Theo dấu chân xe hủ tiếu Sài Gòn

Lê Thị Thu Thanh| 19/12/2023 17:05

Trong mắt nhiều người, TP.HCM hiện lên thật sống động, vô cùng ồn ào, tấp nập, đông đúc. Còn TP.HCM trong tôi là những chiếc xe máy cũ kỹ mưu sinh, những phận đời, hay những quán café sữa đá, quán hủ tiếu ở góc đường… và tình người ấm áp bao dung, nghĩa tình.

Món ăn “đặc sản” của Sài thành

Rong ruổi các con phố, ngõ hẻm của TP.HCM, không khó bắt gặp những quán hủ tiếu, xe hủ tiếu ở góc đường. Hủ tiếu gắn liền với nhiều địa danh như Mỹ Tho, Sa Đéc, Nam Vang... nhưng theo tôi ngon nhất vẫn là thưởng thức món này tại mảnh đất Sài Gòn nơi tinh hoa hội tụ.

Chẳng biết hủ tiếu có từ bao giờ nhưng nghe người dân kể lại từ khoảng thế kỷ XVIII xe hủ tiếu xuất hiện với những người chủ gốc Hoa và nhận được sự đón nhận của người dân Sài Gòn lúc bấy giờ. Dần dần, hủ tiếu trở thành một món ăn quen thuộc của người dân tại mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và TP.HCM ngày nay.

Theo dấu chân xe hủ tiếu Sài Gòn - 1

Xe hủ tiếu bán ở vỉa hè

Trong số rất nhiều món ăn gắn liền với ẩm thực Sài Gòn thì có lẽ hủ tiếu là món ăn bình dân nhưng chứa đựng bao điều thú vị khiến bất cứ ai đã từng thưởng thức đều vương vấn mãi không thôi.

Theo chân một xe hủ tiếu ở một con hẻm quận Tân Bình, chị chủ xe hủ tiếu cho biết thành phần của một tô hủ tiếu Sài Gòn rất đa dạng, mỗi thứ một chút: đó là một ít hủ tiếu sợi, vài miếng thịt heo luộc thái mỏng, vài miếng huyết… Tùy vào sở thích cá nhân mỗi người có thể chọn giò heo, tim, gan cật, thịt bằm trứng cút đến hải sản, bò khô... Ai có “điều kiện” thì ăn thêm giò heo, chả bò. Chị chủ rất hiền và dễ thương, ai xin gì cũng thoải mái cho thêm.

Quan trọng nhất không thể thiếu đó là nước lèo được ninh từ xương heo và rau củ quả thật kỹ để tạo nên vị ngọt thanh mà thơm phức. Ngoài ra, một số nguyên liệu khác kết hợp vào để tạo thành hương vị đặc biệt cho nước dùng như: rau xà lách, giá đỗ, hành hẹ trụng sơ, thêm chút tóp mỡ bùi bùi,... Với cách chế biến công phu, hủ tiếu với nước dùng có vị ngọt thanh, vừa có sự đậm đà của gia vị nêm vào. Mỗi loại hủ tiếu đều có có một hương vị riêng, dù có kén người dùng đến mấy thì Sài Gòn vẫn là nơi đáng để thử hủ tiếu một lần.

Theo dấu chân xe hủ tiếu Sài Gòn - 2

Hủ tiếu nước

Hủ tiếu có thể ăn nước hoặc ăn khô. Ngon nhất là ăn hủ tiếu nước. Bưng tô hủ tiếu nóng hổi, tỏa mùi thơm sực nức như gói trọn hương vị Sài thành. Tô hủ tiếu với nước lèo trong veo, những sợi bánh trắng phau, trên cùng nổi lên vài lát thịt nạc, chả lụa, tôm hồng và có cả trứng cút, chút tóp mỡ ngầy ngậy. Nêm chút nước mắm, vắt miếng nước cốt chanh, thêm một muỗng ớt sa tế, vài lát ớt, một ít tương ớt, mùi thơm cay nồng xộc vào mũi, đánh thức vị giác của người dùng, sẵn sàng làm xiêu lòng bất cứ ai theo một cách bình dân nhất. Vị hủ tiếu ngon ngọt, thơm nức mê mẩn ngay từ lần ăn đầu tiên. Nó thấm thía, ăn như thể "ngậm mà nghe". Hương vị hấp dẫn khiến tôi không thể nào quên.

Ăn sáng, trưa, tối, ăn xế chiều, đêm khuya…người dân Sài Gòn có thể ăn hủ tiếu bất cứ lúc nào, bất cứ giờ nào. Chỉ với 15 đến 20 nghìn đồng, đã có một tô hủ tiếu ngon miệng. Rẻ vậy nên hủ tiếu được mệnh danh là “món ăn bình dân” rất “được lòng” sinh viên và những người lao động nghèo ở TP sôi động này.

Sau này, đối tượng ăn hủ tiếu cũng nhiều hơn. Không chỉ là những người nghèo nữa mà dần dần biết bao người đều ghé đến thử, ăn rồi thấy ngon, rồi bị ghiền lúc nào chẳng hay. Đặc biệt, món ăn này làm nhiều du khách phương xa lưu luyến khi đến với TP.HCM. Từ đó “tiếng lành đồn xa” hủ tiếu Sài Gòn được nhiều người biết đến và thưởng thức.

“Hương vị” đời trong tô hủ tiếu

Thưởng thức một tô hủ tiếu Sài Gòn không chỉ lấp đầy khoảng trống “dạ dày” mà hơn cả nó chứa một câu chuyện văn hóa vô cùng thú vị. Đó là câu chuyện mưu sinh hằng ngày của những người lao động nghèo. Mảnh đất Sài Gòn đất lành chim đậu, tinh hoa hội tụ đã cưu mang và bao dung, nghĩa tình với tất cả những người con khắp mọi miền Tổ quốc đổ về. Họ đến đây ban đầu vì cái ăn cái mặc, vì học hành, vì lập nghiệp… rồi phải lòng Sài Gòn mà ở lại vì yêu mảnh đất này. Trong đó có rất nhiều phận đời từ chiếc xe hủ tiếu.

Theo dấu chân xe hủ tiếu Sài Gòn - 3

Hủ tiếu khô

Một chiếc xe hủ tiếu chở được cả một “quán ăn” với lỉnh kỉnh đồ đạc, đi đến tận cùng mọi con hẻm hun hút của Sài Gòn. Với gia tài là chiếc xe nhỏ, bên dưới là thùng chứa nước lèo, xe kéo chất theo bàn ghế nhỏ, tô, đũa, xô nước,… và dừng lại bán ở các vỉa hè trống để thực khách ngồi ăn. Mỗi xe hủ tiếu được xem là “ngân hàng” của gia đình giúp họ nuôi con cái ăn học, mưu sinh cuộc sống giữa lòng TP huyên náo và vội vã này.

Đi dọc các con hẻm nhỏ ở TP.HCM, từ xa hương vị của hủ tiếu Sài Gòn có một sức hấp dẫn kỳ lạ không thể cưỡng lại. Vừa thưởng thức hủ tiếu, vừa nhìn cô chủ xe gợi cho tôi nhiều cảm xúc. Đôi bàn tay thoăn thoắt gói hủ tiếu cho khách như nói lên cuộc sống vất vả của cô, đã đem đến cho tôi một sự đồng cảm sâu sắc về thân phận của những người lao động nghèo trong cuộc sống mưu sinh về đêm ở TP này.

Những xe hủ tiếu dường như đã trở thành một điều quen thuộc với người Sài Gòn bao đời nay, nhưng đối với du khách như tôi nó đánh thức những tấm lòng hay trăn trở, nghĩ suy, lay động tâm hồn. Nó trở thành một nét văn hóa đặc sắc của Sài Gòn. Tôi yêu thành phố mộc mạc hiền từ, thân thiết, bình yên và vô cùng giản dị từ những những đôi bàn tay ấy giữa cuộc sống xô bồ, hối hả, bon chen.

Theo dấu chân xe hủ tiếu Sài Gòn - 4

Một xe hủ tiếu bình dân trong hẻm

Hủ tiếu còn là câu chuyện về cô công nhân, bác xe ôm, anh shipper, học sinh sinh viên mua vội ăn vội để kịp đi làm, đi học. Đa số khách hàng món hủ tiếu là những người lao động nghèo, công nhân, sinh viên hay những người có thu nhập thấp. Họ chọn hủ tiếu bởi đây là một món ăn đơn giản, giá thành lại rẻ đủ để giúp họ xua tan cơn đói.

Có thời gian dừng lại và thưởng thức tô hủ tiếu trên vỉa hè, bạn mới cảm nhận được trọn vẹn cái thú của món ăn này, một món ăn bình dân, mang đậm văn hóa của người Sài Gòn. Buổi tối nếu có đi đâu về muộn, người Sài Gòn lại ghé vào một chiếc xe hủ tiếu ven đường, vừa ăn vừa ngắm phố phường về đêm và cảm nhận một Sài Gòn có khi ồn ào, sầm uất, nhưng cũng có lúc bình yên đến thế. Giữa cuộc sống xô bồ, hối hả, bon chen, chúng ta vẫn bắt gặp ngay ở những con người bình dị nhất, những góc tâm hồn, những nét văn hóa đặc sắc của người Sài Gòn, của đất Sài thành.

Khi xa TP.HCM, tôi chợt nhận ra thứ hương vị làm tôi nhớ nhung đó không chỉ một món ăn mà còn là không khí về đêm, những câu chuyện rất đời của Sài Gòn. Hủ tiếu là một thức ăn đường phố gắn liền với cuộc sống của rất nhiều người dân Sài Gòn. Mãi về sau này, tôi vẫn nhớ, vẫn yêu Sài Gòn từ hương vị bình dân ấy.

Hủ tiếu tạo nên một nét đẹp văn hóa Sài Gòn. Văn hóa ẩm thực có sức mạnh lạ kỳ. Sợi hủ tiếu dai vừa phải, nước dùng đậm đà, cái hương vị đặc biệt này đã được bảo tồn và trở thành một món ăn đặc trưng nổi bật của đất Sài Gòn - Chợ Lớn - TP.HCM hơn 300 năm.

Theo dấu chân xe hủ tiếu Sài Gòn - 5
Theo dấu chân xe hủ tiếu Sài Gòn - 6
Bài liên quan
  • Theo dấu chân xe hủ tiếu Sài Gòn
    Trong mắt nhiều người, TP.HCM hiện lên thật sống động, vô cùng ồn ào, tấp nập, đông đúc. Còn TP.HCM trong tôi là những chiếc xe máy cũ kỹ mưu sinh, những phận đời, hay những quán café sữa đá, quán hủ tiếu ở góc đường… và tình người ấm áp bao dung, nghĩa tình.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Theo dấu chân xe hủ tiếu Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO