Thấy vết thương chuột cắn nhẹ nên không đi khám, người đàn ông bị nhiễm trùng huyết nặng

Phương Linh| 08/04/2021 19:08

Việt BáoKhi thấy nổi nhiều hạch ở cánh tay, nách, cổ, sưng đau hạch kèm sốt nóng, mệt mỏi, ăn ngủ kém người bệnh mới đi khám thì đã muộn.

Vết thương do chuột gây nên

Người bệnh là anh L.H.L, 38 tuổi, ở huyện Hòa An, Cao Bằng. Anh L. được chuyển đến khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng lúc 1h sáng 8/4 trong tình trạng sốt cao, rét run, vã mồ hôi, đau đầu, mệt mỏi. Các bác sĩ kiểm tra thì thấy người bệnh có vết cắn ở tay. Vết thương này gây đau nhức, sưng, nổi nhiều hạch ngoại biên toàn thân.

Người bệnh cho biết, khoảng 20 ngày trước khi nhập viện bị chuột cắn vào mu bàn tay phải. Sau đó, có biểu hiện sưng tấy đỏ, đau nhức tại vết chuột cán. Vì chủ quan, người bệnh không đi khám, chỉ đi tiêm phòng một mũi vacxin.

Tay của người bệnh bị chuột cắn. Ảnh: BVCC.

2 tuần sau, người bệnh thấy nổi nhiều hạch ở cánh tay, nách, cổ, sưng đau hạch. Cùng với đó, người bệnh bị sốt nóng, mệt mỏi, ăn ngủ kém.

Khi đến bệnh viện huyện điều trị, người bệnh được chuyển lên bệnh viện tuyến trên do tình trạng nặng.

Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: Dịch hạch thể nhiễm trùng huyết. Các bác sĩ đánh giá, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể lây lan ra cộng đồng.

Hiện bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, tiêm phòng uốn ván, sức khỏe tiến triển khả quan nhưng cần theo dõi sát.

Dịch hạch từng gây ra một trận đại dịch

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn yersinia pestis gây ra, lây lan nhanh và tiến triển cấp tính với biểu hiện nhiễm khuẩn, nhiễm độc toàn thân. Bệnh lây truyền chủ yếu từ động vật gặm nhấm (chuột, thỏ...) sang người.

Bệnh dịch hạch có tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Dịch hạch đã từng lưu hành và là nỗi ám ảnh của nhiều quốc gia trên thế giới. Căn bệnh này được mệnh danh là "cái chết đen", gây ra trận đại dịch khủng khiếp nhất vào thời Trung cổ tại châu Âu.

Thống kê từ năm 1989 đến 2003 tại 25 quốc gia, ghi nhận hơn 38.000 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong đó có hơn 2.800 ca tử vong. Tại Việt Nam giai đoạn 1960 - 1970, ghi nhận khoảng 10.000 ca dịch hạch mỗi năm. Những năm sau đó, số bệnh nhân giảm còn khoảng 140 trường hợp mỗi năm. Trong những năm trở lại đây, hầu như không ghi nhận bất cứ trường hợp mắc bệnh nào tại các cơ sở y tế.

Dịch hạch đã trở thành một trận đại dịch tại châu Âu.

Dịch hạch thể nhiễm trùng huyết triệu chứng khởi phát đột ngột, cấp tính ngay trong lúc hạch ngoại vi chưa sưng. Tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc rất nặng, bệnh nhân sốt cao 40 độ C, nhiều cơn rét run, kích động, cuồng sảng hoặc li bì, nôn nhiều, tiêu lỏng, bụng chướng, có rối loạn về tim mạch và hô hấp. Bệnh nhân còn xuất huyết da, niêm mạc, phủ tạng...

Những điều cần lưu ý

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết chuột là động vật gây hại và trung gian lây truyền một số bệnh truyền nhiễm cho người, trong đó có những bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị.

Một số bệnh lây truyền từ chuột phổ biến như bệnh dịch hạch, viêm phổi, vàng da xuất huyết, sốt xuất huyết kèm theo suy thận do Hantavirus... Chuột lây bệnh sang người, qua thực phẩm bị chúng làm ô nhiễm, từ côn trùng trung gian như bọ chét, ve hoặc qua phân, nước tiểu, nước bọt hoặc vết cào, cắn của chuột.

Do vết chuột cắn đơn giản nên đôi khi người bệnh không để ý nhiều. Khi thấy sốt, sưng hạch thì chữa quanh, tự uống thuốc, thậm chí cả những kháng sinh đắt tiền mà không mang lại kết quả. Trong khi đó, căn bệnh này nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì chữa rất đơn giản, chỉ cần sử dụng kháng sinh đơn giản, kháng sinh mạnh không có tác dụng. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, việc điều trị hết sức phức tạp với nhiều biến chứng.

Nhiều người chủ quan khi bị chuột cắn, vì thấy vết thương đơn giản.


Theo bác sĩ Thu, để phòng tránh phòng bệnh do động vật gặm nhấm gây nên, người dân nên tránh bị chuột cắn phải.

Cách tốt nhất để không bị chuột cắn là nên bảo vệ môi trường sống của mình. Chúng ta nên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh để những vật dụng bừa bãi trở thành làm nơi ẩn náu và sinh sống cho chuột.

Khi dọn dẹp nhà cửa, nghi ngờ chỗ nào có chuột cần mang bao tay cao su để tránh bị chuột cắn. Sử dụng nước tẩy lau sạch chỗ nào có nước tiểu của chuột hoặc nơi chuột làm ổ để tránh sự lây nhiễm của virus. Nếu phát hiện xác chuột trong khuôn viên nhà, phải mang bao tay cao su rồi bỏ chuột vào bao ni lông nhiều lớp, gói kín lại bỏ vào thùng rác.

Khi ngủ nên chèn màn chặt kín bốn góc giường ngăn chuột chui vào cắn. Nếu không may bị chuột cắn thì nên rửa sạch vết thương bằng nước muối, thuốc sát trùng, nước xà phòng, sau đó đến bệnh viện để được khám và tư vấn kịp thời

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thấy vết thương chuột cắn nhẹ nên không đi khám, người đàn ông bị nhiễm trùng huyết nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO