Chiều 21/2, thầy Nguyễn Xuân Khang chia sẻ: "Xây trường tặng một địa phương nào đó vùng biên giới phía Bắc là nguyện vọng tôi ấp ủ từ lâu đến nay mới đủ cơ hội để thực hiện. Có lẽ đây là món quà lưu niệm lớn nhất tôi để lại cho các thế hệ sau, trước khi tôi ra đi".
Chia sẻ về lộ trình xây dựng, Hiệu trưởng trường Marie Curie cho biết, địa phương đang chuẩn bị quỹ đất với diện tích phù hợp để xây dựng các hạng mục công trình đảm bảo quy mô phục vụ giảng dạy. Sau đó, trường sẽ làm công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát thiết kế và phê duyệt dự án.
Giai đoạn từ 2025 đến giữa năm 2026 sẽ xây dựng cơ bản và bàn giao vào tháng 7/2026 để nhà trường kịp tuyển sinh vào năm học 2026 - 2027 với toàn bộ kinh phí do trường Marie Curie đầu tư, chi phí dự kiến 100 tỷ.
Sau khi hoàn thiện, trường lấy tên Phổ thông dân tộc bán trú Marie Curie – Mèo Vạc.
Việc thiết kế, tổ chức thi công, xây dựng, kiếm định, nhiệm thu hoàn toàn do trường Marie Curie đảm nhiệm. "Sau khi hoàn tất tôi sẽ bàn giao lại cho huyện Mèo Vạc bố trí kinh phí mua sắm thiết bị phục vụ việc ăn, ở bán trú của học sinh. Đây sẽ là ngôi trường hoạt động dưới hình thức công lập", ông Khang cho biết thêm.
Thầy Khang nói riêng và trường Marie Curie nói chung bén duyên với huyện Mèo Vạc bắt đầu từ năm 2021 với đề án quốc gia trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng phát động. Nhà trường đã trồng hai vạn cây Sa Mộc tại xã Khâu Vai.
Năm 2022, trường Marie Curie tiếp tục tổ chức dạy tiếng Anh trực tuyến cho 2.600 học sinh lớp 3, duy trì tới khi các em học xong tiểu học.
Cuối tháng 11/2023, nhằm giải quyết việc thiếu giáo viên tiếng Anh ở Mèo Vạc, thầy Khang chi 6 - 12 tỷ đồng hỗ trợ 30 sinh viên địa phương đi học đại học ngành tiếng Anh. Mỗi tháng, một sinh viên được hỗ trợ 5 triệu đồng, kéo dài trong 4 năm. Hiện, 17 sinh viên tham gia dự án. UBND huyện sẽ tuyển thêm 13 người để đào tạo trong năm học tới.