Nhu cầu ở ngành hàng PC giảm sút trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: X.Sang. |
Trong thời kỳ dịch bệnh, nhu cầu làm việc tại gia tăng cao thúc đẩy nhu cầu mua sắm laptop, lắp máy bàn. Tuy nhiên, gián đoạn trong chuỗi cung ứng tạo ra sự khan hiếm linh kiện ở thị trường trong nước suốt thời gian dài. Khi lượng hàng hóa ổn định trở lại, nhu cầu của khách hàng đã không còn.
Trước sự sụt giảm về doanh thu ở nửa đầu năm, các nhà sản xuất chip nhanh chóng cập nhật thế hệ mới để thu hút người dùng nâng cấp.
Nhu cầu giảm sút sau dịch bệnh
Trả lời Zing tại sự kiện ra mắt vi xử lý Ryzen 7000 series tại Việt Nam, đại diện AMD cho biết việc thiếu hàng là tình hình chung của toàn ngành trong giai đoạn 2020-2021. “Điều này là do ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời kỳ giãn cách bởi dịch bệnh Covid-19”, đại diện AMD cho biết.
Trong khi đó, một nhà sản xuất bán dẫn khác là MediaTek chia sẻ rằng trong năm 2021, có những lô chip có thời gian chờ giao hàng đến 52 tuần tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc khi một nhà sản xuất đặt hàng, phải tròn một năm sau họ mới nhận được sản phẩm.
Sau giai đoạn dịch bệnh, nhu cầu lắp máy, mua laptop không còn nhiều. |
Trong năm 2021, các lô hàng máy tính xuất xưởng trên toàn cầu đạt được khoảng 344 triệu chiếc. Con số này tương đương mức tăng 13,5% trong năm ngoái.
Báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường IDC cho thấy khó khăn đang hiện diện phía trước với ngành hàng máy tính cá nhân. Trái ngược với mức tăng trưởng hai chữ số ở cùng kỳ năm năm trước, lượng sản phẩm PC xuất xưởng trong đầu năm 2022 giảm 5,1%. IDC cho rằng toàn này đang rơi vào vòng xoáy đi xuống. Sự chững lại được ghi nhận ở các ngành hàng giáo dục, tiêu dùng.
Chia sẻ với Zing, đại diện AMD Việt Nam cho biết tình hình kinh doanh của công ty trong 6 tháng đầu năm nhìn chung là đi xuống. Do đó, kỳ vọng tăng trưởng được đặt vào các sản phẩm ra mắt vào cuối năm.
Trong khi đó, đại diện một nhà bán lẻ lớn trong nước chia sẻ rằng lượng hàng tồn kho của các sản phẩm máy tính xách tay sử dụng CPU ra mắt vào năm 2021 còn rất nhiều. Nguyên nhân được đưa ra là hàng về chậm, không kịp đáp ứng nhu cầu của khách. Do đó, đơn vị phân phối đang phải tìm cách bán tháo, giảm giá để dọn kho chờ đợt hàng mới.
Đặt kỳ vọng vào các sản phẩm mới
Trước doanh số không đạt được như kỳ vọng trong giai đoạn đầu năm, các nhà sản xuất bán dẫn nhanh chóng cập nhật thế hệ sản phẩm mới tại Việt Nam.
Ngày 30/9, AMD Việt Nam ra mắt dòng CPU máy tính để bàn hiệu suất cao Ryzen 7000 series. Đại diện nhãn hàng cho biết dòng sản phẩm mới sẽ tập trung vào nhóm khách hàng game thủ, nhà sáng tạo nội dung. Theo báo cáo của IDC, tập người dùng này vẫn có nhu cầu cao với các sản phẩm linh kiện mới.
Dòng CPU Ryzen mới được kỳ vọng giúp AMD tăng trưởng ở Việt Nam. Ảnh: AMD. |
Dòng CPU của AMD là chip PC dân dụng đầu tiên được sản xuất trên tiến trình 5 nm. Đồng thời, thiết kế mới giúp tăng hiệu suất xử lý đơn nhân, có thể cạnh tranh tốt với đối thủ cùng phân khúc từ Intel. Ngoài ra, thiết kế socket AM5 giải quyết các vấn đề cong chân từng xuất hiện ở thế hệ trước. AMD cũng cam kết sẽ sử dụng chuẩn này cho đến 2025. Do đó, người dùng có thể yên tâm trong khả năng nâng cấp, tương thích về sau.
Dải sản phẩm của AMD vừa ra mắt gồm 4 con chip với mã hiệu lần lượt là 7600X, 7700X, 7900X và 7950X. Giá bán của dòng sản phẩm này tại Việt Nam là 8,2-18,6 triệu đồng.
Trong khi đó, Intel cũng cập nhật phiên bản vi xử lý PC của mình lên thế hệ thứ 13 với mã hiệu Raptor Lake. Dải sản phẩm của “đội xanh” gồm 22 phiên bản, trải dài trên nhiều phân khúc. Những con chip này cũng sẽ sớm được cập bến thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Hiệu suất xử lý đơn nhân cùng khả năng tương thích với các bộ phần mềm thông dụng vẫn là thế mạnh của Intel. Tuy nhiên, việc tiếp tục sản xuất trên dây chuyền Intel 7 (10 nm) khiến nhà sản xuất bị đối thủ bỏ xa về tiến trình bán dẫn.
Ngoài ra, đại diện MediaTek chia sẻ với Zing rằng họ có mối quan hệ hợp tác tốt với TSMC. Đồng thời, công ty cũng có những cuộc thương thảo với Intel cho việc kết hợp trong tương lai.