Đó là Nguyễn Tuấn Hải, tức Hải "Bánh" - người từng thoát án tử hình trong chuyên án triệt phá băng nhóm tội phạm Năm Cam, nhờ phút cuối khai ra kẻ chủ mưu chỉ đạo mình sát hại Dung "Hà" (vốn cũng là một nhân vật có số má trong giới giang hồ).
Từ cổng trại, tức là phút đầu tiên khi Hải "Bánh" bước chân ra ngoài xã hội sau hơn 20 năm bị giam, cho đến khi vào quán ăn, mua xổ số giúp người bán vé dạo... tiếp đó là các buổi ăn nhậu, tiệc tùng khi đã trở về Hà Nội, và gần đây nhất là sự kiện nhân vật này mua ô tô 1,5 tỉ đồng... - tất tật đều được những người đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội khai thác tối đa.
Điều này không sai, pháp luật không ngăn cấm nhưng vô hình trung đã thúc đẩy, cổ súy, tạo nên một cái "trend" hâm mộ dân giang hồ đối với một bộ phận cư dân mạng hiếu kì. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không tốt tới suy nghĩ, hành động, quan điểm sống của những thanh, thiếu niên mới lớn.
1. Đình đám nhất trong số các youtuber khai thác cuộc sống giang hồ từ chính bản thân mình cũng như các nhân vật khác trong thế giới của họ, phải nhắc đến Khá Bảnh, tức Ngô Bá Khá, sinh năm 1993, quê Bắc Ninh. Khá nổi lên bắt đầu từ clip "múa quạt" - một điệu múa tay mà các dân bay lắc thường sử dụng; và clip kể về cuộc sống trong trường giáo dưỡng, cách mà anh ta "cầm trịch" các học sinh cùng trường để được lên hàng đại ca, cũng như một số "triết lý" sống, cóp nhặt có "biên tập" ở đâu đó, khiến số người theo dõi Khá tăng chóng mặt.
Và đỉnh điểm là có tháng, anh ta đã được Youtube trả cho gần 300 triệu. Các câu chuyện của Khá, từ việc dạy dỗ đàn em trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đến việc đối xử với hàng xóm láng giềng, các cuộc "đi bay" ở quán bar, karaoke... đều được "diễn" hàng ngày trong các clip của anh ta. Nổi tiếng và được "hâm mộ" đến nỗi, có thời điểm, đi đến đâu, Khá cũng được các em học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3, thậm chí cả người lớn lao đến xin chữ kí, xin chụp hình chung, ồn ào, náo nhiệt tại những nơi anh ta xuất hiện còn hơn cả các ngôi sao giải trí hot nhất thời điểm đó.
Có lúc tôi tự hỏi: Người ta hâm mộ những Khá "Bảnh", như Huấn "Hoa Hồng", như Dương Minh Tuyền, như Dũng "trọc" Hà Đông, như Phú Lê... (toàn những người chơi mạng xã hội nổi tiếng, được nhiều người biết đến và đều ít nhiều có dính dáng đến pháp luật) vì điều gì? Chẳng lẽ vì những "thành tích" không có gì đáng tự hào của họ? Chẳng lẽ vì những thành tích bay lắc, gây rối trật tự công cộng hay cố ý gây thương tích của họ?
Chỉ đúng một nửa. Một bộ phận người trẻ sử dụng mạng xã hội thường theo dõi và thấy hứng thú với các nhân vật này, đơn giản là vì họ cảm thấy đó là một thế giới khác, một cuộc sống khác, một thế giới họ chưa từng chạm tới, một cuộc sống họ chưa từng bước vào và ngây ngô tin rằng nó thú vị thật, nó hay ho thật, nó có vẻ nghĩa hiệp như những lời mà các "idol" của họ hay rao giảng thật.
2. Nhưng thực tế là gì? Là một Huấn "Hoa Hồng", bị bắt quả tang sử dụng ma túy hết lần này đến lần khác, là một Phú Lê thường xuất hiện trong các bộ phim tự sản xuất trong vai đại ca nghĩa hiệp, giúp đỡ đàn em khi hoạn nạn, nhưng thực tế ngoài đời thì sai hàng chục đàn em đến nhà một người phụ nữ có mâu thuẫn với vợ mình để dằn mặt. Kết quả là một tên đàn em đã dùng gậy gây thương tích cho một bà già phải nhập viện. Là một Dương Minh Tuyền hết vác súng bắn lên trời lại lên mạng chửi nhau với hầu khắp các "giang hồ mõm". Là một Khánh Sky tuy ngực và tay xăm cờ đỏ sao vàng nhưng thực tế thì chuyên núp lùm, chửi không ngán kẻ nào, bất kể là ai, thậm chí chửi cả Dũng "trọc" - kẻ được xếp ở vị trí số một trong các "đại ca giang hồ mạng". Là Khá "Bảnh" vừa nghiện hút vừa cờ bạc, kết cục là anh ta phải xộ khám, hưởng án 10 năm tù giam. Là một Tiếp "Bịp" văng tục chửi thề, tự nhận mình là con nghiện...
Có thời điểm, một số giang hồ mạng quay vòng chửi nhau lần lượt, chửi để tăng lượt theo dõi, chửi để câu view, câu like. Chửi không thiếu từ gì, chửi cả họ hàng hang hốc, mục đích có lẽ chỉ để kiếm tiền từ YouTube. Không hiểu có một sự thỏa thuận ngầm nào giữa họ hay không, thế nhưng cư dân mạng đã được xem những màn chửi nhau như hài kịch. Điều đó khiến không gian mạng trở nên tối tăm, ngột ngạt và thiếu lành mạnh. Nhưng có điều nực cười là số lượng người theo dõi các tài khoản của họ ngày một tăng, thể hiện sự hâm mộ rõ rệt, cũng có thể không hâm mộ nhưng mong muốn được nghe kể về cuộc sống mặt trái xã hội của họ là có thật nên cũng bấm nút theo dõi.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi xem được clip các em nhỏ mới chỉ 8-9 tuổi reo lên mừng rỡ: "Em chào anh Khá Bảnh" và nhao nhao đòi chụp hình chung với "idol" khi thấy nhân vật này xuất hiện. Hay như một clip Dương Minh Tuyền "về làng" để "hỏi thăm" trường hợp đánh bạn gây bức xúc dư luận, thì có cả những bác già chạy đến bắt tay, ôm hôn thắm thiết. Hâm mộ là có thật, như một sự mất niềm tin vào điều gì đó nên khi thấy kiểu "nghĩa hiệp" của Dương Minh Tuyền, họ như tìm thấy "lẽ phải".
Một anh bạn tôi năm nay đã ngoài năm mươi, vốn là một công chức hằng ngày đút chân gầm bàn, hết giờ làm việc cơ quan thì vội vàng đi đón con cho kịp lớp học thêm, nhưng "hâm mộ" phải đến gần 20 nhân vật giang hồ mạng. Nhìn dáng anh trói gà không chặt, thấy đám đánh nhau là chạy mất dép chứ nói gì đến "giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha", ấy vậy mà lúc nào cũng chỉ thích bật các kênh kể về cuộc sống giang hồ, tù tội, cờ bạc, bay lắc... Tôi tò mò hỏi anh: "Anh thấy mấy cái tài khoản đó thú vị ở chỗ nào?", anh ngượng nghịu cười đáp: "Thì con người ta thiếu cái gì sẽ thấy thích cái đó". Hóa ra là vậy. Hẳn là trong một giấc mơ nào đó, anh cũng đã từng mơ được cầm gậy lùa thằng hàng xóm thường xuyên bắt nạt gia đình mình, vì cái tội nó xây nhà lấn sang đất nhà anh, thay vì chửi thầm nó rồi lặng lẽ ngồi viết đơn đợi giải quyết. Hóa ra là vậy. Các "idol" bấy lâu nay đã giải quyết được về mặt tinh thần cho rất nhiều những ẩn ức tích tụ của nhiều người, kiểu như anh bạn trói gà không chặt của tôi kể trên, đã không thể một lần vượt qua chính mình.
3. Quay trở lại trường hợp Hải "Bánh". Có người nói vui, Hải "Bánh" bây giờ mà chơi Youtube hay các nền tảng tương tự, đảm bảo số người theo dõi tăng chóng mặt và mỗi tháng kiếm được hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỉ không phải là chuyện ngạc nhiên. Có điều, Hải "Bánh" là giang hồ "xịn", chứ không phải những kẻ tự nhận mình là giang hồ bằng vẻ ngoài xăm trổ vằn vện, gai góc (những kẻ mà chỉ cần mất 3G hay wifi là khóc ngay, mà không cần phải dùng đến dao kiếm, súng đạn). Tất nhiên đó là câu chuyện vui, tôi không tin, trong tương lai Hải "Bánh" sẽ trở thành một Facebooker, một YouTuber hoặc một Tiktoker để kể chuyện đời mình trong tù như thế nào cũng như kể lại thời tuổi trẻ mới bước chân vào con đường tội lỗi ra sao, nhưng chắc chắn, sẽ có những kẻ sử dụng nền tảng mạng xã hội kiếm tiền sẽ tìm cách khai thác anh ta. Hiện nay, đối với nhiều người, đó là một nghề, một nghề đem lại thu nhập khủng hẳn hoi.
Nếu thực sự muốn rửa tay gác kiếm, thực sự muốn trở lại làm một người bình thường, nếu thực sự đã từng rơi những giọt nước mắt không hề giả trân trong ngày đầu tiên trở về với xã hội, tôi khuyên anh là không nên để người ta lợi dụng khai thác trên các nền tảng xã hội ấy, đó cũng là cách anh giúp xã hội này bớt ồn ã, bớt náo loạn vì những sự "hâm mộ" vô nghĩa. Nếu có thể, hãy làm những clip thực sự ý nghĩa, có giáo dục, khuyên răn các bạn trẻ hãy nhìn gương của mình để rút ra bài học. Vì tuổi trẻ dễ mắc sai lầm nhất. Giúp các bạn trẻ tránh xa con đường tội lỗi, đó là cách Hải "Bánh" nên làm để trả ơn cuộc sống.
Theo Đinh Hiền