Hơn nửa năm kể từ khi Nga và Ukraine giao tranh dọc theo một khu vực tiền tuyến dài 2.400km, một cuộc chiến tiêu hao đã dần hình thành.
Trong vài tuần qua, 2 bên chưa đạt được thêm bước tiến đáng kể nào và giới quan sát đặt ra câu hỏi rằng liệu Ukraine có phản công quy mô lớn để phá vỡ thế bế tắc hay không và nếu có, thì khi nào Kiev sẽ tiến hành động thái này.
Theo New York Times, việc quyết định thời điểm sẽ phản công quy mô lớn sẽ trở thành quyết định chiến lược quan trọng đối với chính phủ Ukraine.
Rõ ràng là Ukraine có động lực để cần đẩy nhanh tiến độ phản công trước thời điểm mùa thu đang tới gần. Thời tiết mưa lớn trong tháng tới có thể tạo nên địa hình bùn lầy gây khó cho các hoạt động tiến công quy mô lớn. Mặt khác, các khu vực do Moscow đang kiểm soát đang rục rịch lên kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga vào giữa tháng sau. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể sẽ càng thêm nghiêm trọng khi mùa đông tới gần và điều này có thể làm suy yếu đi sự ủng hộ cho Ukraine từ châu Âu.
Theo quan điểm của phía Ukraine, việc để cuộc chiến kéo dài sẽ là rất bất lợi với họ. Nếu họ để Nga tiếp tục kiểm soát phần lớn phần bờ biển phía nam, điều này sẽ tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Ukraine - vốn đang suy thoái vì chiến sự vài tháng qua. Mặt khác, nếu các vùng Moscow kiểm soát tổ chức trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga, Ukraine sẽ càng trong tình thế bất lợi hơn.
Theo New York Times, Nga dường như đang đặt cược vào yếu tố thời gian, tức là Moscow sẽ kiên nhẫn chiến lược để chờ đợi các đối thủ bị kiệt sức trong một cuộc chiến tiêu hao. Động thái mới nhất của Nga nhằm tăng quy mô lực lượng vũ trang thêm 137.000 binh sĩ được xem là sự chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài.
Yếu tố này lại càng đặt nặng áp lực thời gian lên Ukraine, nhưng phản công Nga lại quá nhiều rủi ro trong bối cảnh lực lượng Moscow áp đảo Kiev về tiềm lực quân sự.
Phản công quy mô lớn có khả thi?
Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nhận định nước này đang đối diện với nền kinh tế suy thoái, rủi ro từ những vụ không kích và sự mệt mỏi của người dân vì chiến sự. Ông nói rằng quân đội Ukraine nên chuẩn bị để tiến lên, thay vì phòng thủ.
"Thật vô nghĩa nếu kéo dài cuộc chiến trong nhiều năm và chờ xem ai kiệt quệ nguồn lực trước", ông Zagorodnyuk nhận định.
Trong vài tuần qua, Ukraine bắt đầu sử dụng hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS do phương Tây viện trợ để tấn công các mục tiêu quan trọng của Nga tại miền Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ các vụ tấn công như vậy là chưa thể đủ để lật ngược tình hình trước Nga.
Trong gói viện trợ quân sự gần đây, Mỹ đã bắt đầu chuyển cho Ukraine các phương tiện bọc thép có tính năng phá mìn - dấu hiệu cho thấy chúng có thể được sử dụng để tiến quân trên chiến trường. Ukraine có thể đang chuẩn bị phản công trên thực địa.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Michael Kofman từ tổ chức CNA (Mỹ): "Một chiến dịch phản công sẽ rất rủi ro. Nếu thất bại, nó sẽ ảnh hưởng tới sự hỗ trợ từ các đối tác bên ngoài".
Các lực lượng Nga đã dành nhiều tháng gần đây để củng cố các vị trí trong và xung quanh khu vực mà họ kiểm soát ở miền Nam. Theo chuyên gia Vladislav Shurygin, cách duy nhất để Ukraine đẩy quân Nga ra khỏi Kherson là tiến hành chiến dịch phóng hỏa lực hạng nặng vào các cứ điểm và công sự của Moscow, giống chiến thuật mà Nga đã sử dụng tại khu vực Donbass ở miền Đông.
Tuy nhiên, ông Shurygin nhấn mạnh, để thành công, Ukraine có thể sẽ phải cần ưu thế gấp 3 lần về nhân lực và pháo binh so với Nga. Kiev hiện vẫn chưa có lợi thế đó và nó tạo nên thế khó cho các lãnh đạo Ukraine.