Sáng nay (23/4), Sông Hồng RC club (Câu lạc bộ máy bay cánh bằng sông Hồng) tổ chức cuộc thi bay Funfly 2022 tại sân bay Hòa Lạc nhân kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 1/5. Cuộc thi bay quy tụ các câu lạc bộ bay từ 11 tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, Hà Nội đóng góp 5 câu lạc bộ máy bay cánh bằng.
Phát biểu khai mạc cuộc thi, Thượng tá Đỗ Văn Ơn Chủ nhiệm CLB Hàng không phía Bắc, Bộ tham mưu Quân chủng Phòng không không quân - khẳng định, kế hoạch bay đã được thủ trưởng Bộ tham mưu Quân chủng PKKQ phê chuẩn nhằm kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 136 năm ngày Quốc tế Lao động.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển câu lạc bộ máy bay cánh bằng, Thượng tá Đỗ Văn Ơn cho rằng, cùng xu thế phát triển của thế giới trong thời đại số 4.0, việc sử dụng máy bay không người lái được ứng dụng ở các lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, giao hàng, đo đạc, PCCC và cứu hộ cứu nạn, y tế. Ở Việt Nam, các thiết bị bay không người lái bắt đầu được sử dụng nhiều trong lĩnh vực quốc phòng, kinh tế, xã hội.
"Do đó, nội dung bay đã được Bộ Quốc phòng và Nhà nước quản lý chặt chẽ", Chủ nhiệm CLB Hàng không phía bắc khẳng định.
Cũng theo Thượng tá Ơn, trong những năm qua, mặc dù chịu sự ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 nhưng hoạt động của câu lạc bộ hàng không vẫn luôn nhận được sự thu hút, quan tâm của các hội viện trên cả nước. Góp phần tạo sân chơi bổ ích, đúng quy định của pháp luật và quy định của quân đội, buổi tổ chức bay mô hình hàng không là điều kiện thuận lợi để các hội viên câu lạc bộ hàng không trên cả nước kết nối.
Đặc biệt, Thượng tá Ơn khẳng định: "Cuộc thi thể hiện được chức năng giáo dục quốc phòng, khoa học kỹ thuật. Từ đó phát hiện và bồi dưỡng các hội viên có trình độ tốt trong ứng dụng điều khiển máy bay mô hình hàng không, thiết bị bay không người lái sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi Đảng và Nhà nước yêu cầu".
Để đảm bảo công tác an ninh, ban tổ chức yêu cầu câu lạc bộ hàng không và các hội viên tổ chức bay chặt chẽ, đúng quy định của quân đội và đơn vị 916. Các đơn vị quản lý chặt chẽ số lượng, quân số tham gia và làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đang sống và làm việc tại Đồng Nai, anh Nguyễn Bảo Tháp (SN 1991) đã bay ra Hà Nội để tham dự cuộc thi. Do máy bay có kích thước lớn, anh Tháp phải đóng vào thùng gỗ gửi xe khách ra Hà Nội mất gần 3 ngày và bay ra Hà Nội trước 2 ngày để lắp ráp máy bay, chuẩn bị cho hội thi.
"Điều khiển máy bay không khó, nhưng phong trào bay chưa mạnh nên các phi công chưa có nhiều điều kiện được cọ xát. Việc bay tại sân bay đông người như hôm nay cũng nhiều lạ lẫm, tôi hơi run và có bài bay chưa quá tốt", anh Tháp chia sẻ.
Đầu tư cho đam mê, anh Tháp bỏ ra hơn 190 triệu đồng cho chiếc máy bay tham dự hội thi, chưa bao gồm tay điều khiển.
Tham gia câu lạc bộ máy bay cánh bằng Hà Đông gần 5 năm, anh Trần Hoàng Hiệp (33 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) còn nuôi dưỡng đam mê cho các thành viên nhí trong gia đình. Theo anh Hiệp, thành viên nhỏ tuổi nhất của gia đình tham gia câu lạc bộ chỉ 6 tuổi.
"Cháu nhà tôi thấy các chú, các bác tham gia nên rất thích thú. Thời gian đầu tập chơi, cháu chỉ mới 4 tuổi và lái mô phỏng trên máy tính. Sau 2 năm, cháu đã có thể bay ổn", anh Hiệp cho hay.
Một số hình ảnh tại cuộc thi do PV Dân trí ghi nhận: