Thi 4+2 phù hợp với bối cảnh
Theo dự thảo phương án thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, dự kiến từ năm 2025, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ phải thi 6 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn (gọi là phương thức 4+2- PV).
Chia sẻ với PV Dân trí, một số giáo viên, nhà quản lý cho rằng, trong bối cảnh môn lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới như hiện nay, dự kiến bỏ các tổ hợp môn khi thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là cách thức 4+2 xem như phù hợp với cơ cấu giáo dục.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy hóa tại Hà Nội cho rằng, theo sắp xếp cũ, thí sinh thi 3 môn bắt buộc là toán, văn, Anh và chọn một trong hai tổ hợp KHTN hoặc KHXH.
Nếu chọn KHTN thì bắt buộc phải chọn thêm một môn KHXH và ngược lại, nếu chọn KHXH thì phải chọn thêm một môn KHTN.
Khi môn lịch sử được đưa vào làm môn học và môn thi chính thức, cấu trúc đó bị phá vỡ và phải thi theo phương thức 4+2 là phù hợp.
"Việc thi 4 môn bắt buộc và hai môn tự chọn, tôi thấy không có vấn đề gì và hợp lý trong cơ cấu giáo dục hiện nay", thầy Ngọc nói.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 20/3, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng cho rằng, thi theo phương thức 4+2 như dự thảo khá phù hợp. Đồng thời, phương án này được thông báo ở thời điểm này để học sinh và các nhà trường có thời gian chuẩn bị.
Về ngân hàng đề thi, theo dự thảo đưa ra sẽ phổ quát hơn và theo hướng đánh giá năng lực, tôi cho rằng, đây là hướng cải tiến phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhận xét về dự thảo này, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội nói rằng, về cơ bản phương án thi được đưa ra trong dự thảo không có thay đổi lớn, chỉ khác ở chỗ thay đổi môn thi và cách thức ra đề thi cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
"Tôi ủng hộ việc Bộ GD&ĐT làm 3 việc: Ban hành quy chế thi, ra đề thi và đáp án, giám sát kỳ thi. Địa phương làm tất cả những việc còn lại: In sao đề thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo, xét tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Làm sao để công bằng, minh bạch?
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, giai đoạn 2025 - 2030 sẽ thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính).
Giai đoạn sau năm 2030 phấn đấu để chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, việc thí điểm thi trên máy tính đã được Bộ GD&ĐT ấp ủ từ nhiều năm nay nhưng thường xuyên trễ hẹn và mới đây nhất, Bộ mới đưa ra mốc thời gian dự tính sẽ triển khai thí điểm từ năm 2025 với những địa phương đủ điều kiện.
Điều mà chuyên gia này băn khoăn, việc này sẽ được triển khai như thế nào? Bộ GD&ĐT cần có lộ trình rõ ràng hơn.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra cùng một lần trên cả nước nhưng có địa phương thi trên máy tính và một số địa phương thi trên giấy thì tính công bằng sẽ như thế nào, bởi lẽ tâm thế và kỹ năng của học sinh khi thi trên máy tính và trên giấy là khác nhau.
Chẳng hạn thí sinh thi trên giấy, các em có thể nguệch ngoạc, có thể gạch chân, đánh dấu, làm nháp…, như vậy có phần thuận lợi hơn việc thi trên máy tính.
Với những em thi trên máy tính cũng có thể sẽ đưa ra những thắc mắc, liệu mình có công bằng so với các bạn thí sinh làm bài thi trên giấy không"?, thầy Vũ Khắc Ngọc băn khoăn.
Cũng theo thầy Ngọc, thông thường sau khi làm bài thi trên máy tính, thí sinh sẽ có kết quả ngay, vậy nếu thi cùng một thời điểm nhưng người có kết quả trước, người có kết quả sau sẽ ra sao?
Hay nói cách khác, kết quả của thí sinh thi trên giấy và thi trên máy tính sẽ công bố cùng lúc hay thí sinh thi trên máy tính sẽ được biết kết quả trước?
"Nhìn chung việc thi trên máy tính dần dẫn sẽ không quá khó khăn ở một số địa phương bởi lẽ hiện nay các kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy đã thực hiện hoàn toàn trên máy tính.
Tuy nhiên, việc thi tốt nghiệp THPT trên máy tính có thể thực hiện liên kết linh hoạt giữa các địa phương, hỗ trợ nhau về hạ tầng sẽ đồng bộ hơn, thay vì cọc cạch nơi này thi giấy, nơi kia thi máy tính", thầy Ngọc đưa ra phương án.
Cũng dưới góc nhìn này, thầy Bình cho rằng, theo xu thế, việc số hóa hay thi trên máy tính là điều không thể tránh khỏi, đồng thời lộ trình như dự thảo đưa ra là phù hợp.
"Hiện nay kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy đã thực hiện, chúng ta có thể rút ra điểm hay/dở của kỳ thi này để áp dụng rộng rãi hơn.
Điều quan trọng của việc số hóa trong kỳ thi là con người sẽ dễ dàng can thiệp bên ngoài vào nên ngay từ bây giờ, Bộ GD&ĐT cần chuẩn bị bài bản, khoa học, chính xác để đảm bảo tính minh bạch của kỳ thi đó.