Thế hệ từ mặt họ hàng, ‘bà cô, ông chú’ ở Trung Quốc

10/06/2023 09:30

Khi cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, từ gánh nặng tài chính đến khó tìm việc làm, nhiều người trẻ Trung Quốc dứt khoát cắt đứt với những mối quan hệ gia đình độc hại.

Xu hướng cắt đứt quan hệ độc hại với họ hàng ngày càng phổ biến với người trẻ Trung Quốc. Ảnh minh họa: Ruanredelinghuys.

Thanh niên Trung Quốc cắt đứt quan hệ với người thân nổi lên như chủ đề nóng trên mạng xã hội xứ tỷ dân sau khi tạp chí Sanlian Lifeweek chia sẻ câu chuyện của Pan Duola (33 tuổi). Trong đó, cô cho biết lý do mình và bố mẹ không còn duy trì liên hệ với họ hàng, theo Zaobao.

Trên ifeng.com, bài viết có ​​tiêu đề “Vì sao giới trẻ cắt đứt mối quan hệ với người thân” thu hút 2,9 triệu lượt đọc trong một giờ.

Các chủ đề tương tự thường xuyên trở thành xu hướng trên Internet Trung Quốc. Mỗi dịp Tết đến xuân về, cư dân mạng lại tranh luận về nguyên nhân giới trẻ ngày nay không về thăm người thân.

Thậm chí, không ít người trẻ tham gia các hội, nhóm chuyên phàn nàn về những người họ hàng “khó đỡ” trong gia đình.

Tạp chí Sanlian Lifeweek tiến hành cuộc khảo sát trực tuyến để thăm dò ý kiến về hiện tượng này. Kết quả, 50.000 trong số 116.000 người được hỏi cho biết họ “ủng hộ” những thanh niên cắt đứt quan hệ với họ hàng vì một số người thân thực sự không đáng để dành thời gian.

Bên cạnh đó, 57.000 người khác cho rằng hành động của người trẻ là “bình thường” vì mối quan hệ với họ hàng thường hời hợt do ít tiếp xúc.

Chỉ 3.924, tức 3% tổng số người được hỏi, nghĩ rằng việc thăm người thân vẫn là “cần thiết” vì giúp mang lại nhiều sự hỗ trợ hơn.

Cat dut voi nguoi than anh 1
Trong xã hội Trung Quốc truyền thống, duy trì mối quan hệ với họ hàng rất quan trọng, nhưng giới trẻ ngày nay không còn nghĩ vậy. Ảnh minh họa: The Farewell.

Về phía những người chỉ trích hiện tượng cắt đứt quan hệ với người thân, họ cho rằng điều đó làm nổi bật sự thờ ơ và dửng dưng của thế hệ trẻ đối với các mối quan hệ gia đình. Với họ, đây là hành động “thiếu lòng hiếu thảo” và sẽ gây hối hận.

Một số khác liên tưởng xu hướng này với tỷ lệ sinh thấp của Trung Quốc, cho rằng nó sẽ gây bất lợi cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Xu thế tất yếu của hiện đại hóa?

Hu Xiaowu, Phó giáo sư tại trường Khoa học Xã hội và Hành vi của Đại học Nam Kinh, nhận định người càng trẻ càng ít có khả năng tương tác với người thân. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến trong thế hệ sinh sau những năm 1990 và những năm 2000 ở Trung Quốc.

Cắt đứt quan hệ với người thân trên thực tế trở thành chuẩn mực xã hội và sẽ tiếp tục sâu sắc hơn cùng với quá trình đô thị hóa, sự phát triển của Internet.

Ông Hu cũng cho rằng khi cắt đứt quan hệ trong gia đình, thế hệ trẻ đang hành động khác với cha mẹ của họ. Đây là kết quả của những thay đổi xã hội do quá trình đô thị hóa mang lại, gây ra sự biến đổi về tài chính, không gian sống và lối sống.

Phó giáo sư Hu nói với Southern Weekly rằng ông không coi hiện tượng này là vấn đề xã hội mà là kết quả khách quan.

Nói từ trải nghiệm của mình, Hu cho biết ông lớn lên xa cách họ hàng sau khi chuyển từ quê hương Giang Tây đến siêu đô thị Nam Kinh hơn 2 thập kỷ trước.

Mặc dù em gái của ông Hu sống ở Chiết Giang và con cái của hai người là họ hàng gần, họ chỉ gặp nhau 1-2 lần/năm nếu rảnh rỗi trong những dịp lễ.

Theo ông Hu, sự xa cách này được tạo ra bởi thời gian và không gian do quá trình đô thị hóa của Trung Quốc mang lại, khiến cấu trúc của xã hội thay đổi.

Hiện đại hóa cũng khiến người dân Trung Quốc bớt phụ thuộc vào “đại gia đình”.

Ông Hu nói rằng trong các xã hội nông nghiệp hoặc tiền hiện đại, mối quan hệ họ hàng rất được coi trọng vì việc mở rộng gia đình có thể nâng cao sự tồn tại và phát triển của đại gia đình. Do đó, tìm cách kết nối với người thân được coi là sự khôn ngoan sống còn.

Tuy nhiên, ngày nay, học sinh quay cuồng với việc học, trong khi người lớn bù đầu với công việc. Các mối quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình này đều không phải là gia đình.

Với sự ra đời của Internet, mỗi người có quyền truy cập vào nhiều loại hình dịch vụ, giải trí ngay cả khi sống một mình và có thể tự chăm sóc mình. Trong bối cảnh như vậy, mối quan hệ họ hàng dần trở thành tùy chọn hơn là cần thiết.

Tờ Southern Metropolis Daily nhận định thay vì lo lắng giới trẻ bỏ rơi “gia đình”, cắt đứt quan hệ nên được coi là sự nâng cao nhận thức và xem xét lại các mối quan hệ hiện đại.

Chủ nghĩa cá nhân

Nhiều người nhìn chung không thích những màn trò chuyện gượng gạo với họ hàng sau thời gian dài xa cách. Họ cũng cảm thấy khó chịu bởi một số hành động đi quá giới hạn của người thân.

Pan Duola cho biết cô sinh ra ở một thành phố cấp 3 ở tỉnh Quảng Đông, nơi tất cả họ hàng sinh sống. Cha cô là con trai cả và phải gánh vác hầu hết trách nhiệm tài chính trong đại gia đình, chẳng hạn như chăm sóc người già đau ốm và lo liệu ma chay.

Pan thường xuyên bị người thân chế giễu vì thành tích học tập kém, mắng mỏ vì nghe nhạc pop và gắn cho cái tiếng lười biếng, ham chơi.

“Người lớn không dạy tôi điều hay lẽ phải, mà chỉ bắt nạt tôi để trút bỏ áp lực cuộc sống”, cô nói.

Nhưng khi Pan được nhận vào trường âm nhạc danh tiếng, thái độ của họ hàng hoàn toàn thay đổi. Trong các cuộc họp gia đình, họ thúc giục con cái học hỏi từ cô.

Tất cả khiến Pan bối rối và căng thẳng. Cuối cùng, cô cắt đứt liên lạc với họ hàng và chỉ dành những ngày lễ, Tết bên cha mẹ.

Câu chuyện của Pan nhận được sự đồng cảm từ nhiều người.

“Có những người họ hàng lâu lắm mới gặp và chỉ nhăm nhe gây áp lực buộc tôi phải kết hôn, sinh con hay khoe công việc và tiền lương của họ, so sánh con rể và con dâu”, một người kể.

Trong hầu hết trường hợp, người trẻ Trung Quốc khó có thể nói chuyện với người lớn tuổi hơn.

Nhà xã hội học Zhai Xuewei nói với The Beijing News rằng trong xã hội Trung Quốc truyền thống, có nền văn hóa “giữ thể diện” trong quan hệ họ hàng, cũng như người vế dưới phải tâng bốc bề trên trong bữa ăn.

Tuy nhiên, trên mạng xã hội Trung Quốc, chân dung người họ hàng lý tưởng được gọi là “dì út”. Trào lưu này trở nên phổ biến trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2023.

Tờ Lifeweek mô tả “dì út” là “em gái út của các thành viên lớn tuổi trong gia đình”. Đây là người lớn lên trong gia đình truyền thống, nhưng có cá tính mạnh mẽ, dám thể hiện bản thân.

“Dì út” không soi mói con, cháu mà đối xử bình đẳng và khuyến khích họ mạnh dạn là chính mình. Đối với thế hệ trẻ, đây là người chị và tri kỷ của họ.

Do đó, không phải những người trẻ không cần họ hàng, mà hy vọng mối quan hệ gia đình dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và độc lập. Họ cũng có thể khao khát được sống sao cho phù hợp với mình nhất, giống như “dì út”.

Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều người trẻ phàn nàn về họ hàng và ủng hộ việc “cắt đứt quan hệ”, hành động của họ lại nói lên câu chuyện khác.

Trên thực tế, việc săn vé trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm vẫn là cuộc chiến. Sau một năm làm việc xa nhà, hầu hết người Trung Quốc vẫn khao khát được trở về nhà và ăn bữa cơm sum họp với gia đình.

Có lẽ, chính cuộc đấu tranh nội tâm giữa việc “cắt đứt quan hệ hay không” dẫn đến việc một số người trút giận trên mạng về việc họ hàng của họ kỳ quặc như thế nào.

Rõ ràng, khi Trung Quốc chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp truyền thống sang xã hội hiện đại, các mối quan hệ họ hàng cũng cần phải phát triển. Câu hỏi được đặt ra là liệu người Trung Quốc có đạt được những gì họ hình dung là mối quan hệ họ hàng lý tưởng?

Sự thật là sau nhiều năm thực hiện chính sách một con, nhiều người trưởng thành không có anh chị em. Các gia đình Trung Quốc cũng ngày càng nhỏ hơn.

Vài thế hệ nữa, những người bà con xa xôi như “dì Bảy”, “cô Tám” sẽ không còn nữa, theo Think China.

Do đó, như học giả Hu Xiaowu nói, không cần phải lo lắng về xu hướng “cắt đứt quan hệ” hay thậm chí làm bất cứ điều gì khi thực tế, mỗi người ngày càng có ít họ hàng và quy mô gia đình thu hẹp hơn.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thế hệ từ mặt họ hàng, ‘bà cô, ông chú’ ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO