Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021, những thí sinh đến ngày thi là F0 được xác định phải đi điều trị, không thể dự thi sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT nhận định trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 cũng giống với các trường hợp đặc biệt khác như tai nạn, ốm đau, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác nên được ưu tiên đặc cách xét tốt nghiệp.
Tuy nhiên, thí sinh không tham gia kỳ thi sẽ không có điểm thi để làm căn cứ xét tuyển đại học. Trường hợp này, thí sinh sẽ phải xét tuyển đại học bằng phương thức khác như: xét học bạ, dùng chứng chỉ quốc tế, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực... nhưng không phải thí sinh nào cũng có ưu thế với 3 phương thức này nhất là học sinh ở vùng khó khăn.
Dự báo thí sinh F0 năm 2022 sẽ tăng lên nhiều. (ảnh minh họa) |
Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2022 bùng phát số lượng học sinh mắc Covid-19 trong trường học nên Bộ GD&ĐT cần có quy định mới để đảm bảo quyền lợi cho học sinh khi xét tuyển vào các trường đại học.
Về vấn đề này, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên dạy Sinh học tại Hệ thống giáo dục Hocmai cho hay: "Sẽ có nhiều thí sinh có thể trượt đại học mục tiêu vì bỗng dưng bị F0 vào ngày thi nếu Bộ GD&ĐT vẫn giữ nguyên quy chế 2021".
Theo thầy Hiền, tuyển sinh đại học năm 2022, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành quy chế với thí sinh F0 trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
"Nếu theo quy định hiện hành, thí sinh F0 sẽ được miễn thi tốt nghiệp nhưng đồng nghĩa với việc không thể dùng kết quả miễn đó để xét vào đại học mong muốn. Từ đó, công sức ôn tập thành... công cốc.
Thí sinh sẽ phải dùng phương thức khác để xét tuyển đại học theo yêu cầu từng trường, sẽ là thiệt thòi rất lớn, tương lai hoàn toàn có thể quay 180 độ".
Thầy Hiền đặt ra vấn đề: "Năm 2021, số thí sinh F0 còn rất ít nhưng năm 2022 có thể nhiều hơn khi mà đã chấp nhận sống chung với dịch như hiện nay. Các trường đại học cũng phải tính toán dành lượng chỉ tiêu nhất định cho F0. Với tình hình dịch hiện nay, thí sinh F0 sẽ trở nên phổ biến, vậy Bộ GDĐT sẽ xử lý sao để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh?".
Thầy giáo Đinh Đức Hiền, giáo viên dạy Sinh học. |
Thực tế cho thấy, một số thí sinh năm ngoái không thể vào được trường mơ ước do không có điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học nên đành ngậm ngùi ôn năm nay thi lại.
Vậy nên có ý kiến cho rằng, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong thời gian tới thì kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vẫn nên tổ chức làm nhiều đợt để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người học. Bên cạnh đó, quy định học sinh F0 không dự thi tốt nghiệp không còn phù hợp với thực tế nữa.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đề xuất với Bộ GD&ĐT về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nên tổ chức thành hai đợt. Trong đó, đợt hai cách đợt đợt một khoảng mười ngày. Đợt 1 sẽ dành cho thí sinh đủ điều kiện tham dự thi đợt một.
Đợt 2 dành cho thí sinh là F0, F1 không thể tham gia kỳ thi đợt một. Sở dĩ đề xuất khoảng cách giữa hai đợt thi nên cách nhau mười ngày là vì quy định hiện nay của ngành y tế, F0 có thời gian cách ly bảy ngày và ba ngày theo dõi; F1 có thời gian cách ly 5 ngày và 5 ngày theo dõi. Nếu thí sinh rơi vào một trong hai trường hợp trên, sau khi hoàn thành thời gian cách ly vẫn có thể tham gia kỳ thi, bảo đảm quyền lợi của mình.
Trước đó, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: "Các thí sinh sẽ có nhiều lựa chọn phương thức khác nhau để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Các cơ sở giáo dục đại học cũng có quyền tự chủ cao trong việc xác định các phương thức tuyển sinh để lựa chọn người học phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình. Nếu thí sinh không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, các em có thể sử dụng kết quả học tập THPT... để tham gia xét tuyển ở nhiều trường đại học khác nhau".
Hoàng Thanh