Thí điểm Mobile Money: Các doanh nghiệp đã sẵn sàng 'nhập cuộc'

Minh Sơn (Vietnam+)| 05/07/2021 17:05

Với việc Thủ tướng Chính phủ chính thức cho phép triển khai thí điểm Mobile Money, các nhà mạng sẽ có cơ hội bước vào thị trường thanh toán số đầy tiềm năng này.

Thi diem Mobile Money: Cac doanh nghiep da san sang 'nhap cuoc' hinh anh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý việc triển khai thí điểm Mobile Money trên phạm vi toàn quốc. Các dịch vụ chính của Mobile Money gồm thanh toán (giao dịch bán lẻ, thanh toán hóa đơn), chuyển tiền, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản, nộp và rút tiền tại đại lý (của các nhà mạng).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho ba đơn vị đủ điều kiện gồm Viettel, VNPT và MobiFone.

Thực tế, những năm gần đây, thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Hiện nay tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính còn rất cao (hơn 50%), hầu hết lại tập trung ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Do đó, Mobile Money với hơn 130 triệu thuê bao di động cộng thêm độ phủ sóng mạng di động lên tới 99,8% số dân khi triển khai hoàn toàn có thể vươn đến các địa bàn trên.

Việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tại Việt Nam sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người dân, phù hợp với chủ trương của Chính phủ Việt Nam về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng là xu hướng đang rất phổ biến hiện nay trên thế giới.

Sẵn sàng cho "cuộc chơi" lớn

Theo thống kê của Cục Viễn thông, tính đến hết năm 2020, Việt Nam có 132,5 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Như vậy, số lượng tài khoản sử dụng dịch vụ Mobile Money có thể lên đến hàng chục triệu khi được triển khai. Đây thực sự là một "mảnh đất màu mỡ" mới cho các doanh nghiệp viễn thông trong tương lai gần.

Thiếu tá Trương Quang Việt - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp Viettel cho biết nhà mạng đã triển khai thử nghiệm thành công Mobile Money cho 40 ngàn nhân viên nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel trong thời gian tới.

Thi diem Mobile Money: Cac doanh nghiep da san sang 'nhap cuoc' hinh anh 2Các nhà mạng đã sẵn sàng gia nhập 'cuộc chơi mới' mang tên Mobile Money. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

"Chúng tôi có bộ tri thức sẵn sàng đào tạo cho những điểm giao dịch về Mobile Money. Như vậy, ngay khi đề án được phê duyệt, tất cả các điểm giao dịch hay chấp nhận thanh toán của Viettel đều có hiểu biết nhất định về dịch vụ để hỗ trợ người dùng. Bên cạnh đó, Viettel cũng chuẩn bị hệ thống chăm sóc khách hàng 24/7 để tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc của người dùng," Thiếu tá Việt cho hay.

Đại diện VNPT thì cho biết doanh nghiệp ngày cũng đã có hơn 10 ngàn điểm giao dịch thuộc sở hữu của VNPT và doanh nghiệp đối tác, gần 200 nghìn điểm kinh doanh dịch vụ cá nhân, hộ gia đình,… được phủ rộng khắp toàn quốc, sẵn sàng cho Mobile Money.

Ông Bùi Sơn Nam - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone chia sẻ nhà mạng đã thành lập Trung tâm dịch vụ số MobiFone và chuẩn bị toàn bộ hạ tầng kỹ thuật bảo đảm triển khai Mobile Money.

Việc MobiFone sở hữu sẵn hàng chục nghìn điểm giao dịch trên khắp cả nước sẽ giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển hệ thống các điểm giao dịch mới, mở rộng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện tại MobiFone cũng đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán, cùng với kinh nghiệm triển khai các dịch vụ số nên có thể dễ dàng cung cấp các dịch vụ trung gian thanh toán trên hạ tầng điện tử, đây chính là tiền đề mở rộng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt nhất.

Ông Trần Duy Hải - Phó cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng nhờ tận dụng hạ tầng mạng lưới viễn thông và điểm giao dịch trên toàn quốc, doanh nghiệp viễn thông có nhiều lợi thế khi triển khai Mobile Money.

Thách thức nào khi triển khai?

Tuy nhiên, ông Hải cũng nhận định quá trình triển khai cũng sẽ gặp khó khăn nhất định như thói quen của người dùng hay doanh nghiệp viễn thông trước đây chỉ dừng ở triển khai ví điện tử, giờ đây mạng lưới sẽ mở rộng hơn và triển khai đến vùng sâu vùng xa, đi kèm với đó là vấn đề bảo, chống rửa tiền…

Triển khai thí điểm Mobile Money, các đơn vị viễn thông sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong đó, bảo mật, quản trị rủi ro và định danh khách hàng được xác định là những vấn đề cần đặc biệt chú trọng để xử lý, hoàn thiện.

Ông Trần Duy Hải cho biết trong quyết định cho phép thí điểm dịch vụ của Thủ tướng chỉ rõ doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải có hệ thống đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, phải có hệ thống lưu trữ lịch sử giao dịch Mobile Money phát sinh; phải có bản sao lưu các thông tin lưu trữ nhằm phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đối với các tài liệu kế toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải lưu trữ theo quy định của Luật Kế toán…

Thi diem Mobile Money: Cac doanh nghiep da san sang 'nhap cuoc' hinh anh 3Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với vấn đề dịch vụ Mobile Money chỉ chuyển khoản trong một nhà cung cấp, Phó cục trưởng Trần Duy Hải lý giải, tài khoản Mobile Money chỉ có thể thanh toán với các tài khoản nội bộ trong nhà mạng viễn thông đăng ký, chưa có sự liên kết chéo giữa các nhà mạng giúp giới hạn rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thử nghiệm. Sau một thời gian thực hiện các giải pháp kỹ thuật cùng với đánh giá kết quả quá trình triển khai thí điểm đạt hiệu quả, hoạt động liên mạng có thể được đề xuất.

Cục Viễn thông cũng đã làm việc với các doanh nghiệp cung cấp và đề xuất những đơn vị này cần truyền thông sâu rộng tới khách hàng, đặc biệt những người dùng tại vùng sâu vùng xa. Đây là nhóm đối tượng ít sử dụng hoặc chưa bao giờ thanh toán không dùng tiền mặt nên cần hướng dẫn kỹ càng.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Thiếu tá Trương Quang Việt cho biết Viettel đã có kinh nghiệm triển khai ví điện tử tại 6 thị trường trên thế giới. Cùng với đó, Viettel sẽ triển khai Mobile Money trên nền hệ sinh thái số ViettelPay. Viettel Pay đã bảo đảm quy định liên quan đến bảo mật đáp ứng tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, Viettel có công ty an ninh mạng bảo vệ người dùng khỏi những cuộc tấn công vào hệ thống hay ăn cắp tài khoản.

Đối với biện pháp phòng chống rửa tiền, Viettel áp dụng công nghệ về dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để bảo đảm phát hiện tất cả những giao dịch bất thường. Hơn nữa, hạn mức giao dịch 10 triệu đồng/tháng vừa giúp người dùng có thể trải nghiệm Mobile Money vừa giảm thiểu rủi ro.

Đai diện MobiFone cho biết nhà mạng này đã chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật tránh gây lộ lọt thông tin của khách hàng.

Cụ thể như giải pháp hệ thống phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của hệ thống công nghệ thông tin ngành ngân hàng, đảm bảo hoạt động liên tục, các giao dịch phải được mã hóa và xác thực, các dữ liệu nhạy cảm của khách hàng được mã hóa, lưu trữ toàn bộ lịch sử giao dịch, số dư tài khoản của khách hàng, ban hành các chính sách an toàn thông tin theo cấp độ.

Việc định danh, xác thực (KYC) khách hàng bên cạnh việc được thực hiện tại các điểm kinh doanh, MobiFone còn sử dụng các công nghệ hiện đại như AI, sinh trắc học để tự động định danh và xác thực khách hàng, so sánh các thông tin định danh khách hàng cung cấp với cơ sở dữ liệu thuê bao MobiFone, đảm bảo KYC chính xác khách hàng.

Về phía VNPT, đơn vị này cũng sẽ triển khai hàng loạt các công nghệ bảo mật như công nghệ định danh điện tử eKYC với độ chính xác cao; các giải pháp dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn, các giải pháp thanh toán không tiếp xúc: NFC, sóng âm, QR Code, sinh trắc học... để giúp người dùng an tâm về độ bảo mật./.

Minh Sơn (Vietnam+)
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm Mobile Money: Các doanh nghiệp đã sẵn sàng 'nhập cuộc'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO