Trên đây là một trong những kết luận của buổi tọa đàm "Tác động của AI (trí tuệ nhân tạo) Chatbot đến giáo dục đại học" do Khoa Kinh tế số của Học viện Chính sách và Phát triển tổ chức ngày 27/2.
Cụ thể, các diễn giả tham dự tọa đàm như TS Vũ Văn Hiệu, TS Đặng Xuân Thọ, TS Đàm Thanh Tú, TS Nguyễn Như Hà, ThS Đỗ Thị Hoa đã cùng thống nhất một số kết luận:
"Thứ nhất, với sự phát triển của các AI Chatbot, các cơ sở đại học nói chung ngoài việc đối mặt với nạn đạo văn trong học thuật thì nay đang phải đối mặt với một thách thức mới liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động đào tạo.
Thứ hai, dưới tác động của AI Chatbot, vai trò của các giảng viên đại học thay đổi nhưng vị trí của giảng viên hoặc là không đổi, hoặc là được nâng cao hơn so với trước đây tùy thuộc vào sự phấn đấu của bản thân từng giảng viên thỏa mãn được những đòi hỏi của thời đại mới.
Thứ ba, các giảng viên phải nghiên cứu cách ra bài tập về nhà hoặc ra đề tiểu luận, đề thi theo những chuẩn mực nhất định nào đó để đánh giá được năng lực sinh viên vì chắc chắn không thể cấm sinh viên sử dụng các AI Chatbot.
Thứ tư, bản thân các giảng viên muốn kiểm soát tốt sinh viên không quá lạm dụng trí tuệ nhân tạo trong việc học tập thì các thầy cô cũng phải sử dụng thành thạo công nghệ cho việc nghiên cứu và giảng dạy của mình để hiểu được sức mạnh của nó.
Thứ năm, các AI Chatbot có thể hỗ trợ tốt cho việc học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên với điều kiện được sử dụng có trách nhiệm, liêm chính cùng tư duy phản biện".
Tham dự buổi tọa đàm có TS Giang Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng Học viện Chính sách và Phát triển; PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển; TS Nguyễn Như Hà - Trưởng khoa Luật kinh tế; TS. Đàm Thanh Tú - Trưởng khoa Kinh tế số, ThS Đỗ Thị Hoa - Trưởng bộ môn Ngoại ngữ. Về phía khách mời, GĐ. Nguyễn Phong Anh - Giám đốc Viral CAS Media; TS Vũ Văn Hiệu - Chuyên gia AI tại Viện Công nghệ thông tin; TS Đặng Xuân Thọ - Chuyên gia AI tại khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển đánh giá cao ý tưởng và nội dung tổ chức buổi tọa đàm "Tác động của AI Chatbot đến giáo dục đại học" do Khoa Kinh tế số thực hiện. Đồng thời, mong muốn trong thời gian tới Học viện tiếp tục tổ chức nhiều chương trình, tọa đàm và các buổi chia sẻ hữu ích để các bạn sinh viên trong Học viện được tham dự, học hỏi kinh nghiệm, qua đó nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của sinh viên.
Tại buổi tọa đàm, TS Đặng Xuân Thọ - Chuyên gia AI tại khoa CNTT, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, nếu biết cách khai thác ChatGPT, đây sẽ trở thành công cụ hỗ trợ rất tốt trong đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.
Ngược lại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo này có thể khiến giảng viên khó kiểm soát người học, sinh viên sẽ rơi vào tình trạng ngại tư duy do phụ thuộc vào ChatGPT. Cơ chế kiểm tra đánh giá người học sẽ phải có những điều chỉnh phù hợp.
Tiếp đó, TS Đàm Thanh Tú - Trưởng khoa Kinh tế số phát biểu cho rằng, ChatGPT nói riêng hay các AI Chatbot nói chung tuy chưa thực sự xuất sắc để làm được hết bài tập của các môn học nhưng chúng ngày càng thông minh và có khả năng tự học.
Các thầy cô phải nghiên cứu cách ra bài tập về nhà hoặc ra đề tiểu luận theo những chuẩn mực nhất định nào đó để đánh giá được năng lực sinh viên vì chắc chắn không thể cấm sinh viên sử dụng các AI Chatbot. Thầy cô phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá, không thể kiểm tra đánh giá theo kiểu mô tả, trình bày hay tái hiện lại nữa.
Tại buổi tọa đàm này, các bạn sinh viên được nâng cao kiến thức về AI Chatbot cũng như hiểu biết của bản thân thông qua việc tương tác, trao đổi cùng các diễn giả.