Thêm 57 ca mắc Covid-19 mới, Bộ trưởng Y tế nêu nguyên nhân khiến dịch kéo dài, lâu kết thúc

Ngọc Hân (T/H)| 25/05/2021 07:00

Việt BáoTheo Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, hai biến chủng của SARS-CoV-2 B.1.1.7 (được phát hiện lần đầu tại Anh) và B.1.617.2 (tìm thấy đầu tiên tại Ấn Độ) là nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lần thứ 4 ở nước ta bùng phát nhanh, nhiều ổ dịch, nhiều chuỗi lây nhiễm.

Bắc Giang có hơn 1.055 ca bệnh

6h sáng 25/5, Bộ Y tế cho biết nước ta có thêm 57 ca Covid-19 (BN5405-5461), ghi nhận tại Bắc Giang (45), Bắc Ninh (2), Hà Nội (4), Lạng Sơn (4) và Hà Nam (2). Cụ thể như sau:

4 ca bệnh ở Lạng Sơn là công nhân khu công nghiệp Quang Châu, đã được cách ly trước đó.

4 ca bệnh ở Hà Nội có 3 người là F1 của bệnh nhân 5243, 1 người là nhân viên y tế tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, đã được cách ly.

Hai ca bệnh ở Bắc Ninh đều là F1, liên quan khu công nghiệp tại Bắc Ninh, đã được cách ly trước đó.

Hai ca bệnh ở Hà Nam cũng có 1 ca trong khu phong tỏa, 1 ca đã được cách ly trước đó và có liên quan ổ dịch tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Các ca bệnh ở Bắc Giang đều là F1, trong khu phong tỏa, liên quan khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang.

Như vậy, tính đến 6h ngày 25/5, Việt Nam có tổng cộng 3.975 ca ghi nhận trong nước và 1.486 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là2.405 ca, ghi nhận tại 30 tỉnh, thành. Bắc Giang đến nay có tổng cộng 1.055 ca là tỉnh có nhiều ca bệnh nhất cả nước trong lần dịch lần thứ 4 này.

Bộ Trưởng Y tế nếu lý do khiến dịch đợt này phức tạp

Tối 24/5, trả lời VTV, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết 2 biến chủng của SARS-CoV-2 đang rất phổ biến tại Việt Nam là B.1.1.7 (được phát hiện lần đầu tại Anh) và B.1.617.2 (tìm thấy đầu tiên tại Ấn Độ).

Ảnh minh họa: BV TP thủ Đức.

Trong khi chủng ở Anh có mức độ lây lan cao hơn 1,7 lần các chủng trước, ông Long đánh giá chủng tại Ấn Độ còn có tốc độ lây nhanh, mạnh với phạm vi rộng hơn.

"Hiện biến chủng virus tại Ấn Độ xuất hiện chủ yếu ở các ca mắc tại Việt Nam trong đợt bùng phát dịch này. Cùng thời điểm, chúng ta phát hiện rất nhiều ổ dịch khác nhau. Tất cả yếu tố này khiến vấn đề lây nhiễm trở nên phức tạp hơn", ông Long nhận định.

Bộ trưởng Y tế cho biết Việt Nam đang có 2 hình thái lây nhiễm chính gồm trong khu công nghiệm và ngoài cộng đồng. Ở Bắc Giang, tình trạng lây nhiễm virus diễn ra chủ yếu ở khu công nghiệp. Số ca mắc Covid-19 tại địa phương tăng rất nhanh trong thời gian ngắn và đã lây ra cộng đồng.

Trong khi đó, tại Bắc Ninh, các ca mắc Covid-19 chủ yếu xuất hiện và lây nhiễm ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, sự lây nhiễm đang có dấu hiệu xâm nhập khu công nghiệp.

Theo ông Long, một số yếu tố về lây nhiễm virus trong khu công nghiệp như số lượng công nhân đông, mật độ làm việc dày, không gian kín, hẹp, hay quản lý việc di chuyển, cư trú của công nhân cũng là thách thức với các địa phương này.

"Đợt dịch thứ 4 này sẽ có những diễn biến phức tạp, đặc biệt tại 2 địa bàn là Bắc Ninh và Bắc Giang. Thời gian có thể sẽ kéo dài hơn đợt dịch trước đây", Bộ trưởng Long nhận định.

Ông cũng cho hay thời gian qua, Bộ Y tế đã chuẩn bị tất cả hướng dẫn, kịch bản để đảm bảo việc bầu cử được diễn ra an toàn. Các kịch bản bầu cử trong bệnh viện, khu cách ly, tổ chức bầu cử cho bệnh nhân Covid-19 hay bầu cử trong trạng thái bình thường mới đều được lên sẵn và đã diễn ra trên thực tiễn.

"Bộ Y tế đã giao trách nhiệm cho sở y tế địa phương, thủ trưởng các đơn vị y tế trên toàn quốc triển khai mọi biện pháp chuyên môn, từ đó kiểm soát tốt tình hình. Qua kiểm tra, chúng tôi cũng đánh giá các địa phương làm rất tốt, từ đó góp phần tạo nên thắng lợi cho kỳ bầu cử vừa qua", ông Long nói.

Về vấn đề vaccine Covid-19, thời gian qua, Bộ Y tế đã tìm mọi cách để tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Việt Nam đang nỗ lực để mua đủ 150 triệu liều vaccine Covid-19 trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2021.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thêm: "Theo nhận định của các nhà khoa học, hiệu quả bảo vệ của vaccine hiện nay chỉ kéo dài từ 6 tháng đến một năm. Do đó, không chỉ năm 2021, trong các năm tiếp theo, chúng ta vẫn phải nỗ lực để đảm bảo đủ vaccine Covid-19 cho người dân. Để làm được việc này, chiến lược thứ 2 là Việt Nam phải tự nghiên cứu, sản xuất cũng như đảm bảo nguồn vaccine trong nước, từ đó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu".

Mặt khác, Việt Nam cũng đang có kế hoạch mua lại bản quyền vaccine, tiếp cận với việc chuyển giao đồng thời liên kết với các đơn vị sản xuất trên thế giới để tự chủ trong thời gian sớm nhất.

"Chúng tôi cho rằng quyết định thành lập quỹ vaccine của Thủ tướng Chính phủ là sáng suốt, qua đó mở đường cho việc đảm bảo tài chính và tính công bằng trong vấn đề tiếp cận vaccine của người dân Việt Nam", Bộ trưởng Y tế nhận định.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thêm 57 ca mắc Covid-19 mới, Bộ trưởng Y tế nêu nguyên nhân khiến dịch kéo dài, lâu kết thúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO