Đại úy Lò Văn Thoại sinh năm 1981 tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Là người dân tộc Lào, sinh ra trên bản quê nghèo nên ngay khi còn nhỏ, thầy Thoại đã mang quyết tâm học tập để trở thành người cán bộ giỏi, sau có thể giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp. Ước mơ ấy được thầy ấp ủ và dần hiện thực hoá.
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Biên phòng 1, năm 2003, thầy Thoại được điều về công tác tại Đồn Biên phòng Mường Lạn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) với chức vụ nhân viên vận động quần chúng. Cũng kể từ đây, hành trình gieo chữ nơi vùng cao của người thầy giáo mang quân hàm xanh chính thức bắt đầu.
Lớp học xóa mù chữ của thầy giáo quân hàm xanh Lò Văn Thoại sáng ánh đèn điện mỗi tối. (Ảnh: NVCC)
Gian nan lớp học xoá mù chữ
Đồn biên phòng Mường Lạn đóng quân trên địa bàn huyện Sốp Cộp, phụ trách 16 bản và 2 điểm dân cư của toàn xã Mường Lạn, trong đó có nhiều bản đặc biệt khó khăn. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, tình trạng mù chữ khá phổ biến.
Thương bà con nghèo không biết chữ, khó tiếp cận với các chính sách, pháp luật, từ đó dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động, thầy Thoại liền đề xuất với chỉ huy đơn vị cho mở lớp dạy xóa mù chữ cho bà con.
“Được sự đồng ý của đơn vị, năm 2003 tôi bắt đầu mở lớp dạy học tại điểm trường Tiểu học bản Nậm Lạn. Tuy nhiên, khi lớp học được thành lập, việc vận động người dân đến lớp học xóa mù chữ rất khó, bởi theo quan niệm của nhiều người “học chữ không để làm gì, cuối cùng cũng đi làm nương”, thầy Thoại nhớ lại.
Để đả thông tư tưởng bà con, người thầy giáo ấy kiên trì đến gõ của từng nhà, giảng giải cho mọi người hiểu lợi ích của việc biết đọc, biết viết là để làm giàu, thoát nghèo. Sau nhiều lần vận động không đạt hiệu quả như mong muốn, thầy Thoại quyết định thay đổi chiến thuật, áp dụng phương châm 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” nhằm tạo sự thân thiết, gần gũi với đồng bào. Bằng sự kiên trì, tận tâm, thầy đã thuyết phục được bà con tới lớp.
Bản thân chưa từng được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, thầy Thoại chủ động tìm đến những giáo viên đã có nhiều năm trong công tác xóa mù chữ, nhờ họ truyền đạt kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, từ đó biên soạn giáo án phù hợp.
Tuy nhiên, việc dạy học không hề đơn giản khi học viên trong lớp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nhiều người già tay cứng lại, không thể cầm được bút. Để uốn nắn họ viết được con chữ, có khi mất hàng tháng trời.
“Có những người tập viết mấy trang vở cũng không thành chữ. Khi tôi kiểm tra, bà con giấu hoặc xé vở vứt đi, phải động viên mãi mới để tôi sửa. Thế rồi khi đã tự biết viết tên mình, mọi người đều rất hào hứng học”, thầy Thoại kể.
Học sinh của lớp là bà con các dân tộc Mông, Thái, Lào... nhiều người chưa từng cắp sách đi học. (Ảnh: NVCC)
Theo nam Đại uý, việc vận động đến lớp đã khó, giữ chân được bà con học đến lúc kết thúc khóa học còn khó hơn. Điều này khiến thầy luôn tự nhủ phải cố gắng xây dựng những chương trình, giờ học hứng thú để thu hút học viên. Bởi nếu nhàm chán, học viên sẽ dễ bỏ học giữa chừng. Khi ấy, công tác vận động người dân đến lớp coi như bằng không.
Ban ngày làm nhiệm vụ vận động quần chúng, đêm về người chiến sĩ ấy lại chẳng màng đến phút nghỉ ngơi, tiếp tục lên lớp mang ánh sáng tri thức đến cho đồng bào. Những lớp học xoá mù chữ sáng đèn mỗi tối chờ bà con đi làm nương rẫy trở về. Nhờ sự kiên trì, nhẫn nại và tình cảm chân thành của thầy Thoại, chỉ trong vài tháng, các học viên đã cơ bản biết đọc, biết viết.
Cứ thế, lớp học của thầy giáo quân hàm xanh ngày càng được bà con tin yêu, sĩ số lớp tăng, học viên tốt nghiệp đều đặn.
Hạnh phúc khi bà con có thể tự viết tên
Đầu năm 2022, Đại úy Lò Văn Thoại về nhận nhiệm công tác tại Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, đơn vị quản lý tại xã Nậm Lạnh và Mường Và. Đây cũng là hai xã còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tình trạng tái mù chữ và mù chữ, tảo hôn liên tục diễn ra, đặc biệt là các bản giáp biên giới. Hiện trạng đó lại một lần nữa khiến người chiến sĩ biên phòng băn khoăn, day dứt khôn nguôi, làm thế nào giúp được đồng bào nơi đây.
“Người dân ở đây không có điều kiện đi học nên bị hạn chế về kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng, dẫn đến năng suất thu được từ hoạt động sản xuất không cao. Tôi rất muốn góp một phần nhỏ công sức của mình giúp mọi người biết chữ, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để cải thiện cuộc sống cho bà con”, thầy Thoại bày tỏ.
Sau khi lập danh sách các trường hợp tái mù chữ và mù chữ, đồng thời tham mưu cho chỉ huy đơn vị phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp mở lớp xóa mù chữ tại bản Pá Khoang, thầy Thoại lại tiếp túc hành trình chiến đấu với giặc dốt vùng biên.
Lớp học của thầy Thoại. (Ảnh: NVCC)
Cũng giống như lần đầu tiên, công tác vận động học viên đến lớp của thầy giáo Thoại cũng gặp không ít khó khăn. Sau nhiều lần tuyên truyền vận động, từ lớp có 7-8 học viên vào một số buổi đầu, đến nay đã có 24 người tham gia với độ tuổi từ 14-45.
Không phụ công miệt mài của người thầy quân hàm xanh, các học viên từ không biết chữ, số, điện thoại, sau hơn 5 tháng đi học, đã có thể tự đọc, viết, lưu tên người thân trên điện thoại và ngày càng thích đến lớp. Nhiều bà con dần nhận thức được việc học chữ không chỉ giúp họ đọc hiểu sách vở, mà còn giúp ích rất nhiều trong cuộc sống thường ngày như: chăm lo việc học, sóc sức khỏe cho con cái, biết chăn nuôi làm kinh tế và tự tin hơn khi giao tiếp...
Từ đó, thầy giáo Thoại bắt đầu lồng ghép những nội dung tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số vào các bài giảng của mình. Đồng thời tuyên truyền cho bà con về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Thấy bà con biết đọc, biết viết, hiểu ra giá trị của việc học tập, thầy Thoại hạnh phúc và tự hào. Người chiến sĩ ấy cũng bày tỏ sự xúc động, khi được mọi người gọi với cái tên trìu mến thầy giáo Thoại, thầy giáo quân hàm xanh. Những tình cảm ấy đã tiếp thêm động lực cho thầy trong việc giảng dạy, cũng như hướng dẫn học viên và nhân dân làm ăn, phát triển kinh tế.
“Tôi luôn mong muốn các học viên của mình sau khi hoàn thành khóa học biết vận dụng các kỹ năng, phương pháp làm ăn phát triển kinh tế hộ gia đình. Quan tâm nhiều hơn nữa đến việc học, chăm sóc sức khỏe cho con cái, góp phần cùng địa phương xây dựng quê hương, bản làng ngày càng giàu đẹp”, thầy giáo quân hàm xanh nhắn nhủ.
Với những thành tích đã đạt được trong công tác giáo dục, Đại úy Lò Văn Thoại được Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, Hội Khuyến học tỉnh Sơn La tặng giấy khen các năm 2021, 2022. Đại úy Lò Văn Thoại là một trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT tại chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2024.