Thế giới sẽ ra sao nếu thiếu lúa mì từ Nga và Ukraine?

06/03/2022 13:49

Tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten của Đức viết, tỷ trọng của Nga và Ukraine trong xuất khẩu lúa mì thế giới là gần 30%, vì vậy tình hình hiện nay đang đe dọa lớn đến một số quốc gia.

Theo đó, giá lúa mì đã ở mức cao nhất mọi thời đại, dự trữ ở mức thấp và nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Bắc Phi và Trung Đông phải đối mặt với nạn đói.

Theo tờ báo Đức, kể từ khi bắt đầu hoạt động đặc biệt của Nga ở Ukraine, giá nguyên liệu thô đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Cùng với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Nga là dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, giá lúa mì cũng đang có xu hướng tăng.

Nhà phân tích Carsten Fritsch của Ngân hàng Commerzbank ở Frankfurt (Đức) cho biết, khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới đến từ Nga và Ukraine. Bây giờ họ bị cắt khỏi thị trường thế giới. Điều này đe dọa đến các vấn đề, trước hết là các nước ở Bắc Phi và Trung Đông.

Thế giới sẽ ra sao nếu thiếu lúa mì từ Nga và Ukraine?
Xuất khẩu ngũ cốc của Nga đã giảm hơn một nửa do các tuyến đường vận tải biển và đường sông bị phong toả. (Ảnh: AP)

Cuộc khủng hoảng nguồn cung sẽ trở nên tồi tệ hơn do lượng hàng dự trữ thấp. Theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế, trong mùa thu hoạch 2021-2022, dự trữ của các nhà xuất khẩu lớn của Liên minh châu Âu (EU), Nga, Mỹ, Canada, Ukraine, Argentina, Australia và Kazakhstan sẽ giảm xuống còn 57 triệu tấn - con số thấp nhất trong 9 năm qua. Con số này đủ để đáp ứng nhu cầu lúa mì của thế giới trong 27 ngày. Nếu loại bỏ dự trữ của Nga và Ukraine khỏi tính toán, khoảng thời gian này sẽ giảm xuống dưới 3 tuần.

Vào tháng 12/2021, Deutsche Wirtschafts Nachrichten cảnh báo rằng, bất cứ khi nào chỉ số giá lương thực tăng, bạo loạn sẽ nổ ra ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Do đó, trong tình trạng bất ổn của “mùa xuân Ả Rập” ở Tunisia, nguyên nhân chính là do giá lương thực tăng.

Vào tháng 11/2016, giá lúa mì là khoảng 113 Euro/tấn. Vào tháng 4/2021, 1 tấn lúa mì có giá hơn 165 Euro và vào tháng 11/2021 đã tăng lên gần 278 Euro. Như đã được ấn phẩm nhấn mạnh, xu hướng này vẫn tiếp tục và sẽ ngày càng gia tăng.

Các quốc gia xuất khẩu lúa mì đứng đầu về giá trị xuất khẩu năm 2020 là Nga với 17,7% thị trường thế giới, Mỹ và Canada với 14,1% mỗi nước, Pháp với 10,1% và Ukraine với 8%.

Trong 2 năm qua, giá lúa mì kỳ hạn của châu Âu đã tăng gần gấp đôi và gần đây đã đạt mức giá kỷ lục 390,75  Euro/tấn. Sàn lúa mì Mỹ tăng gần 150%, giá mỗi giạ lúa mì (20-22 kg) là 13,4 USD - đắt hơn bao giờ hết.

Tại Ai Cập, 85% nhập lượng lúa mì nhập khẩu do Nga và Ukraine cung cấp. Ukraine đáp ứng khoảng 50-60% lúa mì nhập khẩu cho Tunisia. Yemen và Libya nhập khẩu lần lượt 22% và 43% tổng lượng lúa mỳ từ Ukraine. Hai nước này cũng lo ngại thiếu nguồn cung do căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine.

Ngoài Ai Cập và Tunisia, Lebanon, Yemen và Sudan cũng đang đứng trước nguy cơ tiêu thụ lúa mì tăng vọt với mức giá cao hơn. Maroc đang trải quan nạn hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, đẩy giá lương thực tăng cao, buộc chính phủ phải thực thi chính sách trợ giá nhập khẩu lương thực.

Bộ trưởng Bộ Cung ứng và Nội thương Ai Cập Ali Moselhy khẳng định: “Các cuộc đụng độ giữa hai trong số các nhà xuất khẩu lúa mì và ngũ cốc lớn nhất thế giới làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường”.

Giám đốc công ty tư vấn AgResource, ông Dan Basse, tỏ ra thận trọng về tình hình cung cấp thực phẩm. Nhìn chung, nguồn cung lúa mì hiện nay bị hạn chế. Nếu nhà sản xuất có vấn đề thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt. Ngoài ra, các chuyên gia lo ngại rằng tình hình ở Ukraine sẽ khiến nông dân Nga và Ukraine không thể xuống giống trong mùa xuân này.

Thanh Bình (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thế giới sẽ ra sao nếu thiếu lúa mì từ Nga và Ukraine?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO