Theo tài liệu của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), rùa Hoàn Kiếm là loài thú đặc biệt quý hiếm, đang trong tình trạng nguy cấp, tồn tại với số lượng ít. Trong khi đó, thực trạng giới con buôn, những người giàu có muốn gia tăng bộ sưu tập của mình, muốn thu thập các mẫu vật của loài rùa này khiến chúng rơi vào tình thế đặc biệt nguy hiểm.
Mồm loa, mép giải
Về tên gọi, giới khoa học thế giới thường gọi loài này là giải Thượng Hải hay giải Sin-hoe, đặt theo tên Robert Swinhoe - nhà ngoại giao Anh có công ghi nhận các thông tin và mẫu vật về loài rùa mai mềm khổng lồ này trong thế kỷ XIX.
Cái tên Rafetus Swinhoei được sử dụng đồng nhất trong giới khoa học. Đây là loài rùa mai mềm có kích thước rất lớn. Cá thể đực có thể đạt trọng lượng trung bình trên 150 kg, cá thể cái có thể nhỏ hơn một chút.
Xem thêm: Theo dấu 'thuồng luồng': Ở hồ Đồng Mô, có bao nhiêu cá thể rùa Hoàn Kiếm?
Ở Việt Nam, mỗi vùng lại gọi rùa mai mềm cỡ lớn bằng những cái tên khác nhau. Ví dụ Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây cũ gọi là con giải. Tôi nhớ vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ quê mình hay chê nhau “mồm loa mép giải”, ý nói miệng ngoác như cái loa, mép ngoạc ra như mép con giải, nghĩa bóng là lắm lời, điêu toa. Nhưng câu nói ấy cũng cho thấy con giải từng phổ biến trong đời sống vùng trung du Vĩnh Phú như thế nào.
Vào trong Thanh Hóa, Nghệ An, người ta lại gọi rùa mai mềm khổng lồ là con giải hòm, trạnh; hay ở Lào Cai, Yên Bái, người dân lại gọi là con đâm đấm.
Còn đối với người Thái ở thượng nguồn sông Đà, sông Chảy, giải Sin-hoe được gọi là tô tốp. Ở vùng Bằng Tạ, đầm Long (Ba Vì, Hà Nội), nơi có đội thợ săn của ông Lê Huy Hoành, giải Sin-hoe lại được gọi là trành trạnh.
Xem thêm: Theo dấu 'thuồng luồng': Đi tìm loài giải quý hiếm
Ở miền Bắc Việt Nam, có hai khu vực mà giải Sin-hoe xuất hiện nhiều theo các mô tả là Hạ Hòa (Phú Thọ) và Ba Vì (Sơn Tây).
Ở Hạ Hòa có các đầm Ao Châu, Vân Hội, Móng Hội. Các đầm này đều có mối dây liên kết với con sông Hồng. Người ta đã thu thập được mẫu vật giải khổng lồ liên quan đến các đầm này. Khu vực ghi nhận gần đây nhất là hồ Minh Quân (xã Minh Quân, Trấn Yên, Yên Bái) tương đối gần với đầm Vân Hội và nằm ngay sát sông Hồng. ATP thu được mẫu xương ở đây, và các xét nghiệm sau đó cho thấy đó là xương của một con giải lớn, cùng loài với rùa Hoàn Kiếm.
Xem thêm: Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu
Khu vực trọng điểm thứ hai là Ba Vì - Sơn Tây gồm các hồ Đồng Mô, Suối Hai, Xuân Khanh, và đặc biệt là đầm Long. Đội thợ săn thôn Bằng Tạ (Cẩm Lĩnh, Ba Vì) được cho là đã bắt hơn 30 cá thể rùa mai mềm khổng lồ ở đầm Long. Các mẫu vật như xương, sọ liên quan đến rùa mai mềm khổng lồ cũng đã được thu thập ở đây.
Video: Cận cảnh bộ nhợ và lưỡi câu của ông Lê Huy Hoành ở thôn Bằng Tạ (Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội)
Khu vực trọng điểm tiếp theo là vùng sông Chu sông Mã, cụ thể là Thọ Xuân (Thanh Hóa)…
Chương trình Bảo tồn rùa châu Á bắt đầu nghiên cứu loài Rafetus Swinhoei từ năm 2003. ATP cử cán bộ đi khắp các khu vực sông hồ của miền Bắc, tập trung vào các vùng hạ nguồn như Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây cũ. Năm 2003 - 2004, cán bộ ATP đã phỏng vấn ngư dân trên hồ Đồng Mô. Ngư dân nói có nhìn thấy rùa mai mềm có kích thước lớn, có nhiều đặc điểm giống với loài rùa Hoàn Kiếm. ATP cử người về Đồng Mô, nhưng công nghệ chụp ảnh, thiết bị thời đó còn hạn chế. Mãi đến tháng 6/2007 mới chụp được bức ảnh đầu tiên để khẳng định rằng ở Việt Nam còn cá thể rùa Hoàn Kiếm trên hồ Đồng Mô.
Tháng 11/2008, con đập ở hồ Đồng Mô vỡ do đợt mưa lớn gây lũ lịch sử ở Hà Nội. Một cá thể rùa mai mềm thoát ra. “Thời điểm đó ATP đã có người ăn lương tháng túc trực ở hồ rồi”, anh Nguyễn Tài Thắng, quản lý dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm thuộc ATP nói.
Anh Thắng kể: Chúng tôi nhận được tin báo từ người dân là có một cá thể rùa đã thoát từ hồ Đồng Mô ra ngoài cánh đồng. Rùa lọt vào khu vực lưới đánh cá ở thôn Cời. Cán bộ bảo tồn, công an, kiểm lâm kết hợp vận động người dân. Rùa được thả lại hồ Đồng Mô ngay trong ngày. Đây là cơ hội hiếm có để cán bộ ATP tranh thủ thu thập mẫu gien. Các phân tích cho thấy cá thể rùa xổng ra ở hồ Đồng Mô có đặc điểm gien trùng khớp với rùa Hoàn Kiếm.
Xem thêm: Theo dấu ‘thuồng luồng’: Ký ức của thợ săn giải khổng lồ
Không chỉ ở hồ Đồng Mô, cán bộ ATP đã đi hết 28 tỉnh thành từ Hà Tĩnh đổ ra, tất cả lưu vực sông, hồ lớn, tìm kiếm dấu tích của giải Sin-hoe. Cán bộ phải đi bằng xe máy dọc các con sông để dễ tiếp cận. Đã nghe dân nhiều nơi nói vẫn còn nhìn thấy rùa lớn. Tuy nhiên, xét về mặt khoa học thì chưa khẳng định được gì vì chưa có ảnh, chưa có mẫu vật để xác định gien và công việc tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục. Hàng tháng vẫn có cán bộ đi từng địa điểm, chụp ảnh, quay phim.
“Bây giờ máy ảnh tốt hơn, chụp được rất xa. Ngoài ra, chúng tôi còn dùng máy tầm ngư soi dưới nước tìm rùa lớn”, anh Nguyễn Tài Thắng nói.
6 năm “mai phục”
Một trong những công nghệ hiện đại nhất đang được ứng dụng là công nghệ phân tích gien môi trường. Tức là phân tích nước để xác định trong nước ở khu vực nào đó có vật chất di truyền, nói cách khác là có gien của rùa Hoàn Kiếm hay không.
Chính công nghệ gien môi trường đã giúp nhóm chuyên gia của ATP xác định được cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh (Sơn Tây) năm 2018.
Thực tế là từ ngày 12/8/2012, ATP đã xác định ở hồ Xuân Khanh có cá thể rùa mai mềm kích thước lớn có đặc điểm hình thái giống với rùa Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, đội của anh Nguyễn Tài Thắng đã phải theo dõi, “mai phục” 6 năm mới gặp. Trong thời gian đó đội vẫn chưa chụp được hoặc nói chính xác hơn là chỉ thu được những bức ảnh mờ, không đủ các yếu tố để có thể khẳng định cá thể rùa ở Xuân Khanh là rùa Hoàn Kiếm.
Khi bắt đầu áp dụng công nghệ gien môi trường thì đến tháng 12/2017, đội khảo sát xác định được trong nước của hồ Xuân Khanh có gien của loài rùa Hoàn Kiếm. Sau hơn 20.000 giờ quan sát trực tiếp, chụp được hình ảnh một cá thể rùa mai mềm có trọng lượng khoảng 70 kg, cộng với phân tích gien trong nước hồ, đội khảo sát khẳng định có một cá thể rùa Hoàn Kiếm.
Tháng 6/2018, cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh được công bố. Bắt đầu từ năm 2018, tại Hà Nội, ATP phối hợp với UBND TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản Hà Nội, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) ký cam kết hợp tác bảo tồn rùa Hoàn Kiếm ở khu vực Hà Nội trong đó có hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh. Mục tiêu cao nhất là xây dựng hồ Đồng Mô thành khu vực bảo tồn rùa Hoàn Kiếm.
Trên thế giới, từ năm 2005 - 2008 người ta đã tìm kiếm các cá thể Rafetus Swinhoei trong các vườn thú và các bảo tàng với hi vọng tìm thêm các cá thể mới. Ở Trung Quốc, có 5 cá thể được tìm thấy. Rất tiếc, những nỗ lực ghép đôi sinh sản không thành công, 3 trong số chúng đã chết vào năm 2008, chỉ còn lại một cặp đực cái tại vườn thú Tô Châu.
Nội dung: NGUYỄN XUÂN THỦY
Thiết kế mỹ thuật: HUY MẠNH