Trong những năm gần đây, đề thi tuyển sinh môn ngữ văn vào lớp 10 tại TPHCM luôn mang đến cảm giác háo hức, chờ đợi cho thí sinh. Đề bài thường có tính mở cao, gắn liền với thực tiễn, phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh, khơi gợi nhiều cảm xúc, giàu tính nhân văn và hướng đến giá trị giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh.
Mỗi năm, đề thi sẽ đưa ra một chủ đề xuyên suốt toàn bộ các câu hỏi trong bài. Ví như năm 2022, nội dung chính được đưa ra là "bức thông điệp của thời gian".
Còn đề thi năm 2021 sử dụng một văn bản ngoài sách giáo khoa có nội dung về dịch Covid-19 làm đảo lộn cả thế giới.
Trong khi đó, lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để hiểu biết là đề bài được đặt ra cho thí sinh dự thi năm 2020.
Bên cạnh việc kiểm tra kiến thức của học sinh, đề thi còn làm nổi bật tình yêu thương, tính nhân văn của mỗi học sinh khi làm bài.
Chính vì thế, mỗi kỳ thi đến, thí sinh lại hào hứng đưa ra nhiều ý tưởng về đề thi ngữ văn, tuy nhiên, các em đều bày tỏ sẽ không học "tủ", học vẹt.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2023 ở TPHCM bắt đầu từ ngày mai (6/6) với môn đầu tiên là ngữ văn.
Dù lo lắng nhất ở môn thi này nhưng thí sinh Lê Gia Bảo - học sinh Trường THCS Độc Lập - chia sẻ đã dành nhiều thời gian để ôn luyện.
"Đối với kỳ thi quan trọng như vậy em không muốn mạo hiểm học "tủ", đa số sẽ học hết. Tuy nhiên, có vài tác phẩm sẽ liệt kê vào danh sách ít ra hơn. Em mong muốn chủ đề sẽ nói về vẻ đẹp của người Việt Nam vì nó rất hay và dễ liên kết với các tác phẩm văn học", Gia Bảo chia sẻ.
Còn Nguyễn Thanh Thảo - học sinh Trường THCS Cầu Kiệu cho biết, nguyện vọng 1 đăng ký vào Trường THPT Phan Đăng Lưu có tỷ lệ chọi khá thấp nên cũng không quá áp lực.
"Em biết sức học của mình nên không đăng ký nguyện vọng quá cao. Dù vậy, em cũng sẽ cố gắng ôn luyện và làm bài thi thật tốt để đạt kết quả cao nhất", nữ sinh lớp 9 nói.
Thảo cho hay, nhóm bạn mình đang dành nhiều thời gian trao đổi về tác phẩm "Lặng lẽ Sapa", "Nói với con", "Những ngôi sao xa xôi". Về nghị luận xã hội, nhóm bạn muốn được nói lên tiếng nói về sự cống hiến của tuổi trẻ.
Trong khi đó, thí sinh Xuân Thi - học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm học đều tất cả các bài, nhưng vẫn thiên về bài "Đoàn thuyền đánh cá".
"Em chủ yếu ôn tập ở nhà, giải đề trên mạng. Những ngày gần thi thì củng cố lại kiến thức đã học", Thi cho hay.
Tại điểm thi trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM), nhiều học sinh cũng tỏ ra khá thoải mái trước ngày thi chính thức. Em Trần Bình Trọng (học sinh trường THCS Nguyễn Du) chia sẻ, em chỉ vừa bắt đầu ôn thi khoảng 3 tuần trước và đã sớm nắm hết các kiến thức cần thiết.
"Em đoán rằng phần thi nghị luận xã hội sẽ xoay quanh chủ đề người lính. Vì em thấy chủ đề này đang dần được xã hội quan tâm, nhắc đến nhưng những năm trước lại ít khi được ra đề. Nên em nghĩ năm nay sẽ ra và nó cũng sẽ không quá khó đối với em", Trọng nói.
Trong khi đó, thí sinh Khánh Nguyên (học sinh trường THCS Nguyễn Du) đoán rằng bài nghị luận xã hội sẽ ra chủ đề xoay quanh tình yêu gia đình.
"Nếu bài thi ra chủ đề này thì sẽ rất dễ cho bản thân em và các thí sinh khác. Bởi đây là chủ đề khá gần gũi với học sinh và chúng em cũng có thể trình bày theo đúng trải nghiệm, cảm nhận của mình", Nguyên bộc bạch.