theo của Mỹ phá sản vì dịch Covid-19. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, kể từ năm 2011 đến nay, hãng bán lẻ này làm ăn không có lãi. Doanh thu của hãng trong năm 2019 đạt 10,7 tỷ USD, giảm hơn 7 tỷ USD so với thời điểm 10 năm trước.

Các chuyên gia tại hãng xếp hạng tín nhiệm S&P cho rằng việc đóng cửa kinh tế và tình trạng giãn cách xã hội kéo dài sẽ gây ra biến động lớn trong lĩnh vực bán lẻ. Lý do là "ngành này sẽ buộc phải giảm quy mô một cách có chủ đích và nhanh chóng phát triển hướng đến người tiêu dùng sau đại dịch".

Gần nửa triệu công ty Trung Quốc phá sản trong quý I/2020 do đại dịch COVID-19

Hơn 460.000 công ty của Trung Quốc đã phá sản trong quý đầu tiên năm 2020 khi đại dịch COVID-19 làm suy yếu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Già nửa trong số các công ty đó mới hoạt động được khoảng ba năm.

Các doanh nghiệp bị phá sản bao gồm nhiều công ty bị thu hồi giấy phép hoạt động, cũng như những bên đã tự chấm dứt hoạt động, với 26.000 công ty trong lĩnh vực xuất khẩu, theo SCMP.

Trong khi đó, số lượng các công ty mới được thành lập sụt giảm đáng kể. Từ tháng 1 đến tháng 3/2020, chỉ khoảng 3,2 triệu doanh nghiệp đã thành lập, giảm 29% so với một năm trước đó. Hầu hết các công ty mới này đều ở các trung tâm kinh tế lớn, chẳng hạn như tỉnh Quảng Đông, và gần một nửa trong số đó là phân phối hoặc bán lẻ.

Một khi các cổ đông hoặc chủ doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản, có thể mất nhiều tháng để các tòa án chấp nhận vụ việc. Sau đó sẽ là một quá trình xác minh dài với nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan, ông Li Haifeng, một đối tác tại Baker McKenzie nói.

"Tôi mong đợi một sự đột biến ngay sau khi tình hình lắng xuống. Chúng tôi biết nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên tôi cho rằng họ không cần phải tuyên bố hoặc nộp đơn xin phá sản ngay lập tức", ông Li nói.


 
Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng phá sản của hàng loạt doanh nghiệp. Ảnh: AFP

Hiện tại, theo các con số chính thức, hơn 460.000 công ty của Trung Quốc đã phá sản trong quý đầu tiên. Mặc dù vậy, một luật sư tại Bắc Kinh lại cho rằng: "Do tính chất tốn kém của thủ tục phá sản, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn với dòng tiền hoặc không có đủ tài sản, số lượng hồ sơ phá sản năm nay sẽ không cao".

Renown - Công ty dệt may lớn nhất tại Nhật Bản tuyên bố phá sản

Công ty Renown Incorporated hoạt động tại Nhật Bản, công ty con của đế chế thời trang Trung Quốc Shandong Ruyi đã nộp đơn xin phá sản vào thứ Sáu (15/5) với khoản nợ 13,9 tỷ Yên Nhật (tương ứng 130 triệu USD).


 
Renown, một công ty dệt may lâu đời và lớn nhất trong ngành bán quần áo tại Nhật Bản dưới các thương hiệu như Arnold Palmer, Hiroko Koshino và D’Urban, xác nhận họ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau khi đóng cửa trong hơn 1 tháng dẫn tới hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.

“Doanh thu của Renown đã giảm đáng kể sau tháng 3 khi chính phủ khuyên người dân nên hạn chế ra ngoài”, Renown cho biết trong thông báo mới đây.”

Đầu năm nay, doanh nghiệp cho biết họ đang vật lộn để thu nợ hơn 5 tỷ Yên Nhật (tương ứng 45,2 triệu USD) từ công ty mẹ Trung Quốc. Các giám đốc điều hành hàng đầu gần đây cũng bị buộc phải rời khỏi hội đồng quản trị.

Cho đến nay, hơn 140 công ty tại Nhật bản đã tuyên bố phá sản kể từ tháng 2 do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt doanh nghiệp lớn phá sản vì đại dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO