Tại cuộc Họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào 10, với những lo ngại của dư luận về tính công bằng khi nhiều địa phương tổ chức thi 3 môn, trong khi có địa phương thực hiện xét tuyển.
Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, từ năm 2014, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư về quy chế thi THCS, THPT liên quan đến việc thi, thực hiện xét tuyển hay tích hợp thi tuyển và xét tuyển. Bộ GD-ĐT đã giao quyền chủ động cho các địa phương.
Theo đó, dựa trên đặc điểm, tình hình cụ thể của các địa phương, Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố để phê duyệt kế hoạch, cũng như quyết định môn thi, hình thức thi, hệ số bài thi và điểm cộng...
"Vấn đề được quan tâm là tại sao tổ chức thi hay tiến hành xét tuyển. Tuỳ từng địa phương, căn cứ vào số lượng thí sinh dự thi và số lượng các trường THPT ở địa bàn đó, để quyết định xét tuyển hay thi tuyển. Với địa phương có nhiều trường THPT để tiếp nhận học sinh, thì việc tổ chức xét tuyển không căng thẳng, không áp lực. Nhưng càng ở các thành phố lớn, tại các trường chuyên, trường có tiếng thì việc tổ chức thi hay xét tuyển sẽ căng thẳng hơn. Tuy nhiên, nếu đã lập kỳ thi hay tổ chức xét tuyển thì phải đảm bảo tính công bằng, tin cậy trước tiên. Sau đó, mới nói đến áp lực", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, với vấn đề cung - cầu, khi số lượng thí sinh và số lượng trường tiếp nhận có sự chênh lệch thì tổ chức thi hay xét tuyển đều áp lực.
"Áp lực không hề giảm mà chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, thời gian này sang thời gian khác. Nếu tổ chức thi thì áp lực ở thời gian ôn và thi. Nếu dựa vào xét tuyển học bạ, thì áp lực rải qua các năm học. Với vấn đề công bằng, việc địa phương thi 3 môn hay địa phương thi 4 môn thì không liên quan đến nhau. Vì nó chỉ áp dụng với từng địa phương. Chúng ta lưu ý công bằng cho các thí sinh trong địa phương", ông Sơn cho biết thêm.
Nói về việc nhân đôi hệ số Văn, Toán có còn phù hợp?, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng vào phát triển toàn diện năng lực toàn diện năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, phát triển toàn diện chú trọng vào phát triển năng lực song không có nghĩa là coi nhẹ kiến thức cơ bản và các môn văn hoá, cụ thể là Văn, Toán.
Bộ GD-ĐT đã quy định, chương trình mới không còn tính điểm trung bình và không còn hệ số các môn học để ghi vào học bạ. Do vậy, các kỳ thi chuyển cấp, các địa phương phải tính toán kỹ theo tình hình thực tế để quy định nhân đôi, nhân ba hệ số các môn.