Việc khai thác các máy bay "cao tuổi" khiến chi phí nhiên liệu, bảo dưỡng tăng cũng như trải nghiệm của hành khách không thể so sánh với máy bay mới. Đây là điều khiến các hãng hàng không luôn phải làm mới đội bay bằng việc bán bớt máy bay cũ.
Một chuyên gia hàng không cho hay hàng không là ngành kinh doanh đặc thù. "Một máy bay không thể sinh lời cho hãng này vẫn hoàn toàn có thể sinh lời cho một hãng bay khác, trên một đường bay khác", vị này chia sẻ.
Vỏ máy bay thành móc khóa
Đây là lý do khiến nhiều máy bay 10-15 năm tuổi vẫn sẽ có người mua với giá hợp lý. Những chiếc máy bay cao tuổi này thường sẽ được các đơn vị cho thuê máy bay thu mua để cho các hãng hàng không khác thuê khai thác với kế hoạch phù hợp hơn.
Hiện ở Việt Nam vẫn có máy bay tuổi đời trên 10 năm được thuê về để khai thác, cho thấy máy bay dạng này vẫn có khả năng sinh lời trên những đường bay tại thị trường hàng không Việt. Theo Planespotter, hai máy bay già nhất trong đội hình của các hãng hàng không Việt có tuổi đời trên 15 tuổi, thuộc biên chế của Bamboo Airways và Pacific Airlines.
Đây cũng là lý do đại diện Vietnam Airlines khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì với kế hoạch bán 9 chiếc A321ceo cũ, dù vị này cũng chia sẻ khả năng thành công sẽ thấp do khó tìm người mua máy bay trong mùa dịch Covid-19.
Cũng theo chia sẻ từ hãng này, 3 trong số 9 chiếc máy bay này vẫn có thể khai thác được. Do đó, hãng có tính tới phương án thực hiện nghiệp vụ bán và thuê lại để bổ sung dòng tiền ngắn hạn. Những chiếc không còn khả năng khai thác nhiều khả năng sẽ được bán để rã phụ tùng hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác.
Chiếc A321ceo của Vietnam Airlines dù mới hơn 16 năm tuổi đã không còn khả năng khai thác sinh lời và bị rã lấy linh kiện tại Mỹ. Ảnh: Planetag. |
Điển hình cho trường hợp máy bay không còn tính kinh tế để khai thác chở khách là chiếc A321ceo từng được Vietnam Airlines khai thác với số đăng ký VN-A347 đã được hãng bán và được đơn vị mua lại rã lấy phụ tùng. Số lượng chi tiết có thể tháo dỡ từ máy bay chở khách cũ có thể lên tới 350.000 chi tiết.
Ngoài hai động cơ được tháo bỏ để thanh lý, khung vỏ của chiếc A321ceo này cũng được tận dụng triệt để. Một doanh nghiệp đã cắt nhỏ, gia công vỏ chiếc máy bay này thành 7.500 tấm móc hành lý, móc chìa khóa lưu niệm và bán với giá 24,95-39,95 USD (580.000-930.000 đồng) mỗi tấm.
Với máy bay "cao tuổi", nếu không thể sinh lời trên các đường bay chở khách, khả năng cao sẽ được mua về để cấu hình thành máy bay chở hàng. Theo Simple Flying, rất nhiều hãng bay chuyên chở hàng hóa thường mua lại máy bay cũ khi các hãng hàng không chở khách làm mới đội bay.
Các hãng chở hàng thường "săn tìm" những chiếc máy bay đã cũ, khoảng 30.000-40.000 giờ bay với giá thành hợp lý. Những chiếc máy bay này sẽ được dỡ bỏ toàn bộ ghế hành khách, thay thảm trải sàn bằng sàn lăn chuyên dụng để chở hàng. Hệ thống làm mát, chống cháy cũng được lắp đặt lại hoàn toàn để phục vụ mục đích khai thác mới.
Hệ thống cửa máy bay cũng được thay thế từ cửa hành khách sang cửa lớn để chất hàng hóa. Toàn bộ khung máy bay cũng sẽ được gia cố để chịu tải tốt hơn. Việc cải hoán thành máy bay chở hàng sẽ giúp máy bay cũ tiếp tục được khai thác trong khoảng 10 năm.
Với máy bay đã quá cũ, không còn khả năng sinh lời khi khai thác chở khách hoặc chở hàng, phần lớn sẽ được tập kết tại các "nghĩa địa" máy bay để chờ có đơn vị mua về rã phụ kiện hoặc thậm chí bị bỏ hoang.
Những chiếc máy bay đã nghỉ hưu này nếu may mắn hơn sẽ được mua về để chuyển đổi mục đích khai thác thành điểm tham quan, quán cà phê hay thậm chí là khách sạn.
Điển hình cho mô hình này là Coffee War tại Chon Buri (Thái Lan), một chiếc Airbus A300 cũ từng thuộc đội bay của Thai Airways đã "nghỉ hưu" và được cải hoán thành một quán cà phê.
Một chiếc Airbus A300 cũ của Thai Airways được cải hoán thành quán cà phê tại Chon Buri (Thái Lan). Ảnh: Papainoina. |
Nội thất của chiếc máy bay được sắp xếp lại để phù hợp hơn với mục đích sử dụng mới, tuy nhiên, vẫn sử dụng ghế hạng phổ thông và hạng thương gia của máy bay. Khách tới quán thậm chí còn có thể ngồi thưởng thức cà phê ngay trên ghế lái của cơ trưởng và cơ phó.
Tương tự, nhiều cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng từng đề nghị được đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc mua lại chiếc máy bay Boeing 727-200 mang số hiệu đăng ký XU-RKJ bị bỏ lại sân bay Nội Bài từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (Campuchia) để phục vụ mục đích kinh doanh mới như chuyển đổi thành quán cà phê, khách sạn.
Các cá nhân, doanh nghiệp này định giá chiếc máy bay bỏ hoang ở mức 3-4 tỷ đồng, tuy nhiên, do máy bay đã quá cũ nên cơ quan chức năng gặp khó trong việc định giá chiếc máy bay bỏ hoang này.