Thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện công: Thất bại vì quá nóng vội

Thùy Linh| 07/09/2022 09:49

Có thể thấy sau 2 năm tổ chức thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện, những mục tiêu ban đầu đặt ra đều không đạt. Chúng ta đang muốn hướng tới mô hình bệnh viện tự chủ toàn diện, đây là một chủ trương đúng đắn, có thể thành công hoặc không, vì vậy cần phải có đánh giá cụ thể từ thực tiễn. Trong trường hợp không thành công, chúng ta cũng mạnh dạn cho dừng thí điểm để thực hiện mô hình tự chủ về chi thường xuyên như đa số các bệnh viện công lập hiện nay đang thực hiện” - TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết.

Thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện công: Thất bại vì quá nóng vội
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) - một trong bốn bệnh viện thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện. Ảnh: BVCC

Bất cập trong mô hình tự chủ toàn diện 

Tự chủ bệnh viện được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thế nhưng, tình trạng không có bệnh nhân, không có doanh thu, giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ khiến cho đời sống của cán bộ, nhân viên y tế không được đảm bảo, chất lượng dịch vụ y tế không phát triển được... đã khiến cho việc thí điểm bệnh viện tự chủ toàn diện thất bại. Chính bệnh nhân là người chịu tác động trực tiếp trong "vòng xoáy" tự chủ bệnh viện.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, TS Nguyễn Huy Quang- nguyên Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho biết: Mỗi cuộc thử nghiệm, chúng ta đều mong muốn trước hết có được một bệnh viện tự chủ toàn diện, nhằm sử dụng có hiệu quả tất cả các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) để xây dựng và phát triển bệnh viện với 1 mô hình quản trị bệnh viện tiên tiến. Hai là mong muốn các BV khi được tự chủ toàn diện sẽ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh theo yêu cầu đồng thời đảm bảo chăm lo cho các đối tượng người nghèo, người có công với cách mạng… nhằm bảo đảm chính sách an sinh xã hội. Ba là bệnh viện tự chủ nhằm thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao.

TS Nguyễn Huy Quang cho rằng chúng ta đã thành công trong việc tự chủ bệnh viện một phần tại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện công lập của nhà nước. Mong muốn tự chủ toàn diện nhưng lại chỉ thí điểm ở 4 bệnh viện trên tổng số 1.400 bệnh viện công lập và sau 2 năm triển khai chỉ có 2 bệnh viện thực hiện và 2 bệnh viện không thực hiện được bởi chúng ta đã thiếu cơ chế về mặt pháp lý.

Nhận định về việc mô hình tự chủ toàn diện còn nhiều bất cập dẫn đến thí điểm thất bại ở 2 bệnh viện lớn là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai, TS Quang phân tích: Thứ nhất, vẫn giao các bệnh viện này là tuyến đầu để hỗ trợ chuyên môn y tế cho tuyến dưới - tức là làm công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao công nghệ nhưng ngân sách Nhà nước không chi mà bệnh viện phải tự chủ. Trong khi đó, vấn đề tài chính của bản thân bệnh viện cũng không đủ.

Thứ hai, để thực hiện công tác nhân sự bệnh viện vẫn phải xin ý kiến Bộ Y tế. Rồi về tổ chức nhân sự cũng có các bất cập. Bệnh viện thành lập Hội đồng quản lý (HĐQL) để ra quyết định cho Ban Giám đốc thực hiện nhưng mối quan hệ giữa HĐQL và Ban Giám đốc bệnh viện, Đảng ủy bệnh viện cũng chưa được phân định rõ ràng, chưa xác định rõ ai là người đứng đầu bệnh viện.

Ngoài ra, bệnh viện tự chủ thiết lập mô hình Ban kiểm soát, có nhiệm vụ kiểm soát toàn bộ các hoạt động của HĐQL và Ban Giám đốc bệnh viện nhưng người trong Ban kiểm soát này đều là người của bệnh viện do bệnh viện bổ nhiệm, chi trả lương nên không đảm bảo tính khách quan, minh bạch và cũng không bảo đảm về cơ chế kiểm soát các hoạt động.

Thứ ba, về đầu tư mua sắm, quản lý tài sản: Do quy định đầu tư mua sắm chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng nên vấn đề đầu tư mua sắm các thuốc, vật tư y tế, các vấn đề tài sản gặp rất nhiều khó khăn ở cả bệnh viện tự chủ toàn diện như Bạch Mai và Bệnh viện K lẫn các bệnh viện khác.

Thứ tư, đất đai, tài sản thuộc sở hữu nhà nước nhưng nếu thực hiện theo cơ chế tự chủ, bệnh viện phải đóng thuế sử dụng đất. Bệnh viện khó khăn về mặt tài chính lại phải trả tiền thuế đất, khó khăn càng chồng chất khó khăn.

Thứ năm, đó là khó khăn về giá dịch vụ y tế. Muốn tự chủ tài chính giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT. Nhưng hiện nay nhà nước chỉ cho phép áp dụng 4/7 yếu tố cấu thành giá. Bên cạnh đó, bệnh viện tự chủ được khám chữa bệnh theo yêu cầu nhưng giá bệnh viện quyết định theo khung giá do Bộ Y tế ban hành nhưng hiện chưa ban hành.

Thứ sáu, về tiền lương. Bệnh viện có quỹ tiền lương để chi trả theo doanh thu nhưng không có cơ chế nếu bệnh viện không đạt doanh thu đó, khi có thiên tai, dịch bệnh không có tiền, ai sẽ chi trả lương cho cán bộ công nhân viên.

Liệu có quá  vội vàng trong thực hiện Nghị quyết 33?

GS-AHLĐ Nguyễn Anh Trí - đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương - cho rằng, dù Nghị quyết 33 ra đời nhưng các văn bản pháp quy để hướng dẫn thực hiện đang bị thiếu rất nhiều, từ cơ chế đến nguyên tắc, xác định đối tượng phục vụ…

"Việc đảm bảo sự thông tháo, hiệu quả và thuận lợi trong công tác tự chủ tại BV đang bị vướng mắc. Ngay cả trong tự chủ một phần và toàn phần cũng đang bị biến tướng, các quy định từ khi ra đời đã không còn phù hợp. Hơn thế, giao tự chủ nhưng lại không cho bệnh viện tự chủ bởi các văn bản pháp quy còn liên quan đến nhiều văn bản pháp luật khác và chưa được giải quyết rõ ràng" - ông nói.

Vậy thì việc bệnh viện không thực hiện tự chủ như hiện nay sẽ tác động ra sao đến quyền lợi của người bệnh? Nhiều người lo ngại, nếu bệnh viện tuyến trung ương cứ "mấp mé" giữa bờ tự chủ như hiện nay, ảnh hưởng đến nhân sự bệnh viện và người dân là điều thấy rõ.

GS Nguyễn Anh Trí cho rằng, không hợp lý ngay từ việc chọn bệnh viện thí điểm bởi các bệnh viện được lựa chọn đều là các bệnh viện hạng cao, nếu thành công làm sao áp dụng cho hàng loạt các hệ thống bệnh viện thấp hơn. "Các bệnh viện công đều là đầu tư của nhà nước nhằm phục vụ người dân. Nếu chuyển qua tự chủ toàn diện sẽ được sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất để hoạt động, thu lại nguồn lợi nhiều nhất. Vậy vai trò của bệnh viện trong phục vụ người dân, nhất là người nghèo nằm ở đâu?" - ông đặt câu hỏi.

"Bệnh viện công do nhà nước đầu tư, từ con người, đất đai, nhà cửa… nhưng lại tổ chức làm để thu lợi. Theo tôi, dần dần các vấn đề về y đức sẽ bị mai một. Chủ trương tự chủ là đúng đắn nhưng rất nhiều điểm còn chưa ổn, chưa rõ thậm chí còn sai về mục đích. Chúng ta cần được xem lại giải quyết, sau mới thực hiện tự chủ"- ông nói.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/thi-diem-tu-chu-toan-dien-benh-vien-cong-that-bai-vi-qua-nong-voi-1089767.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/xa-hoi/thi-diem-tu-chu-toan-dien-benh-vien-cong-that-bai-vi-qua-nong-voi-1089767.ldo
Bài liên quan
  • 2 bệnh viện trung ương thí điểm tự chủ toàn diện thất bại do tự chủ 'nửa vời'
    Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15.9.2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện thì có 4 bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện chính sách này. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Thế nhưng, thiếu cơ chế, thiếu hành lang pháp lý là một trong những nguyên nhân khiến cho việc triển khai thí điểm... thất bại.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm tự chủ toàn diện bệnh viện công: Thất bại vì quá nóng vội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO