Thẻ vàng IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sụt giảm

Tuấn Quỳnh (TH )| 11/08/2021 13:37

Sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Liên minh châu Âu giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

Ngày 10/8 tại Hà Nội, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”.

Sự kiện được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Uỷ ban Hải sản, Phó Chủ tịch Hiệp hội VASEP cho biết, thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỷ đô la Mỹ (USD)/năm; trong đó thủy sản nuôi trồng đóng góp từ 60 - 65%, thủy sản khai thác chiếm từ 35 - 40% giá trị.

Cảnh sát biển Vùng 3 phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân Vũng Tàu đánh bắt hải sản đúng hải phận - Ảnh: Đ.HÀ
Cảnh sát biển Vùng 3 phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân Vũng Tàu đánh bắt hải sản đúng hải phận - Ảnh: Đ.HÀ

Là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đến việc phát triển bền vững ngành thủy sản. Tuy nhiên, với đặc thù nghề cá nhỏ lẻ, Việt Nam đang phải đối diện với một thách thức lớn liên quan đến cảnh báo thẻ vàng IUU (chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của Ủy ban châu Âu (EC) từ tháng 10/2017. Theo VASEP, thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đã khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) sụt giảm liên tục từ năm 2017 đến nay. Sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD.

Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt do bị tác động kép bởi dịch COVID-19, thẻ vàng IUU và Brexit, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5,7% so với năm 2019, chỉ đạt 959 triệu USD.

Từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

TS. Nguyễn Tiến Thông, đại diện Trường Đại học Kinh Doanh Copenhagen, Đan Mạch, Chuyên gia Tư vấn của VASEP cho biết, báo cáo có trên 60 trang, gồm 5 nội dung cơ bản là đánh giá thực trạng sản xuất, tiêu thụ thủy sản Việt Nam; đề cập các quy định về chống khai thác IUU của các thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản cùng các nước khác và Việt Nam; phân tích dòng chảy thương mại thủy sản trong giai đoạn 2007-2019 để đánh giá tác động kinh tế của thẻ vàng IUU đối với Việt Nam. Trên cơ sở đó đánh giá định lượng về tổn thất kinh tế, tác động ngắn hạn và trung hạn trong trường hợp bị phạt thẻ đỏ IUU.

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản thứ 3 trên thế giới (8,5-9 tỉ USD/năm), trong đó thủy sản nuôi trồng chiếm 60 - 65%.

Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết ngay sau khi bị EC phạt thẻ vàng IUU vào năm 2017, Việt Nam đã có nhiều biện pháp quyết liệt để cải thiện theo khuyến cáo từ châu Âu.

Các cơ quan Chính phủ cao nhất đến các địa phương đã hành động và đã tạo ra những thành quả nhất định được EC ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn có một số địa phương chưa kiên quyết khiến Việt Nam chưa được EC rút thẻ vàng IUU.

"Tôi cho rằng nguy cơ bị EC rút thẻ đỏ IUU trong 1-2 năm tới là khó xảy ra. Sắp tới Chính phủ và bộ sẽ có thêm thay đổi về chính sách và sự quyết liệt từ các địa phương về vấn đề này", ông Tiến nói.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thẻ vàng IUU của EC đã khiến cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sụt giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO