Trong đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng bán dẫn nghiêm trọng đã xảy ra do gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu đối với thiết bị điện tử tiêu dùng tăng vọt trong bối cảnh mọi người làm việc, học tập tại nhà.
Các “gã khổng lồ” công nghệ đã và đang giành giật các bộ xử lý đồ họa (GPU), chủ yếu từ Nvidia. Chúng được đưa vào các trung tâm dữ liệu để đào tạo các mô hình AI khổng lồ, làm công nghệ nền tảng cho những ứng dụng như ChatGPT của OpenAI.
Trong khi đó, các công ty như Qualcomm đang thiết kế chip dành cho smartphone và máy tính cá nhân để chạy AI cục bộ thay vì thông qua kết nối Internet trên đám mây. Samsung và Microsoft đều đã cho ra đời các sản phẩm như vậy.
Hãng tư vấn Bain dự đoán nhu cầu GPU và thiết bị điện tử tiêu dùng AI có thể gây áp lực lên chuỗi cung ứng và là nguyên nhân của tình trạng khan hiếm chip tiếp theo. Bain lưu ý chuỗi cung ứng chip cực kỳ phức tạp. Nhu cầu nếu tăng khoảng 20% hoặc hơn có khả năng cao làm đảo lộn trạng thái cân bằng.
Nhiều công ty tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn: Nvidia thiết kế GPU rồi giao cho TSMC sản xuất. TSMC mua máy móc sản xuất chip từ các quốc gia khác như Hà Lan. Hiện tại, chỉ TSMC và Samsung có năng lực sản xuất chip tiên tiến quy mô lớn.
Địa chính trị cũng có thể là một yếu tố dẫn đến thiếu hụt chip. Chính phủ khắp thế giới xem chất bán dẫn như công nghệ chiến lược.
Thông qua các hạn chế xuất khẩu và các biện pháp trừng phạt, Mỹ đang cố gắng chặn đường tiếp cận công nghệ bán dẫn tối tân của Trung Quốc. Đồng thời, Washington tìm cách củng cố năng lực sản xuất bán dẫn nội địa.
"Căng thẳng địa chính trị, hạn chế thương mại và việc các công ty công nghệ đa quốc gia tách rời chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc tiếp tục gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với nguồn cung chất bán dẫn. Sự chậm trễ trong xây dựng nhà máy, thiếu nguyên liệu và các yếu tố khó lường khác cũng có thể gây khó khăn", Bain dự báo.
(Theo CNBC)