Xem trailer phim The Menu:
Thể loại kinh dị pha lẫn hài đen là một trong những dòng phim hàng đầu của Hollywood với nhiều tác phẩm xuất sắc cả về nội dung lẫn kỹ thuật, như Nope (2022), Us (2019), Split (2016) hay The Cabin in the Woods (2011).
Với nhà làm phim kỳ cựu Adam McKay ngồi ghế sản xuất, đạo diễn Mark Mylod đã mang đến một tác phẩm hấp dẫn và không kém phần độc thuộc thể loại khó nhằn này là The Menu (tựa Việt: Thực Đơn Bí Ẩn).
Poster phim The Menu
Câu chuyện của The Menu bắt đầu khi Tyler (Nicholas Hoult) và bạn gái Margot (Anya Taylor-Joy) đến một hòn đảo biệt lập để dự tiệc tại Hawthorn - nhà hàng do đầu bếp ngôi sao Julian Slowik (Ralph Fiennes) điều hành.
Ngoài Tyler và Margot, trong số này còn có nhà phê bình ẩm thực Lilian Bloom (Janet McTeer) và biên tập Ted (Paul Adelstein), đôi vợ chồng giàu có Richard (Reed Birney) và Anne (Judith Light), ngôi sao điện ảnh hết thời (John Leguizamo) và trợ lý Felicity (Aimee Carrero), bộ ba doanh nhân Soren (Arturo Castro), Dave (Mark St. Cyr) và Bryce (Rob Yang).
Xuyên suốt buổi tiệc, Julian Slowik phục vụ những món ăn độc đáo cả về cách chế biến lẫn nguyên liệu. Ông tiết lộ mọi thứ đều nằm trong một “thực đơn” hoàn hảo cho các thực khách này. Song, mọi thứ dần biến thành cơn ác mộng khi họ nhận ra kế hoạch tàn độc của vị bếp trưởng. Đồng thời, những bí ẩn đen tối trong cuộc sống của từng người cũng dần được hé lộ.
Phong cách khác biệt của Mark Mylod
The Menu sở hữu một kịch bản không quá mới mẻ khi 12 con người xa lạ tụ tập tại một hòn đảo hoang để dự tiệc. Ý tưởng này từng xuất hiện trong And Then There Were None (2015) và cuốn tiểu thuyết cùng tên của Agatha Christie.
Song, thứ khiến tác phẩm của Mark Mylod thu hút khán giả chính là cách dẫn dắt và cài cắm vô cùng khác biệt. Những chi tiết “sai trái” xuất hiện từ rất sớm khi Margot không phải người mà Tyler dự định đưa đến buổi tiệc ban đầu.
The Menu khéo léo dẫn dắt người xem qua hàng loạt bí ẩn đan xen chồng chéo.
Thái độ kỳ lạ của các đầu bếp, những quy định ngặt nghèo của nhà hàng nhanh chóng bị đánh lạc hướng sang màn giới thiệu món ăn đầy lôi cuốn của Julian Slowik.
Sau đó, phim lại để khán giả chìm đắm trong câu chuyện riêng của từng nhân vật, như mối quan hệ ngoài luồng của ngôi sao điện ảnh và Felicity đang đi đến hồi kết, Richard có nhân tình hay bộ ba doanh nhân làm ăn phi pháp… Những món ăn cứ thế được bày lên với một câu chuyện và loại nguyên liệu đặc biệt nhất.
Ê-kíp khéo léo chia bộ phim ra thành các chương hồi ứng với một món ăn trong thực đơn. Để rồi chỉ trong phút chốc, mọi thứ hoàn toàn thay đổi khi thảm họa bất ngờ đổ xuống.
Lúc này, nhịp phim có sự thay đổi rõ rệt như một buổi tiệc thật sự khi “món chính” ra mắt luôn làm không khí náo nhiệt hơn. Trái ngược hẳn với nhóm thực khách đang hoảng loạn, sợ hãi và không rõ chuyện gì xảy ra, các đầu bếp của Slowik vẫn giữ thái độ chuyên nghiệp đến mức lạnh tóc gáy.
Thảm họa ập xuống đầu thực khách một cách đột ngột và không báo trước thứ gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Họ hành động như một cái máy được lập trình sẵn, mỗi mệnh lệnh của Slowik đều là tuyệt đối. Mỗi cái vỗ tay của ông như một đòn tâm lý cực mạnh giáng lên đầu thực khách lẫn người xem. Những món ăn vẫn đều đặn được phục vụ, nhưng lần này chúng đi kèm với nỗi lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Cách các đầu bếp bao vây nhóm thực khách, không gian nhà hàng chật hẹp cùng với phong cách chuyên nghiệp cho thấy họ đã chuẩn bị mọi thứ rất kỹ lưỡng.
Các nạn nhân như rơi vào nỗi tuyệt vọng khi không còn bất kỳ lối thoát nào. Mọi thứ tập trung vào “thực đơn” mà Slowik luôn nhắc đến. Không ai biết vị đầu bếp này toan tính điều gì hay thứ khủng khiếp nào sẽ xảy đến tiếp theo để cống hiến cho “màn trình diễn nghệ thuật” của ông.
Ai sẽ là người phải bỏ mạng trước? Họ có bí mật gì trong quá khứ? Mối quan hệ của họ và Slowik là gì? Tại sao tất cả lại tụ họp tại buổi tiệc này? Hàng loạt câu hỏi dần xuất hiện làm người xem phải nín thở theo dõi cho tới giây phút cuối cùng.
Một tác phẩm tràn đầy ẩn ý
Ngoài kịch bản hấp dẫn, thứ khiến The Menu trở nên ấn tượng chính là hàng loạt ẩn ý được cài cắm xuyên suốt nội dung. Mark Mylod biến bộ phim thành một “thực đơn” thực thụ khi mỗi món ăn đều được giới thiệu, giải thích và chú thích cụ thể, đầy tính châm biếm. Bản thân phần nguyên liệu, cách chế biến của chúng cũng mang rất nhiều ý nghĩa mà nhà làm phim lẫn nhân vật Slowik muốn truyền tải.
Các món ăn của The Menu là một tác phẩm nghệ thuật đầy ẩn ý.
Tuy nhiên, chủ đề xuyên suốt và rõ nét nhất trong The Menu chính là mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả trong bất kỳ lĩnh vực nào chứ không riêng gì ẩm thực.
Julian Slowik là một nghệ sĩ đại tài và mong muốn sản phẩm của mình mang đến niềm vui cho mọi người. Nhưng ông dần mất phương hướng khi nhận ra thực khách sẽ chẳng bao giờ biết hài lòng. Họ luôn muốn nhiều hơn, tốt hơn và sẵn sàng chê bai những thứ không vừa mắt.
Lilian Bloom đại diện cho những nhà phê bình khắt khe, dùng ngòi bút để đánh giá và chỉ trích. Bà đã cướp đi niềm vui của nghệ thuật và khiến nhiều nghệ sĩ phải sụp đổ. Soren, Dave và Bryce là những “trọc phú” xem nghệ thuật như món đồ trang trí thể hiện sự giàu có và “gu” của bản thân chứ không hề hiểu nó.
Tyler lại là những “fan cuồng” chính hiệu, sẵn sàng khen bất chấp sản phẩm có ra sao. Tyler tỏ ra hiểu biết mọi thứ, phá vỡ sự kỳ diệu của nghệ thuật nhưng lại chẳng tạo ra được một tác phẩm nào.
Phim phê phán mối quan hệ độc hại của nghệ sĩ và người thưởng thức.
Bên cạnh đó, The Menu cũng lồng ghép một vài chi tiết hài hước đến từ tính trào phúng hay sự chua chát, tréo ngoe trong hoàn ảnh đặc biệt này.
Chúng có thể đến từ cách hành động cực đoan, biểu cảm, câu chuyện kỳ lạ của nhóm đầu bếp hay cách các thực khách đối xử với nhau khi thảm họa ập đến. Người xem dễ dàng bật cười ngay lúc đó nhưng sẽ phải suy ngẫm rất nhiều về chính mình sau khi phim khép lại.