Thí sinh có cần thi nhiều kỳ thi riêng của các trường Đại học?

Khoa Tư| 03/02/2023 17:47

Việc có quá nhiều kỳ thi riêng của các ĐH, trường ĐH giúp cho thí sinh có nhiều lựa chọn, các trường đánh giá và chọn lựa đầu vào, hay chỉ gây quá tải và…quay lại tình trạng “vác ba lô đi thi đại học” tốn kém, mệt mỏi như trước đây?

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường đại học dành 31.435 chỉ tiêu (trên tổng số 587.786 chỉ tiêu) để xét tuyển từ kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Hiện cả nước có 8 kỳ thi riêng của các đơn vị tổ chức, gồm: công bố, gồm: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. HCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Bộ Công an (dành cho các trường thuộc Bộ). Năm 2023, trường ĐH Ngân hàng TPHCM là đơn vị tiếp theo cho biết sẽ tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để phục vụ việc tuyển sinh.

327903384_5692786534152871_235847618258060317_n.jpg
Thí sinh tham dự kỳ thi Đánh giá năng lực 2022 do ĐHQG TP. HCM tổ chức.

Mới đây, tại Hội nghị giáo dục y khoa với chủ đề “Chuyển đổi đào tạo y khoa trong kỷ nguyên của đổi mới và tiến bộ kỹ thuật”, Giáo sư Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược, Đại học Huế đã đề xuất tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe. Đây là đề xuất nêu ra trong bối cảnh nhân lực ngành sức khỏe bỏ việc, chuyển dịch các khu vực nhiều, dẫn tới việc tuyển sinh khối sức khỏe hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Việc có quá nhiều kỳ thi riêng của các ĐH, trường ĐH giúp cho thí sinh có nhiều lựa chọn, các trường ĐH đánh giá và chọn lựa đầu vào, hay chỉ làm thí sinh thêm quá tải và…quay lại tình trạng “vác ba lô đi thi đại học” tốn kém, mệt mỏi như trước đây?

Lý giải về việc này, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP. HCM: “Thực ra, việc tuyển sinh vào đại học có thể thông qua nhiều phương thức đánh giá, bởi, về bản chất học sinh sau khi hoàn thành cấp trung học phổ thông, là đã cơ bản đủ điều kiện tiêu chuẩn để học đại học, đó là lý do vì sao có rất nhiều trường chỉ cần xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, vì sao các trường đại học hay nhóm các trường đại học theo ngành lại cần có một số kỳ thi đặc biệt để tuyển sinh, mà không phải trường nào cũng cần, không phải ngành nào cũng cần?

TS Chính cũng cho rằng không nên quá lo lắng vì nhiều kỳ thi riêng, bởi không phải trường nào cũng đủ điều kiện để tổ chức. Ngoài đảm bảo quy chế của Bộ GD – ĐT, còn phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện, tốn kém, không phải muốn là làm được.

Như vậy, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, có qúa nhiều kỳ thi riêng sẽ tạo áp lực sẽ lên thí sinh? Tại buổi thông tin về Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2023 của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS –TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường, nhận xét: nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT để xác định một học sinh trở thành công dân, còn xét tuyển đại học giúp các trường và thí sinh lựa chọn ngành nghề cụ thể, phù hợp. Các kỳ thi riêng ra đời để đáp ứng nhu cầu này. nhiều trường đại học trên thế giới cũng có các hình thức khác nhau để đánh giá năng lực học sinh nên có thể xem đây là xu thế chung.

Tuy nhiên, việc giảm tải thi cử là cần thiết và không thể có quá nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng trong thời gian tới. Không nên có quá nhiều kỳ thi riêng.

283361788_5443803352310346_7820158422655163528_n.jpg
Giám thị kiểm tra tư cách của thí sinh tham dự Kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐHQG TP. HCM tổ chức.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức xét tuyển riêng được các trường thay đổi hằng năm, tuy nhiên có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

Vậy làm sao để thí sinh không phải “hoang mang” trước nhiều kỳ thi riêng? Theo bà Thủy, việc thí sinh đăng ký tham dự các kỳ thi độc lập sẽ làm tăng cơ hội xét tuyển theo các phương thức khác. Tuy nhiên, do mục đích và yêu cầu của mỗi kỳ thi là khác nhau nên cấu trúc, định dạng đề thi và cách thức tổ chức, thời gian, địa điểm tổ chức cũng khác nhau.

Vì vậy, thí sinh cần xem xét đề án tuyển sinh của các trường (xét tuyển theo phương thức gì) để có kế hoạch và cân nhắc lựa chọn các kỳ thi phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân; tránh việc chọn tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ lãng phí thời gian, công sức, gây áp lực và gánh nặng về thi cử mà khó có thể đạt được kết quả như mong muốn.

Thêm vào đó, việc nhiều trường sử dụng kết quả từ kỳ thi riêng để xét tuyển sẽ giúp thí sinh bớt áp lực, nên chỉ cần chọn một kỳ thi riêng. Được biết, năm 2023, dự kiến có tới hơn 70 trường đại học, học viện dùng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức để xét tuyển; 86 trường đại học, cao đẳng trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM.

Trong khối sư phạm, hai trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TPHCM thống nhất công nhận chéo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau. Các trường trong khối sư phạm cũng sử dụng kết quả từ hai kỳ thi trên để làm nguồn xét tuyển đầu vào.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thí sinh có cần thi nhiều kỳ thi riêng của các trường Đại học?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO