Tiềm năng eSports Việt Nam trong khu vực và quốc tế
Cùng với thị trường hiện có nhiều nhà phát hành, Thể thao điện tử - eSports Việt Nam cũng được xem là một ngành kinh tế mà ở đó cần sự chung tay hơn cho các "đối thủ" trong ngành. Mở được nút thắt này, thị trường hứa hẹn sẽ còn vững mạnh hơn khi được cộng đồng đón nhận.
Chia sẻ tại FPT Techday 2024 về chủ đề "eSports Việt đang ở đâu trên bản đồ thế giới?", ông Nguyễn Trần Sơn - Đại diện nhà phát hành VNGGames nhận định, cơ hội và thế mạnh hiện đã được nâng tầm hơn cho vị thế khi Việt Nam hoàn toàn tự tin cho các giải đấu quốc tế với những gì học hỏi ở những thị trường phát triển để đưa vào phát huy trong nước.
"Chúng ta đã có những thành tích nâng cao dù điều kiện không quá ưu ái, tuy nhiên, về chất xám và chưa bao giờ thua kém khi mang màu cờ Việt Nam vươn đến nhiều khu vực", ông Sơn cho biết.
Cùng bàn luận cho vấn đề này, ông Đỗ Việt Hùng – Chủ tịch hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam cho biết, Thể thao điện tử - eSports Việt Nam dù sinh sau đẻ muộn nhưng hành trình phát triển đã có nhiều điểm nhấn nổi bật khi được xã hội công nhận, bên cạnh có nhiều thành tích trong nước và khu vực.
"Đáng lưu ý, ở kỳ Seagame 32, Việt Nam đã được nước chủ nhà Campuchia tin tưởng cho đơn vị chủ trì tổ chức và được cộng đồng khu vực đánh giá cao. Điều này đã minh chứng cho việc hội nhập quốc tế khi chúng ta hoàn toàn đủ điều kiện, đóng gói xuất khẩu giải pháp thể thao hoàn chỉnh Made in Việt Nam tại Đông Nam Á", ông Hùng đưa nhận định.
Đẩy mạnh phát triển Thể thao điện tử - eSports Việt Nam cần bài toán lâu dài
Với toàn cảnh thị trường game dự kiến trị giá 2.200 tỷ USD vào năm 2030, dù Việt Nam đã vươn lên vị trí Top 5 toàn cầu về lượt tải ứng dụng giải trí, song điều này vẫn chưa thể gọi là tốt khi tỷ trọng chưa đến 0,5% giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, theo dự kiến, đến 2027, Việt Nam sẽ cần hơn 35.000 lập trình viên cho toàn thị trường với ước tính doanh thu hơn 922 triệu USD. Bài toán phát triển game nói chung và Thể thao điện tử - eSports nói riêng vẫn cần sự hoạch định chiến lược từ các nhà phát hành, đơn vị đào tạo và cả chính sách liên quan.
Chia sẻ về hoạch định đào tạo nhân sự cho ngành, ông Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng trường FPT Polytechnic cho rằng hiện eSports Việt Nam đã và đang mang lại nhiều cảm hứng cho các bạn sinh viên theo học tại trường.
"Trong bối cảnh có rất ít đơn vị đào tạo chương trình bài bản liên quan, FPT Polytechnic kỳ vọng khi đưa ngành eSports Việt chính thức lên sóng vào 2025 sẽ thúc đẩy sự tham gia của nhiều đơn vị khác, tạo môi trường đa dạng cho lĩnh vực để từ đó giúp cộng đồng để phát triển bền vững hơn", ông Thành thông tin.
Về phía nhà phát hành, ông Nguyễn Trần Sơn cho biết với tiềm lực và hệ sinh thái hiện có của VNGGames, đơn vị sẽ tìm kiếm cơ hội để từng bước là nước chủ nhà cho giải đấu quốc tế, làm bàn đạp đưa eSports Việt vươn xa hơn nữa trong tương lai.