Video thực tế loài 'quái vật' khổng lồ trong lòng đại dương

19/05/2021 10:10

Mực khổng lồ đã từng xuất hiện trong nhiều câu chuyện dân gian trong hàng nghìn năm qua. Nó cũng truyền cảm hứng cho những câu chuyện về loài Kraken đáng sợ với thân hình được mô tả to như hòn đảo.

Video thực tế loài quái vật khổng lồ trong lòng đại dương - 1

Hình ảnh các xúc tu của mực khổng lồ.

Trên thực tế, các nhà khoa học cho rằng mực khổng lồ có tồn tại nhưng có kích thước nhỏ hơn; chúng có thể dài tới khoảng 14 mét.

Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa tận mắt thấy mực khổng lồ bơi trong đại dương vẫn còn sống. Hầu hết các quan sát liên quan đến mực khổng lồ chủ yếu là xác chết hoặc sắp chết trôi dạt vào bờ biển. 

Cho đến vừa qua, các nhà khoa học xác nhận đã từng quay được đoạn video ngắn liên quan đến một con mực khổng lồ còn non trong môi trường sống tự nhiên ở độ sâu khoảng 630 m dưới mực nước biển phía nam Nhật Bản. Trước đó, các nhà khoa học cũng từng ghi lại được một video tương tự ở Vịnh Mexico vào năm 2019.

Mực khổng lồ có thể sống ở độ sâu hàng nghìn mét dưới bề mặt đại dương. Rất ít ánh sáng Mặt trời có thể xuyên qua vùng sâu này nên để thích nghi loài mực khổng lồ đã tiến hóa đôi mắt lớn nhất trong thế giới động vật. Kích thước mắt của mực khổng lồ ước tính ngang ngửa một quả bóng rổ.

Theo các tác giả nghiên cứu, đôi mắt này không chỉ giúp những con mực khổng lồ đi vòng quanh đại dương sâu thẳm, tối tăm, mà còn giúp chúng nhạy cảm hơn với ánh sáng chói lọi mà các nhà nghiên cứu gắn vào tàu lặn và máy ảnh dưới nước. 

Sự nhạy cảm đó có thể giải thích tại sao rất khó tìm thấy mực khổng lồ trong môi trường sống tự nhiên của chúng.

Để khắc phục tình trạng này, các nhà nghiên cứu tham gia vào các cuộc khảo sát vào năm 2012 và 2019 đã tắt đèn trên chiếc tàu lặn có tên Medusa của họ. Sau khi đến độ sâu mong muốn, con tàu Medusa tắt đèn và ngừng di chuyển, cho phép các sinh vật ở dưới sâu đến với nó thay vì chủ động di chuyển dưới đáy biển. 

Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng ánh sáng đỏ mờ với máy ảnh, thay vì ánh sáng trắng thường được sử dụng trong các chuyến thám hiểm như thế này, nhằm tận dụng tình trạng mù màu tự nhiên ở biển sâu.

"Nhiều loài sống ở biển sâu, bao gồm cả mực, có hệ thống thị giác đơn sắc, thích nghi với ánh sáng xanh lam và phát quang sinh học xanh lam, thay vì ánh sáng đỏ bước sóng dài. Do đó, sử dụng ánh sáng đỏ có thể là một phương pháp ít gây khó chịu hơn để chiếu sáng các loài sinh vật biển sâu để quay phim được", các nhà nghiên cứu cho biết.

Các nhà nghiên cứu cũng trang bị cho tàu Medusa một mồi nhử tùy chỉnh mà họ gọi là E-Jelly, bắt chước chuyển động và ánh sáng của một con sứa phát quang sinh học.

Cách dụ dỗ đặc biệt này đã phát huy tác dụng, lôi kéo mực khổng lồ ra khỏi bóng tối trong năm 2012 và 2019. Trên thực tế, con mực khổng lồ được phát hiện ở Vịnh Mexico bị thu hút bởi màn hình của E-Jelly.

Theo như cảnh quay cuộc chạm trán cho thấy, con mực khổng lồ cố gắng tấn công cánh tay máy ảnh của Medusa bằng các xúc tu của nó với hy vọng mang về nhà một bữa ăn ngon với sửa. Cuộc tấn công này cho phép nhóm nghiên cứu đo được các xúc tu của con mực, có chiều dài tương đương 1,8m.

Với những thước phim quý giá, các nhà nghiên cứu kết luận rằng chiến lược kết hợp thiết bị ánh sáng yếu với mồi phát quang sinh học là phương pháp hiệu quả nhất được biết đến để lừa con mực khổng lồ ra khỏi nơi ẩn náu. 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Video thực tế loài 'quái vật' khổng lồ trong lòng đại dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO