Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng

27/03/2023 13:30

Khuôn viên tháp Cánh Tiên bị đập phá tường rào, trở thành nơi hút cỏ, vứt rác, còn tháp Dương Long nhiều hạng mục đã xuống cấp nhưng chưa được tu bổ…

Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng - 1

Ghi nhận của phóng viên VTC News tại tháp Cánh Tiên (thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu thị xã An Nhơn, Bình Định), hiện, dãy tường bao quanh 1 mặt sau và 2 mặt bên của tháp đều đổ nát, nhiều đoạn thép trên tường rào đã bị hoen gỉ, gãy chân. Cùng với đó là rác thải bên ngoài tường rào bốc mùi hối thối.

Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng - 2

Ông Lê Văn Quang (SN 1971) bảo vệ của di tích tháp Cánh Tiên cho biết, tường rào bị các thanh niên nghiện cỏ đập phá để vào hút, chích. Những người này sau khi "phê thuốc" thì vứt rác, thậm chí phóng uế bừa bãi. Còn rác thải ở xung quanh tường rào, trước cổng tháp là do người dân sống gần đem ra vứt. Dù ông Quang đã báo cáo lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng - 3

“Các hạng mục tường rào, cổng từ khi chính thức đưa vào hoạt động là năm 2010 đến nay vẫn chưa qua tu bổ, khắc phục lần nào”, ông Quang nói.

Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng - 4

Tháp Dương Long (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, Bình Định), toàn bộ phần cổng, tường rào bị hoen gỉ, gãy gập. Bên trong nhà trưng bày trống trơn, sơn tường bong tróc rơi xuống nền nhà, một số thiết bị điện đã bám bụi đầy mạng nhện, trên tầng mái có cả cây dại mọc lên...nhưng không được dọn dẹp.

Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng - 5

Hiện nay, các hạng mục này đã xuống cấp mặc dù đã có quyết định đầu tư tu bổ, khắc phục xuống cấp cơ sở hạ tầng.

Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng - 6

Về lý do chậm trễ trong việc tu bổ, khắc phục xuống cấp cơ sở hạ tầng ở 2 di tích tháp Chăm này, Chuyên viên Phòng kế hoạch, Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định cho biết: “Sở đang xin chủ trương để điều chỉnh, bố trí kinh phí triển khai vì quyết định đã được phê duyệt nhưng kinh phí thì chưa được bố trí nên không thể làm các bước tiếp theo”.

Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng - 7

Theo ông Bùi Tĩnh – Giám đốc Bảo tàng Bình Định, tình trạng các đối tượng vào tháp Cánh Tiên hút, chích diễn ra từ năm 2022, ông đã nắm bắt được và có văn bản gửi cho địa phương phối hợp với Công an phường Đập Đá, Công an xã Nhơn Hậu, tới hiện tại thì không còn tình trạng này.

Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng - 8

Nhưng theo bảo vệ khu vực tháp Cánh Tiên, hiện nay các đối tượng nghiện ngập vẫn vào khuôn viên để hút, chích. Ông thường xuyên phải dọn dẹp "chiến trường" họ để lại trong khuôn viên tháp.

Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng - 9

Tháp Cánh Tiên được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1982, là công trình kiến trúc Champa có niên đại giữa thế kỷ XII. Tháp được xây dựng trên một gò đồi thấp giữa trung tâm thành Đồ Bàn, kinh đô của vương quốc Champa xưa.

Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng - 10

Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Dương Long được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nền văn hoá Champa. Tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Chăm đẹp nhất Việt Nam. Năm 1980, tháp được  xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật. Đến ngày 23/12/2015, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.

Theo tìm hiểu của VTC News, ngày 28/1/2022 UBND tỉnh Bình Định ký quyết định về việc Phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Công trình: Sửa chữa, tu bổ, khắc phục xuống cấp cơ sở hạ tầng tại di tích tháp Dương Long và di tích tháp Cánh Tiên.

Đối với di tích tháp Cánh Tiên, làm mới toàn bộ cổng chính bằng thép hộp mạ kẽm, sơn 3 nước chống rỉ. Làm mới bảng đá granit màu đỏ chữ trắng ghi tên di tích.

Xây mới, trát lại phần diện tích đã bong tróc lớp trát trên tường, trụ tường rào. Cạo vệ sinh lớp sơn cũ trên tường, trụ và sơn lại. Thay mới phần khung sắt đã bị rỉ sét, hư hỏng tại một số đoạn tường rào và sơn 3 nước chống rỉ toàn bộ khung sắt tường rào...

Tại khu vực nhà vệ sinh: Tháo dỡ toàn bộ lớp gạch chống nóng và vữa láng trên mái. Vệ sinh, chống thấm cho toàn bộ sàn mái. Láng vữa xi măng tạo dốc về ống thoát nước mái. Lát gạch lá nem chống nóng cho sàn mái. Cạo vệ sinh lớp sơn cũ toàn bộ nhà đã rêu mốc, sơn lại 1 nước lót 2 nước phủ toàn bộ nhà. Ốp tường gạch ceramic khu vệ sinh nam bị bong rớt. Vệ sinh nền gạch hành lang bị ố, đánh bóng lại. Thay chốt và khóa hệ thống cửa đi và cửa sổ. Thay lại một số thiết bị điện, nước bị hư hỏng nặng, lắp đặt mới bồn nước inox 1000L loại nằm

Đối với tháp Dương Long đoạn tường rào có khung sắt hoa bảo vệ: Thay mới cổng chính, cổng phụ. Thay mới và sửa chữa các khung hoa sắt bị hư hỏng và sơn lại toàn bộ bằng sơn chống rỉ tại các đoạn tường rào. Đục phá, xây mới, trát lại phần diện tích đã bong tróc lớp trát trên chân móng, tường, trụ tường rào và tiến hành sơn lại toàn bộ...

Đoạn tường rào xây gạch kín: Đục phá, xây mới, trát lại phần diện tích bị hư hỏng và sơn lại toàn bộ. Gia cố thêm giằng xây nâng chiều cao trụ và lắp đặt chông sắt cho toàn bộ tường rào...

Đối với nhà bảo vệ và nhà trưng bày: Thay mới một số thiết bị điện, nước bị hư hỏng…

Nhóm dự án này thuộc nhóm C, dự kiến với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng, vốn đầu tư ngân sách tỉnh thuộc vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2021-2022.

Phạm Viên

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tháp Chăm cổ ở Bình Định bị đập phá tường, thành nơi hút cỏ của nhiều đối tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO