Cuộc khủng hoảng Ukraine đang leo thang căng thẳng, thế giới trông đợi những chiến lược cụ thể từ phía Tổng thống Nga Putin. (Nguồn: AFP) |
Chiến thuật "tung hỏa mù"?
Một số hãng hàng không đã hủy các chuyến bay đến thủ đô Ukraine và quân đội quốc gia này ngày 13/2 đã tiếp nhận các lô hàng vũ khí mới từ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bối cảnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tìm cách thể hiện sự tự tin khi đối mặt với cảnh báo của Mỹ về cuộc xâm lược bất kỳ lúc nào từ Nga.
Tổng thống Zelensky đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong khoảng một giờ đồng hồ, trong đó nhấn mạnh rằng Ukraine có sự bảo vệ an toàn và đáng tin cậy trước nguy cơ cuộc tấn công đến từ Nga.
Nhà Trắng cho biết cả hai đã đồng ý tiếp tục thúc đẩy cả biện pháp răn đe và ngoại giao để cố gắng ngăn chặn điều mà phương Tây cảnh báo là các cuộc tấn công đáng lo ngại từ Moscow.
Song song với đó, Tổng thống Zelensky đang chuẩn bị cho các biện pháp phòng thủ, kêu gọi và tiếp nhận các đợt hỗ trợ vũ khí từ Mỹ và các thành viên NATO khác.
Một máy bay chở hàng quân sự mang tên lửa phòng không Stinger do Mỹ sản xuất và đạn dược của một thành viên NATO là Litva đã hạ cánh xuống Ukraine hôm 13/2, lô hàng giúp củng cố năng lực phòng thủ của đất nước trước bất kỳ cuộc tấn công nào bằng đường không.
Thêm vào đó, tình báo Mỹ và châu Âu trong những ngày gần đây liên tục công bố các phát hiện, làm dấy lên lo ngại rằng Nga có thể tìm cách nhắm mục tiêu vào một cuộc tập trận quân sự tại miền Đông theo lịch trình dự kiến của Ukraine từ ngày 15/2 để "tung hỏa mù".
Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng việc nhắm mục tiêu vào cuộc tập trận chỉ là một trong nhiều lựa chọn mà Nga đã cân nhắc. Nhà Trắng nhấn mạnh, họ không biết chắc chắn liệu Tổng thống Vladimir Putin đã ra quyết định cuối cùng về việc tấn công hay chưa.
Nhiều người nhìn nhận Nga và phương Tây đã đến một ngã ba lịch sử. Một phía là sự trở lại của đối đầu và căng thẳng tương tự những gì đã diễn ra trong nhiều thập niên thời Chiến tranh Lạnh.
Phía khác có thể là những diễn biến ngoại giao giờ chót mà không nhân tố chính nào có thể định hình được trước những đòi hỏi quyết đoán từ Moscow.
Vào thời điểm mà nhiều người Mỹ đang đối mặt với thực trạng giá xăng dầu và hàng hóa thiết yếu tăng cao, mệt mỏi vì đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng Ukraine dường như là thứ gì đó xa vời và bí ẩn.
Nhưng một cuộc tấn công của Nga có thể khiến giá năng lượng tăng cao hơn nữa và làm rung chuyển các thị trường chứng khoán.
Cơ hội cho đàm phán "chưa cạn kiệt"
Các nỗ lực ngoại giao tiếp tục là lý do để hy vọng rằng chiến tranh là điều có thể tránh được. Song thực tế, Tổng thống Putin đã và đang triển khai một lực lượng rầm rộ quanh Ukraine, trên lãnh thổ Nga, ở cả Belarus và Biển Đen.
Ông Putin tin rằng NATO, một liên minh phòng thủ, là mối đe dọa đối với Nga.
Ngày 14/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề xuất với Tổng thống Putin rằng Moscow nên tiếp tục theo con đường ngoại giao để khai thác các đảm bảo an ninh từ phương Tây.
Theo nhà ngoại giao Nga, Mỹ đã đưa ra những đề xuất vững chắc về giảm rủi ro quân sự, song thừa nhận phản hồi từ Liên minh châu Âu (EU) và NATO không thỏa đáng như trông đợi.
Trong cuộc trao đổi trên truyền hình, trước câu hỏi của Tổng thống Putin về khả năng đạt thỏa thuận nhằm giải quyết các lo ngại về an ninh của Nga, hay thực tế quốc gia này chỉ đang vướng vào vòng đàm phán luẩn quẩn, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh: “Chúng ta đã nhiều lần cảnh báo rằng Nga sẽ không cho phép đàm phán không hồi kết về các vấn đề đòi hỏi có giải pháp hiện nay.
Song với tư cách một Ngoại trưởng, tôi phải nói rằng cơ hội luôn còn đó. Bản thân tôi cho rằng còn lâu cơ hội mới cạn kiệt. Ở giai đoạn này, tôi khuyên Ngài nên tiếp tục và thúc đẩy chúng".
Những bình luận trên được cho là tín hiệu giảm nhiệt nguy cơ Nga có hành động quân sự, nhất là sau khi Mỹ liên tục đưa ra cảnh báo Nga có thể tấn công Ukraine bất kỳ lúc nào.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết, ông đã nhận được những phản hồi “thiếu thỏa đáng” về bức thư gửi tới hàng chục thành viên EU và NATO về vấn đề “an ninh không thể tách rời” - nhắc đến những phàn nàn của Nga về việc Ukraine và các nước phương Tây đang củng cố an ninh bất chấp lo ngại của Moscow.
Trao đổi với báo chí, Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Murphy nhận định: "Các tín hiệu cho thấy Nga có thể đang xem xét một số động thái ngoại giao vào phút cuối… Tôi nghĩ rằng khi ông Putin tiến gần hơn đến việc phát động chiến tranh, ông ấy nên nhận thức rõ về tổn thất của cuộc chiến”.
Washington và các đồng minh sẽ có các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với nền kinh tế Nga nếu ông Putin tấn công Ukraine.
Cựu phát ngôn viên của Phái bộ Giám sát Đặc biệt của châu Âu tại Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu Michael Bociurkiw cũng bày tỏ hy vọng về khả năng các bên đạt giải pháp thông qua ngoại giao.
Ông Bociurkiw nói trong chương trình CNN Newsroom rằng cuộc trao đổi của Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov được công khai trên truyền hình là điều quan trọng: “Đối với tôi, điều đó cho thấy rằng họ sẵn sàng trì hoãn một giải pháp quân sự khả thi. Sẽ có thêm các cuộc gặp từ nay tới cuối tuần… Vì vậy, đó là cách họ nói rằng 'chúng tôi cởi mở với việc đối thoại'".