Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học; cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022.
Một trong những điểm đáng chú ý là, năm nay, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp), còn những thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3).
Sau khi công bố, dự thảo này đã nhận lại rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề thí sinh tự do không được cộng điểm ưu tiên khu vực khi thi lại.
Trên một số diễn đàn thi cử, các thí sinh tự do đang kêu gọi gửi kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhiều thí sinh tự do hụt hẫng với quy định mới không được cộng điểm ưu tiên khu vực. (ảnh minh họa) |
Nguyễn Phương Lan là một nữ sinh ở Cao Bằng, năm nay thí sinh này dự định thi lại vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Phương Lan đã chia sẻ: “Quá trình học tập chuẩn bị cho kỳ thi đối với những thí sinh thi lại như chúng em đã là khó khăn hơn rất nhiều, nhiều lúc động lực học tập cũng bị sụt giảm.
Đó là chưa kể để thuyết phục bố mẹ đồng ý cho thi lại cũng là vấn đề lớn, rồi điều kiện tiếp cận những thầy giỏi những tài liệu học tập ở miền ngược cũng vất vả hơn nhiều so với các thí sinh ở thành phố lớn.
Quả thật, giờ nghe thêm thông tin không được cộng điểm ưu tiên, em rất thất vọng và hụt hẫng”.
Nhiều người cũng đồng tình rằng sẽ rất thiệt thòi cho các thí sinh tự do năm nay khi bỏ cộng điểm ưu tiên khu vực. Bản chất việc cộng điểm này không liên quan chuyện thí sinh tự do hay không, bởi đã là vùng núi, vùng khó khăn thì bản thân các em đã thiệt thòi trong việc tiếp cận tài liệu học tập rồi.
Thí sinh Phương Lan cũng chia sẻ rằng ngoài những thí sinh thi trượt đại học năm ngoái như cô thì cũng có những thí sinh lớn tuổi hơn, thậm chí học xong trung cấp nhưng hiện giờ muốn thi lại để có thể bước xa hơn trong tương lai.
“Trên thực tế, những bạn thi lại đại học phải đối diện với rất nhiều áp lực và khó khăn, vậy nên, em mong muốn được cộng điểm ưu tiên, dù số điểm ưu tiên nhỏ nhưng cũng là động viên cho các thí sinh tự do, có thể đến gần hơn với cánh cửa đại học mà chúng mình hằng mơ ước”, nữ sinh này tâm sự.
Cùng cảnh ngộ trượt đại học năm ngoái, Nguyễn Tuấn Anh (quê Hà Giang) cho biết năm ngoái em thiếu 0,5 điểm để đỗ vào ĐH Khoa hoc Xã hội và Nhân văn nên năm nay quyết tâm thi lại.
"Lâu nay, em nghĩ ôn thi lại vẫn được cộng điểm vùng, em cũng xác định khoảng điểm của mình cần đạt được. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT lại xây dựng quy chế bỏ điểm ưu tiên của thí sinh tự do, em cảm thấy rất hoang mang và lo lắng.
Em có những người bạn năm ngoái cũng chưa tham gia tyển sinh đại học vì đi làm để có kinh tế học tập. Năm nay các bạn ấy vẫn quyết tâm ôn thi lại để vào ngôi trường mình mong ước. Những thí sinh tự do đó cũng không được cộng điểm ưu tiên thì quả là thiệt thòi lớn”, Tuấn Anh nói.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay, trên các diễn đàn mạng xã hội có nhiều bài viết bàn luận về vấn đề này. Trong đó các thí sinh thi lại đại học tỏ ra rất bất bình, cho rằng quy định như vậy sẽ rất thiệt thòi cho các em.
Trên thực tế, điểm cộng ưu tiên có vai trò không hề nhỏ trong việc đỗ/ trượt của một thí sinh vì 0,1 điểm thôi cũng quyết định người đỗ, kẻ trượt rồi. Vì vậy nhiều người mong rằng Bộ GD&ĐT sẽ xem xét lại về dự thảo này nhằm đảm bảo quyền lợi, công bằng cho các thí sinh trước khi đưa ra quy chế chính thức.
Hoàng Thanh