Ấm lòng hành động của anh xe ôm
Khoảng 20h40 ngày 20/5, khi đang lái xe trên đường cao tốc Long Thành -Dầu Giây từ quận 9 về quận 2 ở TPHCM, anh Nguyễn Quốc Doanh, hiện làm nghề xe ôm kiêm vận chuyển hàng hóa, thấy cảnh một vị khách ngoại quốc đang dắt bộ xe.
Đoán chừng xe của khách bị hết xăng trong khi trạm xăng gần nhất cách đó 3-4km, anh Doanh chủ động tấp xe vào bên đường, ra ký hiệu bảo vị khách nước ngoài dừng lại.
Ban đầu, vị khách Tây tưởng anh Doanh đẩy giúp xe. Nhưng sau đó thấy anh lấy trong túi một bình nhỏ đựng 0,5 lít xăng, người này liền hiểu ý.
Tỏ ra khá thận trọng, vị khách hỏi mất bao nhiêu tiền thì anh Doanh nói luôn không phải trả tiền. Thấy khách còn băn khoăn, anh xe ôm ra ký hiệu để khách chủ động đổ xăng vào bình.
Tiếp đó, vị khách lúi húi cúi tìm đồ một lúc rồi xòe các tờ tiền mang theo trong người, ngỏ ý báo anh Doanh tự lấy số tiền phù hợp. Tuy nhiên, anh xe ôm một mực lắc đầu.
"Tôi tặng miễn phí giúp anh thôi. Không cần trả tiền đâu", anh Doanh nói.
Thấy vậy, vị khách nước ngoài khá bất ngờ và phải hỏi lại "Anh có chắc không". Nhận thấy thái độ của đối phương rất dứt khoát, khách Tây vui vẻ bắt tay, cúi đầu bày tỏ lòng cảm ơn rồi lên xe đi tiếp.
Sau khi chia sẻ lên trang cá nhân với mục đích lưu giữ kỷ niệm làm nghề, anh Doanh không ngờ video lại nhận được hàng trăm nghìn lượt xem với rất nhiều bình luận đồng tình với cách làm của mình.
"Tôi từng phải ngậm đắng trả 100.000 đồng cho nửa lít xăng do xe bị hết xăng mà không muốn dắt bộ nhưng đành chấp nhận. Anh Tây quá may mắn khi gặp được người tốt như anh", tài khoản có tên Mạnh Long bình luận.
"Chắc hẳn vị khách này rất cảm kích trước hành động đẹp của anh xe ôm. Những hành động này cần được lan tỏa nhằm tạo hình ảnh đẹp về một Việt Nam thân thiện, tốt bụng trong mắt khách quốc tế", một tài khoản khác có tên Vân Minh đưa ra ý kiến.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Doanh cho biết không chỉ với người nước ngoài mà bất cứ ai nếu anh gặp trong hoàn cảnh này đều sẽ cư xử tương tự.
"Tôi luôn để sẵn một chai đựng khoảng 0,5 lít xăng trong túi phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra với bản thân hoặc hỗ trợ người khác nếu cần", anh nói.
Nhiều cạm bẫy lừa lọc khi làm nghề xe ôm
Sinh ra và lớn lên ở Huế, anh Doanh vào TPHCM lập nghiệp khoảng 7 -8 năm trước. Ban đầu, chàng trai sinh năm 1995 làm nhân viên bán hàng phụ trách thị trường. Giai đoạn Covid-19 ập tới khiến thị trường việc làm ở TPHCM biến động nhanh chóng. Anh Doanh cũng bị cuốn vào làn sóng thất nghiệp, công việc bấp bênh.
Để trụ lại thành phố, anh quyết định đổi sang nghề làm xe ôm công nghệ kiêm vận chuyển hàng hóa. Công việc trước của anh cũng phải chạy ngoài thị trường nhiều, nên đổi sang nghề mới không khiến anh quá bỡ ngỡ.
Hiện cuộc sống vẫn một thân một mình nên mỗi ngày anh chăm chỉ cày cuốc ngoài đường từ 12-14 tiếng. Sau khi trừ hết chi phí, anh Doanh nhẩm tính mỗi ngày thu về từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng.
"Nếu chỉ lo cho bản thân thì hiện khoản thu nhập hàng tháng của tôi vẫn đảm bảo. Nhưng nếu đã lập gia đình mọi thứ cần chi tiêu nhiều hơn cho vợ chồng, con cái, chắc chi phí này không đủ và tôi phải tính phương án khác", anh Doanh bộc bạch.
Theo anh, nghề chạy xe công nghệ đang được nhiều người trẻ chọn giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, tỷ lệ lao động thất nghiệp cao. Tuy nhiên với nhiều năm trong nghề, anh gặp không ít trường hợp lừa đảo nên người mới vào nghề rất dễ dính.
"Cách đây khoảng 2 tuần tôi cũng mới bị lừa. Đó là đơn hàng cần ứng trước khoản tiền 300.000 đồng. Tôi nhận đơn và trả tiền luôn nhưng khi tới nơi gọi cho người nhận không bắt máy. Sau đó, cả người nhận hàng lẫn người gửi hàng đều chặn số, xóa tin nhắn. Dù đã có kinh nghiệm nhưng tôi vẫn mắc bẫy nên những người mới vào nghề cần thận trọng khi nhận đơn hàng phải ứng trước tiền", anh chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng theo anh Doanh, người làm nghề như anh khi chạy xe ban đêm chỉ nên di chuyển ở những khu vực trung tâm thành phố như quận 1, 2, 3, nơi khách vẫn hoạt động nhiều về đêm, tránh đi ra vùng ngoại ô đề phòng trường hợp bất trắc.
Tính tới chuyện tương lai, chàng trai người Huế dự định chỉ làm nghề thêm một thời gian, gom góp cho mình một số vốn nhất định rồi chuyển nghề ổn định hơn.