Thí sinh Đường lên đỉnh Olympia bị gọi là 'gà chọi': Nhà vô địch phản bác

Nhung Nhung| 19/03/2023 06:47

Gà chọi" là cách gọi vật hóa mang ý đùa cợt, chê bai người khác. Việc sử dụng nó để nhắc đến đối tượng là học sinh là không phù hợp", Việt Thái nêu.

Tranh cãi đang nổ ra trên mạng xã hội khi một "cây viết" tên viết tắt là T.Q.Đ đăng tải một bài viết trên trang cá nhân với nội dung "châm biếm" về cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia".

Cụ thể bài viết của T.Q.Đ sử dụng cụm từ "Đường lên đỉnh Australia" để nhắc đến cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia"  và gọi các thí sinh tham gia cuộc thi là "các chiến binh gà chọi".

Bài viết của T.Q.Đ có đoạn: "... Cụ thể là, cuộc thi "đường lên đỉnh Australia", các chiến binh gà chọi được huấn luyện, nhồi nhét ngày đêm với đủ thứ kiến thức hầm bà lằng để tranh giành suất học bổng vài chục nghìn USD và cái danh hão là "nhà vô địch".

Sau khi lên đỉnh thì họ Tây du và thực tế đến nay cũng chẳng thấy ai đạt được đỉnh cao gì trong khoa học. Bởi các chiến binh này thông minh, trí nhớ tốt chứ chưa phải là tài năng xuất chúng, họ thành công trong một cuộc thi có tính chất học thuộc lòng...".

Bức xúc về ý kiến của người này, nhiều thí sinh Đường lên đỉnh Olympia đã lên tiếng phản bác. Trong đó có thể kể đến Trần Thế Trung - Nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19, Nguyễn Thiện Hải An - Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21, Hà Việt Hoàng - Á quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17 đều có những phản ứng trên mạng xã hội.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Quý quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 Nguyễn Việt Thái (thí sinh vô địch cuộc thi tuần, tháng và quý, có kết quả đứng thứ 3 tại vòng chung kết của Đường lên đỉnh Olympia 21) để tìm hiểu quan điểm của bạn về vấn đề này.

Thí sinh Đường lên đỉnh Olympia bị gọi là gà chọi: Nhà vô địch phản bác - 1
Nguyễn Việt Thái - nhà vô địch cuộc thi quý 2 , giành vé vào chơi Chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm 2021 (Ảnh: NVCC)

Việt Thái bày tỏ không đồng tình với cách nhìn nhận vấn đề trong bài viết của ông T.Q.Đ: "Ở góc độ là đối tượng được nhắc đến trong bài viết - những bạn trẻ từng tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và các kỳ thi học sinh giỏi, mình cho rằng nhà báo Đ. đang thể hiện diễn ngôn khinh thường người trẻ.

Các luận điểm được đưa ra không được xét từ nhiều góc độ, phương diện mà chỉ là những cảm quan cá nhân. Điều này dễ làm sai lệch bản chất của vấn đề".

Việt Thái cũng chia sẻ thêm, ý kiến trong bài viết của ông T.Q.Đ phần nào nói lên tính chất cạnh tranh của các cuộc thi về kiến thức, nhưng phần nhiều đang "lấy sự tiêu cực để quy chụp toàn bộ câu chuyện".

Việt Thái không bác bỏ luận điểm đề cập đến việc học sinh khi tham gia các kỳ thi học sinh giỏi và cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" phải được "huấn luyện" để đạt được thành tích tốt.

Tuy nhiên, Thái cũng lý giải rằng việc luyện tập trước để làm quen với dạng thức đề hay "cày" các nội dung liên quan đến vùng kiến thức được hỏi là chuyện "hết sức bình thường" chứ không phải do ép buộc.

Bởi đó là áp lực vô hình từ thi cử nói chung và ý thức mưu cầu tri thức của thí sinh nói riêng.

"Nếu để trả lời cho câu hỏi các cuộc thi về kiến thức có tính chất học thuộc lòng không thì câu trả lời ngắn gọn của em là có, nhưng có phải chỉ cần học thuộc là đủ hay không thì em chắc chắn là không", nam sinh thẳng thắn.

Vì vậy đối với cựu thí sinh này, bài viết được đăng tải sử dụng câu"... các chiến binh gà chọi được huấn luyện, nhồi nhét ngày đêm với đủ thứ kiến thức hầm bà lằng…" là thiếu tôn trọng đến bộ phận những người tham gia cuộc thi.

"Trong ngôn ngữ dân gian, cụm từ gà chọi là cách gọi vật hóa mang ý đùa cợt, chê bai người khác. Việc sử dụng nó để nhắc đến đối tượng là học sinh là không phù hợp", Thái nêu quan điểm.

Đứng ở góc độ của một người trẻ và là "người trong cuộc", Thái cho rằng việc lên tiếng vì bản thân và những người bạn tham gia cuộc thi là cần thiết để bảo vệ giá trị tích cực mà chương trình truyền hình 23 năm phát sóng truyền tải.

Cựu thí sinh bộc bạch: "Đường lên đỉnh Olympia là một trò chơi truyền hình. Chương trình là một sân chơi kiến thức, nơi để những bạn trẻ như em có cơ hội học hỏi thêm nhiều điều bổ ích.

Đồng thời, cuộc thi này giúp chúng em có cơ hội được thể hiện năng lực bản thân và thỏa mãn đam mê, khát khao được bước đến một sân khấu lớn".

Nam sinh này cũng bày tỏ suy nghĩ rằng, mỗi lứa tuổi có một quyền lợi và nghĩa vụ riêng. Việc nhận được sự kỳ vọng quá lớn đối với những thí sinh đi ra từ chương trình đang bị "đẩy lên cao quá" khiến các em cảm thấy áp lực phải "khoác chiếc áo quá rộng".

"Xã hội có xu hướng công nhận một cá nhân có thành tựu khi họ đem lại bất cứ giá trị nào đó đóng góp cho xã hội. Giá trị ở đây có thể hiểu bằng nhiều cách nhưng tuyệt nhiên không phải chỉ có những phát minh tầm cỡ, những nghiên cứu cao siêu mới đem lại giá trị lớn.

Em tin rằng không chỉ riêng em mà nhiều bạn thí sinh khác của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, ở bất kì một khía cạnh, một lĩnh vực nào, vẫn đang cố gắng tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng dù ít hay nhiều", nam sinh lọt vào Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 21 chia sẻ.

Cá nhân Thái cho rằng, khái niệm "đỉnh cao của trí tuệ" hay "đỉnh cao của khoa học" đối với bất cứ ai theo đuổi tri thức là một phạm trù không thể đo đếm được. Đồng nghĩa với việc họ không bao giờ tự mãn về những gì đã đạt được là "đỉnh", đặc biệt đối với những thí sinh trưởng thành từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thí sinh Đường lên đỉnh Olympia bị gọi là 'gà chọi': Nhà vô địch phản bác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO