Trước giờ chồng tôi vẫn là người khô khan. Bình thường nói chuyện với nhau, anh chỉ bảo vài ba câu rồi lại đi ngủ hoặc làm việc khác. Vậy mà sau sự việc ngày hôm nay, tôi nhận ra chồng mình cũng tâm lý phết mọi người ạ.
Vợ chồng tôi đều là công chức, lương tháng chẳng có bao nhiêu nên cưới xong, chúng tôi quyết định dọn về sống chung với bố mẹ chồng. Biết mình không có nhiều tiền để đưa cho bố mẹ chồng nên tôi không nề hà việc gì cả. Nhưng mẹ chồng tôi là người khó tính, thành ra cho dù tôi có cố gắng mấy, bà cũng thấy không hài lòng.
Thời gian đầu khi tôi mới có thai, chồng bảo hạn chế làm việc nhà vì bác sĩ đã dặn như vậy. Rõ ràng mẹ chồng tôi cũng nghe, vậy mà sáng nào bà cũng đưa tôi cây chổi lau nhà rồi khoán việc:
“Con phải vận động đi thì mới tốt. Cứ nằm ườn cả ngày ra đấy lại ì người ra. Mấy bữa nữa dễ tiểu đường thai kỳ lắm. Mà như thế thì nguy hiểm cho thai nhi”.
Mẹ chồng bảo vậy nên tôi cũng cắn răng làm. Hôm đó không may trượt chân, chồng tôi thấy vậy liền quát không cho làm nữa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy chồng mình xót vợ. Nhưng lúc đó, tôi cũng chỉ nghĩ chồng mình xót con nên mới nói vậy mà thôi. Sau đó, mẹ chồng cũng có vẻ dễ chịu với tôi hơn. Nhưng tất nhiên, con dâu có thai cũng không thể bằng con gái được.
Lúc tôi sinh con, bố mẹ tôi có lên xin để đưa về nhà chăm ở cữ. Có điều mẹ chồng tôi sợ tai tiếng và người ta dị nghị nên không muốn cho con dâu về ngoại. Mấy hôm đầu, bà cũng phục vụ mẹ con tôi tận tình lắm. Nhưng được một tuần, thấy tôi đỡ đau vết mổ, mẹ chồng bắt đầu để tôi tự mình chăm con. Thậm chí khi cháu khóc lâu, bà còn lên cáu tôi:
“Con làm mẹ kiểu gì mà mãi chẳng dỗ được con thế. Mẹ ngồi dưới nhà mà đau cả đầu, muốn ngủ trưa cũng không được”.
Nói xong, bà lại xuống phòng ngủ tiếp chứ nào phụ tôi được chút gì. Cũng may là phòng có camera, chồng tôi đi làm nhưng nhìn được ở nhà mẹ đối xử với vợ thế nào nên bức xúc lắm. Hôm bữa anh đã nói ý với mẹ, mong mẹ có thể giúp tôi chăm con. Vì bố chồng tôi bị yếu tay nên không bế cháu được. Lúc đó bà cũng rất vui vẻ nhận lời.
Thế mà hôm qua, khi tôi đang bế con thì mẹ chồng lên phòng. Nhìn đống quần áo trong nhà tắm, bà lẩm bẩm:
“Có mấy cái quần áo của con mà cũng không giặt được. Đúng là bây giờ sướng quá hóa rồ, ngày xưa mẹ có được thế đâu”.
Rồi bà quay sang nói tôi đưa cháu cho mình bế. Còn tôi thì mới đẻ được nửa tháng đã phải vào nhà tắm giặt đồ. May thế nào hôm qua chồng tôi về sớm, nhìn thấy cảnh ấy, anh đỏ lừ mắt rồi hất tung chậu quần áo. Khi mẹ còn đang mải thanh minh rằng ngày xưa mới đẻ được vài ngày đã phải dậy nấu cơm, chồng tôi nói luôn:
“Thôi, mẹ đã như này thì để con gọi xe cho vợ con về ngoại. Mẹ không cần bảo gì nữa đâu, lâu nay con thừa biết mẹ đối xử với cô ấy thế nào”.
Vậy là mẹ con tôi được về ngoại ngay trong ngày hôm qua. Còn chồng tôi cũng quyết liệt lắm. Vợ con ở đâu thì anh ở đó. Thành ra khi thấy con trai bỏ đi, mẹ chồng tôi sốt ruột nên cứ nhắn tin giục tôi về sớm. Tôi thì chẳng còn lạ gì tính mẹ chồng. Cho dù bà có nói vậy thì đến khi về, mọi việc rồi sẽ lại đến tay tôi mà thôi. Vì thế, tôi cứ ở nhà mẹ đẻ cho đến khi nào hết cữ. Đã có chồng bảo vệ, tôi tội gì mà về sớm phải không mọi người?
Phụ nữ sinh mổ bao lâu thì làm việc nhà được?
Thời gian sau sinh mổ và giai đoạn rất khó khăn cho người mẹ, vì vậy bác sĩ thường khuyên mẹ cần được nghỉ ngơi, phục hồi các tổn thương ở bụng, tử cung và các bộ phận trong cơ thể. Thời gian đó mẹ cần kiêng cữ nhiều thứ, người xưa thường gọi là “ở cữ sau sinh”. Theo những quan niệm xưa, mẹ sau sinh mổ phải ở cữ trong vòng 100 ngày, không tắm rửa, không nói chuyện với người lạ và phải ở trong phòng kín, không được làm việc nhà.
Tuy nhiên đối với y học hiện đại thì mẹ cần chú ý giữ gìn sức khỏe nhưng vẫn sinh hoạt tắm rửa, ăn uống bình thường, chỉ kiêng làm việc nặng vì điều này sẽ kéo dài thời gian hồi phục của cơ thể và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như bục vết mổ hoặc sa tử cung. Đặc biệt là thời điểm 1 tháng sau sinh, vết thương mổ chưa lành, tử cung vẫn còn to và nặng, và các cơ và dây chằng nâng đỡ ở đáy chậu còn đang mềm yếu, chưa phục hồi. Vì thế trong giai đoạn này mẹ chỉ nên vận động gân cốt nhẹ nhàng, không nên làm việc nhà như quét nhà, lau nhà, dọn dẹp nhà cửa.
Tùy vào cơ địa và số lần sinh mổ của mẹ sẽ khiến thời gian phục hồi khác nhau. Đa số có bà mẹ sẽ hết đau và phục hồi cơ thể sau 6 tuần, nhưng với những mẹ có sức khỏe yếu, sinh mổ nhiều lần thì phải mất hơn 8 tuần để có thể bình phục hẳn.
Theo Báo PNTĐ