Tổng thống Iran Ibrahim Raisi tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Dushanbe, Tajikistan, ngày 17/9. (Nguồn: Pars Today) |
"Gia đình SCO lớn mạnh"
Ngày 17/9, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã diễn ra tại Dushanbe (Tajikistan) để kỷ niệm 20 năm thành lập và kết nạp thêm thành viên mới là Iran.
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước đều đã nhất trí với văn kiện “Khởi động quá trình kết nạp Cộng hòa Hồi giáo Iran vào SCO”.
Như vậy, Iran đã chính thức trở thành thành viên thứ 9 của tổ chức này, hội nhập cùng Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Nga, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan.
Tehran đã nộp đơn gia nhập SCO từ đầu năm 2016.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh SCO, Tổng thống mới đắc cử của Iran Ibrahim Raisi nhấn mạnh, việc gia nhập SCO sẽ cho phép Iran kết nối với tuyến đường thương mại quan trọng Á-Âu - “Vành đai và Con đường” đi qua lãnh thổ nước này.
Tổng thống Raisi cũng bày tỏ hy vọng SCO sẽ tạo ra cơ chế để giúp Iran thoát khỏi các lệnh trừng phạt.
Tham dự Hội nghị thông qua hình thức trực tuyến, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hoan nghênh sự gia nhập của Iran, nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn ủng hộ sự tham gia đầy đủ của Iran vào tổ chức bởi vì đây là một quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực Á-Âu”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ niềm tin rằng “gia đình SCO lớn mạnh” sẽ “xây dựng hòa bình trên toàn thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và bảo vệ trật tự thế giới”.
Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi khẳng định: “Sự mở rộng của SCO chứng minh tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của tổ chức”.
Khi trở về Iran từ Dushanbe, Tổng thống Raisi đã tuyên bố: “Đây là một thành công mang tính ngoại giao và chiến lược”.
Ngoại trưởng nước này Hossein Amir Abdillahian trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov gần đây đã cảm ơn Moscow vì sự ủng hộ Tehran gia nhập SCO.
Hai nhà ngoại giao cũng thảo luận tình hình ở Afghanistan và phía Iran cho rằng Tehran và Moscow cần phải đẩy mạnh hợp tác về vấn đề này.
Khôi phục vị thế cho Tehran
Ông Vladimir Sazhin, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga cho biết, Iran có rất nhiều ảnh hưởng trong lịch sử đối với quốc gia láng giềng Afghanistan.
SCO hiểu rằng vấn đề Afghanistan là rất phức tạp và giải quyết vấn đề này mà thiếu Iran thì sẽ còn phức tạp hơn nữa. Chính vì vậy, việc kết nạp Iran vào SCO có thể giúp các nước trong tổ chức này tìm kiếm quan điểm chung về tương lai của Afghanistan.
Ông Vladimir Sazhin nói: “Ngoài ra, Tehran đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Washington liên quan đến chương trình hạt nhân.
Các cuộc đàm phán ở Vienna về việc khôi phục 'thoả thuận hạt nhân Iran' đang rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc gia nhập SCO là 'món quà' dành cho Iran và giúp khôi phục vị thế quốc tế của quốc gia này”.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Iran đương đại Rajab Safarov lại có quan điểm khác.
Ông Rajab Safarov gắn sự gia nhập của Iran vào SCO với sự thay đổi chính quyền cách đây không lâu ở Tehran. Theo ông, Tổng thống Iran tiền nhiệm Hassan Rouhani là chính trị gia thân phương Tây, do vậy, Iran khó có thể gia nhập SCO và hợp tác với Nga.
Còn Tổng giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Andrey Kortunov lại lập luận rằng, Tehran từ lâu đã xin gia nhập SCO, nhưng một trong những trở ngại của quá trình này là các lệnh trừng phạt.
Quyết định lần này tại Dushanbe cho thấy các quốc gia thành viên SCO đã ủng hộ Iran và không còn lo ngại nhiều đến quan điểm của Mỹ.
Ông Kortunov nói thêm: “Nền kinh tế Iran đang rất khó khăn nên cần đến nguồn lực phát triển mới cũng như những bước đột phá trong bối cảnh bị cô lập quốc tế.
Trong khi đó, SCO quan tâm đến Iran với tư cách là một quốc gia rộng lớn có tiềm năng kinh tế. Ngoài ra, đây còn là nhà sản xuất năng lượng lớn”.
Năm 2001, SCO được thành lập với 6 thành viên gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Nga, Uzbekistan và Tajikistan. Từ năm 2017, SCO có 8 quốc gia thành viên khi Ấn Độ và Pakistan gia nhập. Iran là thành viên thứ 9 của tổ chức này. |