Thế vận hội Olympic: Mượn chuyện thể thao để nói chuyện chính trị

Khánh Vy| 08/08/2021 12:26

Baoquocte.vn. Không đơn thuần là một sự kiện thể thao, Olympic còn là nơi giúp 'hàn gắn' các mối quan hệ quốc tế, cũng như là sân chơi của các cuộc đọ sức chính trị.

“Không một hành động mang màu sắc chính trị, tôn giáo hay sắc tộc nào được phép diễn ra tại Thế vận hội”, chương 5 của Hiến chương Olympic ghi.

Thế vận hội Olympic có phải một sự kiện thuần thể thao? (Nguồn: Getty)
Thế vận hội Olympic có phải một sự kiện thuần thể thao? (Nguồn: Getty)

Cứ 2 năm một lần, những người đam mê thể thao toàn cầu lại có cơ hội được chứng kiến những màn trình diễn mãn nhãn từ những vận động viên đẳng cấp thế giới. Nhưng Thế vận hội đâu chỉ dừng lại ở những chiến thắng hay những tấm huy chương, đó còn là nơi giúp “hàn gắn” các mối quan hệ quốc tế, hay là sân chơi của các cuộc đọ sức chính trị.

Mặc dù những quy định đã được ghi rất rõ ràng trong Hiến chương Olympic, trải qua hơn 100 năm tổ chức, lịch sử cuộc tranh tài Thế vận hội đã chứng kiến không ít những rắc rối xoay quanh câu chuyện địa-chính trị giữa các đoàn tham dự.

Những căng thẳng xung quanh

Kỳ Thế vận hội tại Melbourne năm 1956 là kỳ Thế vận hội được quan tâm nhiều không phải vì những thành tích trên bảng tổng sắp mà vì liên quan đến các sự kiện riêng rẽ mang tính chính trị: Trung Quốc xin rút lui sau khi IOC công nhận Đài Loan và không quay lại Olympic cho đến năm 1980 còn các đội Ai Cập, Lebanon và Iraq đã tẩy chay Thế vận hội Melbourne để phản đối sự xâm lăng của Anh, Pháp lên đất nước họ và sự “có mặt” của Israel tại Trung Đông.

Từ đó, các kỳ Thế vận hội lần lượt chứng kiến Mỹ và Liên Xô thực hiện kế hoạch tẩy chay lẫn nhau trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Được biết, hơn một nửa số kỳ Thế vận hội mùa hè được tổ chức trong tình trạng một nước nào đó bị nước khác tẩy chay.

Olympic cũng là nơi chứng kiến các sự kiện gây chấn động quốc tế. Các chiến binh Palestine đã sát hại 11 thành viên của đoàn Israel tại Munich 1972. Năm 1987, trước khi Seoul tổ chức Thế vận hội mùa hè, các đặc vụ Triều Tiên đã cho nổ máy bay của Hàn Quốc, giết chết hơn 100 người.

Kỳ Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 tại Tokyo, Nhật Bản (Olympic Tokyo 2020) cũng đã đi vào lịch sử phong trào Olympic hiện đại khi được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới. Mặc cho những khó khăn, giải đấu vẫn cho thấy vai trò của mình như một phần của cục diện quan hệ quốc tế. Như các chuyên gia đã nhận xét, đây là “mượn chuyện thể thao để nói chuyện chính trị”.

Ngày 24/7, vận động viên judo người Algeria, Fethi Nourine, đã bị đình chỉ thi đấu và phải quay về nước, sau khi anh quyết định rút lui khỏi trận đấu nhằm tránh khả năng phải đối đầu với đối thủ người Israel. Algeria không chính thức công nhận nhà nước Israel và hai nước này cũng đang tồn tại những mâu thuẫn xoay quanh vấn đề Dải Gaza.

Đây không phải là lần đầu tiên VĐV này rút lui khỏi một giải đấu để tránh gặp đối thủ từ Israel. Trước đó anh Nourine cũng rút khỏi giải Vô địch Judo thế giới năm 2019, cũng được tổ chức ở Tokyo vì lý do tương tự.

Thế vận hội Olympic: Mượn chuyện thể thao để nói chuyện chính trị
Các cầu thủ bóng rõ Mỹ và Iran hân hoan trước trận đấu thuộc Olympic Tokyo 2021. (Nguồn: Getty)

Trung lập là câu trả lời

Tuy nhiên, thể thao cũng có thể mang lại những đột phá lớn, giúp giải quyết các nút thắt căng thẳng trong quan hệ giữa các nước. Tại Olympic Tokyo 2020, “ngoại giao bóng rổ” đã trở thành sợi dây kết nối người Mỹ và người Iran.

Mặc cho những căng thẳng bao trùm lên quan hệ Mỹ-Iran, 2 tiếng trên sân bóng tại Tokyo, người Mỹ và người Iran đã coi nhau là “bằng hữu”.

Theo thời gian, tỷ số 120-66 nghiêng về đội bóng rổ của Mỹ, có thể sớm rơi vào quên lãng. Nhưng những khoảnh khắc “đắt giá” trong trận đấu sẽ mãi được lưu lại. Đó là những cái vỗ tay theo nhịp điệu khi quốc ca Mỹ hay Iran vang lên, những cái bắt tay giữa vận động viên hai đội và cả những lời khen ngợi mà họ dành cho nhau.

Ủy ban Olympic (IOC) tin rằng, chỉ khi giữ được một thái độ trung lập, Thế vận hội mới có thể tồn tại được cùng với thời gian.

Chính vì thế, rút kinh nghiệm từ những lần tổ chức trước, ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã ban hành các quy định ứng xử dành cho các vận động viên: nghiêm cấm các cử chỉ “có tính chất chính trị”, bao gồm các cử chỉ bằng tay hay hành động quỳ gối. Nguyên tắc này đã thể hiện những nỗ lực đáng khen ngợi của IOC trong việc duy trì một môi trường thi đấu “phi chính trị”.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, ý tưởng về một Thế vận hội “phi chính trị” là không khả thi, và những quy tắc đơn giản được ghi trên giấy cũng sẽ trở nên phức tạp trên thực tế. Bởi lẽ trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, không lĩnh vực nào độc lập hoàn toàn, kể cả thể thao và văn hóa.

Như khi cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng rộng mở trên nhiều phương diện, thể thao đương nhiên cũng sẽ trở thành một trong những “mặt trận” đối đầu giữa hai nước.

Mỹ hiện nay đang vận động các quốc gia đồng minh tẩy chay Thế vận hội mùa Đông tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 2022. Ý đồ này có thể không thành công nhưng ít nhất, Mỹ và đồng minh cũng có dịp làm mất thể diện Trung Quốc.

Olympic Tokyo 2020 đã chứng kiến những sự kiện đáng nhớ trong lịch sử: từ những quyết định từ bỏ thi đấu nhằm bảo vệ niềm tin chính trị, cho đến những cái bắt tay mang đậm tinh thần thể thao.

Ý tưởng xây dựng một sân chơi thể thao với nguyên tắc “chính trị nằm ngoài thể thao” có lẽ vẫn sẽ còn gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng dù thế nào, cũng không thể phủ nhận, các kỳ Olympic nói chung và Olympic Tokyo 2020 nói riêng đã đem lại cho chúng ta những phần trình diễn xuất sắc từ các vận động viên, tinh thần thi đấu đầy nhiệt huyết, cũng như những tấm huy chương danh giá. Đó mới chính là những giá trị được kỳ vọng nhất tại một kỳ Thế vận hội.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thế vận hội Olympic: Mượn chuyện thể thao để nói chuyện chính trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO