Thay tướng chưa đổi vận
Khi đổi tên từ Viettel sang Thể Công Viettel vào đầu tháng 11, đội bóng kỳ vọng sẽ vào top 3 chung cuộc tại V.League 2023-2024. Trước đó, trong lễ xuất quân mùa giải diễn ra hồi giữa tháng 10.2023, Giám đốc Trung tâm Thể thao Viettel - Đỗ Mạnh Dũng khẳng định: “Mục tiêu năm nay của đội bóng Viettel là top 3, cạnh tranh ngôi vô địch V.League và vào chung kết giải Cúp Quốc gia”.
Việc Thể Công Viettel không còn đề cập đến câu chuyện tranh ngôi vô địch sau khi đổi tên trở nên hợp lý. Bởi 3 tháng sau đó, đội bóng áo lính giờ đang ở nhóm 3 đội cuối bảng. Cũng tính từ mốc đổi tên, Thể Công Viettel thắng được 2 trận ở V.League và 6 trận đấu còn lại, họ hoà 1 và thua tới 5 trận.
Xuyên suốt 10 vòng đấu đã qua, Thể Công Viettel chỉ duy nhất 1 vòng đấu đứng ở nửa trên bảng xếp hạng V.League. Đỉnh điểm là sau trận hoà 0-0 trước Khánh Hoà và thất bại 0-1 trước Bình Dương vừa qua, Hoàng Đức và các đồng đội đã tụt xuống thứ 12. Thể Công Viettel đang có khởi đầu tệ nhất trong 5 năm, kể từ khi trở lại V.League vào năm 2019.
Nếu tính cùng mốc 10 vòng đấu, trước đó, tại V.League 2019, đội bóng áo lính đứng thứ 11 với 10 điểm. Ở 2 mùa giải liên tiếp sau đó, Viettel (trước khi đổi tên thành Thể Công Viettel) đều xếp thứ 2 với lần lượt 18 và 22 điểm.
Đến V.League 2022, đội chủ sân Hàng Đẫy đứng thứ 7 với 13 điểm. Ở mùa giải gần nhất, dù chia tay với hàng loạt trụ cột nhưng họ cũng xếp thứ 7 với 14 điểm, dưới bàn tay của huấn luyện viên Thạch Bảo Khanh.
Cũng chính ông Thạch Bảo Khanh đã giúp Thể Công Viettel giành hạng 3 chung cuộc tại giải đấu năm ngoái và bản thân nhà cầm quân này cũng lọt vào đề cử huấn luyện viên xuất sắc nhất mùa.
Dù vậy, huấn luyện viên Thạch Bảo Khanh lại sớm nói lời chia tay Thể Công Viettel sau 6 vòng đấu (thắng 2, hoà 2, thua 2). Đáng nói hơn, 2 người kế nhiệm sau đó được lựa chọn thay thế là huấn luyện viên Thomas Dooley và Nguyễn Đức Thắng thậm chí chưa thể giúp đội bóng áo lính thắng thêm được 1 trận nào.
Trong 2 trận đấu dưới thời ông Dooley, Thể Công Viettel thua cả 2. Tiếp đến, ở 2 trận đầu tiên nắm quyền, huấn luyện viên Nguyễn Đức Thắng cũng chỉ giúp đội nhà có 1 điểm.
Vấn đề từ đâu?
Câu chuyện huấn luyện viên chỉ là một phần. Phong độ của các cầu thủ cũng là nguyên nhân khiến Thể Công Viettel khởi đầu tệ nhất 5 năm qua.
Tính đến hiện tại, đội bóng áo lính chỉ ghi 6 bàn sau 10 trận. Cùng với Khánh Hoà và Hoàng Anh Gia Lai, Thể Công Viettel nằm trong top 3 câu lạc bộ ghi ít bàn nhất. Trong khi đó, hàng thủ từng được xem là “trứ danh” của Thể Công Viettel đã thủng lưới tới 15 lần, nằm trong nhóm 4 đội có năng lực phòng ngự kém nhất.
Nói riêng câu chuyện tấn công, sự đi xuống của một loạt “ngòi nổ” mang đến thất vọng cho đội bóng áo lính. Tiền đạo Mohammed Essam tịt ngòi kể từ đầu mùa giải, Bruno Cunha từng chơi ấn tượng trong màu áo Thanh Hoá bỗng dưng hoá “mèo con” khi trở lại Thể Công Viettel. Khác xa với hình ảnh một chân sút Brazil cự phách, từng là Vua phá lưới cách đây không lâu tại V.League, Bruno Cunha hiện chỉ ghi vỏn vẹn 2 bàn sau 9 trận đã qua.
Những tiền đạo nội xung quanh như Nhâm Mạnh Dũng, Trần Danh Trung, Trần Ngọc Sơn cũng chưa ghi nổi bàn thắng nào. Hoàng Đức - ngôi sao chủ lực của Thể Công Viettel mới chỉ in dấu giày ở 3 trong 6 bàn của đội nhà (1 bàn thắng, 2 kiến tạo). 3 trận gần nhất, Hoàng Đức không tạo ra tầm ảnh hưởng từ những đường chuyền của mình.
Ngoài ra, ở hàng tiền vệ, Đức Chiến - người từng ghi 7 bàn cho Thể Công Viettel mùa trước cũng chưa để lại dấu ấn ở mùa này. Tất cả những gì mà cầu thủ này làm được mới chỉ là 1 pha lập công sau 9 trận đấu.
Thể Công Viettel đã cố gắng làm tất cả trong thời gian qua để cải thiện thành tích đội bóng. Nhưng có lẽ, việc trước mắt mà họ có thể làm được, với hy vọng tạm giải quyết tình hình chính là thay ngoại binh. Bởi với một Essam và Bruno Cunha xuống dốc như hiện tại, Thể Công Viettel khó lòng tìm kiếm được đường vào cầu môn đối thủ tại V.League.