'Thị trấn tỷ phú' Thổ Tang ở Vĩnh Phúc có bị sáp nhập?

Thế Kha| 01/05/2024 13:29

UBND huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc lý giải nguyên nhân phải nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), huyện đề xuất nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Vĩnh Sơn (diện tích tự nhiên 3,30km2, đạt 15,71% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số là 6.512 người, đạt 81,40% so với tiêu chuẩn) vào thị trấn Thổ Tang (diện tích tự nhiên là 5,3km2, đạt 37,86% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số 18.631 người, đạt 232,89% so với tiêu chuẩn) để thành lập đơn vị hành chính mới với tên gọi dự kiến là thị trấn Thổ Tang.

Thị trấn tỷ phú Thổ Tang ở Vĩnh Phúc có bị sáp nhập? - 1

Vị trí địa lý của thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc (Ảnh: Wikipedia).

UBND huyện Vĩnh Tường cho biết xã Vĩnh Sơn có diện tích, quy mô dân số không đạt tiêu chuẩn theo quy định, thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.

Trong khi đó, thị trấn Thổ Tang không thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2030 và thuộc đơn vị trọng điểm về quốc phòng, theo Quyết định số 2414/2022 của Bộ Quốc phòng.

Xã Vĩnh Sơn có vị trí địa lý tiếp giáp, cũng như truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt tương đồng với thị trấn Thổ Tang.

Xã Vĩnh Sơn và thị trấn Thổ Tang có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế hàng hóa, dịch vụ, làng nghề nuôi rắn truyền thống. Trong khi đó, các xã liền kề (Lũng Hòa, Tân Phú, Thượng Trưng, Vũ Di, Bình Dương) có trình độ phát triển kinh tế không phù hợp cho việc nhập, điều chỉnh thêm đơn vị hành chính cấp xã.

Xét về yếu tố văn hóa - lịch sử, theo UBND huyện Vĩnh Tường, trước thế kỷ XX, xã Vĩnh Sơn, thị trấn Thổ Tang thuộc Tổng Sơn Tang.

Trong khi đó, các đơn vị hành chính liền kề như xã Lũng Hòa thuộc Tổng Mộ Chu; xã Tân Phú, xã Thượng Trưng thuộc Tổng Đồng Phú, tổng Phú Trưng; xã Bình Dương thuộc Tổng Lương Điền... nên có truyền thống văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán sinh hoạt khác biệt với xã Vĩnh Sơn, thị trấn Thổ Tang.

Sau sắp xếp, thị trấn Thổ Tang mới sẽ có diện tích tự nhiên 8,60 km2 (đạt 61,43 % so với tiêu chuẩn); dân số 25.143 người (đạt 314,29% so với tiêu chuẩn). Trụ sở làm việc dự kiến đặt tại thị trấn Thổ Tang cũ.

Thị trấn Thổ Tang (mới) sẽ có 39 cán bộ, công chức (dôi dư 18 cán bộ, công chức); 77 người hoạt động không chuyên trách (dôi dư 7 người hoạt động không chuyên trách). Huyện Vĩnh Tường đã có phương án bố trí, sắp xếp, giải quyết các chế độ chính sách cho số cán bộ dôi dư này.

Từ những yếu tố đó, UBND huyện Vĩnh Tường đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án sắp xếp xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang và không thực hiện nhập, điều chỉnh thêm với đơn vị hành chính cấp xã liền kề để thành lập đơn vị hành chính mới.

Thị trấn tỷ phú Thổ Tang ở Vĩnh Phúc có bị sáp nhập? - 2

Một góc thị trấn Thổ Tang (Ảnh: Cổng TTĐT Vĩnh Phúc).

Theo lịch sử, Thổ Tang là một trong những điểm cư trú làm ăn sinh sống của các cư dân người Việt cổ, cách ngày nay khoảng trên dưới 3.500 năm, thuộc thời kỳ vành đai văn hóa Phùng Nguyên.

Thổ Tang là một trong những đơn vị cấp xã nổi tiếng trên cả nước, có nhiều tỷ phú buôn bán rất nhiều loại hàng hóa. Trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của Thổ Tang được xác định theo hướng công nghiệp - dịch vụ - thương mại - nông nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn Thổ Tang luôn cao hơn mức bình quân chung của cả huyện Vĩnh Tường và toàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Huyện có nhiều xã thuộc diện sáp nhập nhất ở Vĩnh Phúc

Đề án của UBND huyện Vĩnh Tường cho thấy, toàn huyện có 10 cấp xã thuộc diện sắp xếp do không đủ điều kiện tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, gồm: Tân Tiến, Việt Xuân, Bồ Sao, Lý Nhân, Vĩnh Sơn, Vân Xuân, Vũ Di, Tam Phúc, Vĩnh Ninh và thị trấn Vĩnh Tường.

Trong đó, xã Vũ Di được xác định là đơn vị trọng điểm về quốc phòng theo Quyết định số 2414/2022 của Bộ Quốc phòng và đạt tiêu chuẩn xã An toàn khu, khu vực phòng thủ then chốt chủ yếu nên không thuộc diện bắt buộc sắp xếp theo Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Huyện Vĩnh Tường đề xuất sắp xếp xã Tân Tiến vào xã Đại Đồng để thành lập xã mới, tên dự kiến là Đồng Tiến; sắp xếp xã Lý Nhân vào xã An Tường thành xã Lý An; sắp xếp xã Vân Xuân vào xã Bình Dương với tên gọi mới là xã Lương Điền; sắp xếp xã Vĩnh Ninh vào xã Phú Đa thành xã Vĩnh Phú.

Huyện này đề xuất nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Việt Xuân, xã Bồ Sao vào xã Cao Đại để thành xã mới tên là Mộ Chu.

Nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Tam Phúc vào thị trấn Vĩnh Tường, mang tên gọi mới là thị trấn Vĩnh Tường.

Huyện Vĩnh Tường có diện tích tự nhiên: 144,20 km2; quy mô dân số 245.386 người.

Hiện nay, huyện Vĩnh Tường có 25 xã và 3 thị trấn, bao gồm: Kim Xá, Yên Bình, Nghĩa Hưng, Chấn Hưng, Đại Đồng, Tân Tiến, Yên Lập, Việt Xuân, Bồ Sao, Lũng Hòa, Cao Đại, Lý Nhân, An Tường, Tuân Chính, Thượng Trưng, Tân Phú, Vĩnh Sơn, Bình Dương, Vân Xuân, Vũ Di, Tam Phúc, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, Phú Đa, Ngũ Kiên, thị trấn Thổ Tang, thị trấn Vĩnh Tường, thị trấn Tứ Trưng.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thi-tran-ty-phu-tho-tang-o-vinh-phuc-co-bi-sap-nhap-20240501114501611.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thi-tran-ty-phu-tho-tang-o-vinh-phuc-co-bi-sap-nhap-20240501114501611.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Thị trấn tỷ phú' Thổ Tang ở Vĩnh Phúc có bị sáp nhập?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO