Nhiều thiếu niên bị đưa sang Campuchia
Trong căn nhà nhỏ ở cuối hẻm thị trấn Kon Dỡng (huyện Mang Yang, Gia Lai), gia đình chị Loan (tên nhân vật đã thay đổi - PV) đang ngày đêm cầu mong những điều may mắn đến với người con trai đang ở tuổi 15 bị mất tích hơn 3 tháng nay.
Theo chị Loan, con trai chị tên T., sinh năm 2007, đang là học sinh lớp 9. Từ ngày 31/3, cháu đã tự ý bỏ nhà để đi theo những người môi giới việc làm trên mạng xã hội. Theo lời chỉ dẫn của những đối tượng môi giới, cháu đã bắt xe khách vào TP Hồ Chí Minh rồi đến Long An. Tại đây, cháu được một người tiếp nhận và dẫn đường vượt biên sang Campuchia.
Những ngày đầu, T. cũng chụp ảnh và gọi điện về báo với gia đình là đang làm việc cho công ty do người Trung Quốc quản lý tại Campuchia. Công việc hàng ngày là sử dụng máy tính để cày tiền "ảo" hoặc gọi điện thoại để dẫn dụ khách hàng tham gia vào các sàn giao dịch chứng khoán, thương mại điện tử.
"Làm được hơn 10 ngày, cháu nhắn tin về bảo làm không được nên công ty bắt đền bù hợp đồng là 130 triệu đồng. Đồng thời, cháu liên tục nhắn tin về cho gia đình yêu cầu vay mượn, bán nhà để chuyển tiền qua. Nếu không có tiền, cháu sẽ bị hành hung, đánh đập. Gia đình tôi đã vay mượn khắp nơi mà không đủ. Gia đình cũng sợ có tiền vẫn không cứu được cháu về", chị Loan kể trong nước mắt.
Hàng ngày, gia đình chị luôn nhận được những tin nhắn mập mờ với nội dung yêu cầu gửi 100-130 triệu đồng để cho T. được thả về. Ngoài ra, cháu cũng nhờ gia đình tìm kiếm 10 người biết sử dụng máy tính để đưa qua làm. Hiểu được hình thức lừa đảo, gia đình chị Loan đã trình báo công an và cơ quan chức năng. Qua đó, chị mong muốn cơ quan chức năng sớm cứu cháu ra khỏi nguy hiểm.
Tương tự, tỉnh Gia Lai cũng ghi nhận trường hợp như em P.P.T (sinh năm 1999, huyện Chư Prông, Gia Lai) đã bị lừa sang tỉnh Sihanoukville, Campuchia làm trong công ty lừa đảo do người Trung Quốc điều hành.
Do không hoàn thành chỉ tiêu về số tiền lừa đảo nên T. bị các đối tượng phạt và yêu cầu liên hệ về gia đình để chuyển khoản, nộp số tiền 150 triệu đồng rồi mới thả người về Việt Nam.
Sau đó, gia đình em này đã phải vay mượn, chuyển vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Hơn 10 ngày sau, T. mới được các đối tượng cho về Việt Nam. Hiện T. đang áp lực và sợ hãi, né tránh những người lạ mặt.
Công an đang điều tra, giải cứu
Trao đổi với phóng viên, đại diện phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai cho biết thời gian qua, tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp nghi ngờ lừa đảo việc làm lương cao rồi đưa qua Campuchia làm việc. Tuy nhiên, chỉ mới 2 trường hợp xác nhận đúng như vậy và đã tiến hành các bước điều tra, giải cứu.
Theo điều tra ban đầu, các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội để mời chào công việc lương cao, nhằm lôi kéo người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các địa phương khác đi lao động, làm việc tại Campuchia.
Tại đây, các đối tượng sẽ giao công việc cho nạn nhân lập các tài khoản mạng xã hội để cho các nạn nhân giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên tài chính, nhân viên cơ quan nhà nước... nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng trên ép nạn nhân thực hiện các chỉ tiêu về số tiền lừa đảo được trong tháng, nếu không hoàn thành sẽ cho vào diện vi phạm hợp đồng và bị phạt với mức phạt từ 1.000 USD/tháng. Nếu nạn nhân chống đối sẽ bị đánh đập, không cho ăn uống.
Đa số các nạn nhân bị lôi kéo sang Campuchia làm công việc trên đều không hoàn thành chỉ tiêu, khi nạn nhân muốn trở về Việt Nam, các đối tượng yêu cầu liên hệ với gia đình và đóng tiền bồi thường hợp đồng cộng số tiền bị phạt vì không hoàn thành chỉ tiêu lừa đảo.
"Qua những sự việc trên, chúng tôi mong muốn người dân hết sức cảnh giác, tuyên truyền cho con em mình về những thủ đoạn, hành vi của việc lừa đảo việc làm. Đồng thời, chủ động tìm hiểu và thực hiện đúng quy định về lao động, xuất khẩu lao động và xuất nhập cảnh để tránh những điều đáng tiếc xảy ra", đại diện phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai cho biết.