Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng tốc

THANH PHƯỢNG (Tổng hợp)| 12/06/2024 20:00

Nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, sức mua của người tiêu dùng tăng cao trong nửa đầu 2024 là cơ hội để nhiều ngành nghề hồi phục. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm đã ghi nhận mức tăng trưởng bứt phá ở các ngành F&B, du lịch, bán lẻ,… với mức tăng bằng lần so vời cùng kỳ năm 2023.

nguoi-dan-chon-thanh-toan-ma-qr-khi-mua-sam-3-.jpg

Đi cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, hoạt động thanh toán không tiền mặt đã lan toả rộng khắp. Tổng giá trị thanh toán không tiền mặt qua Payoo đã tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Thanh toán QR vẫn đi đầu về tốc độ tăng trưởng với mức tăng 2,5 lần, theo sau là thanh toán thẻ quốc tế với mức tăng 64%, thẻ nội địa tăng 7%. Trong đó, hình thức thanh toán không tiếp xúc qua NFC được ưa chuộng hơn, chiếm hơn 65% trong tổng số giao dịch qua thẻ.

Thanh toán không tiền mặt phổ biến là kết quả của quá trình nỗ lực từ Chính phủ, ngân hàng, tổ chức tài chính và sự hưởng ứng từ phía người dùng. Tuy vậy, đồng hành với quá trình phát triển của thanh toán không tiền mặt là những rủi ro mới đòi hỏi cả người dùng lẫn các ngân hàng, trung gian thanh toán có những cập nhật nhằm đảm bảo sự an toàn.

Người dân thoải mái hơn cho các chi tiêu ăn uống, du lịch

F&B là dịch vụ nhanh chóng có phản ứng tích cực đón đầu sự hồi phục trong năm 2024. Một cuộc khảo sát trên 3000 doanh nghiệp F&B vừa qua cho thấy khoảng 80% doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn tích cực và có nguồn lực để phát triển trong năm 2024, với gần 52% có kế hoạch mở rộng. Theo dự báo, năm nay giá trị thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng 10,92% so với năm 2023.

Năm qua, Payoo cũng tập trung mảng F&B và mở rộng tập khách hàng thuộc nhóm này, ghi nhận mức chi tiêu tăng cao. Cụ thể, số lượng và giá trị giao dịch lĩnh vực F&B qua hệ thống tăng tương ứng 38% và 54%. Hình thức thanh toán qua thẻ quốc tế vẫn thống trị nhưng giảm nhẹ với 65% số lượng giao dịch, tiếp đến là quét mã QR với 30% và thẻ nội địa với 5%. Bên cạnh giải pháp truyền thống là thanh toán tại quầy qua POS, Payoo còn mở thêm giải pháp cho phép khách hàng mua trả trước trọn gói và để sẵn trong ứng dụng riêng của nhiều thương hiệu lớn và sử dụng khi có nhu cầu.

nguoi-dan-chon-thanh-toan-ma-qr-khi-mua-sam-2-.jpg

Ngoài ăn uống, du lịch cũng là mảng được phục hồi mạnh mẽ với số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm nay tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023 và thậm chí tăng hơn 3% so với cao điểm trước dịch (2019). Ghi nhận của Payoo trong nửa đầu năm nay cũng cho thấy tỷ lệ sử dụng thẻ quốc tế phát hành tại nước ngoài qua nền tảng thanh toán Payoo tăng 2.6 lần về số lượng và 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các mảng: ăn uống, mua sắm tại trung tâm thương mại.

Bên cạnh lượt khách quốc tế chi tiêu cho du lịch kể trên, dịp nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5 vừa qua đã trở thành động lực khiến lượng khách trong nước tích cực mua các tour du lịch nội địa. Thanh toán không tiền mặt cho dịch vụ mua tour cho riêng tháng 4 vừa qua đã tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến thời điểm sắp tới sẽ là cao đỉểm du lịch hè, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp đà để có mức tăng bùng nổ hơn nữa.

Bán lẻ bùng nổ 

Nửa đầu năm nay, toàn cảnh bức tranh ngành bán lẻ có nhiều gam màu sáng nhờ được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế trên nền cơ bản thấp của năm ngoái. Mức tăng bứt phá được ghi nhận trên nền tảng thanh toán Payoo nhờ sức mua năm nay cũng đã quay lại sau mấy năm khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch và sự ưa chuộng với thanh toán không tiền mặt.

Nhóm ngành hàng ghi nhận mức tăng lớn nhất trong nửa năm vừa qua là vàng bạc đá quý và trang sức. Hai quý đầu năm nay do giá vàng tăng, cộng hưởng với nhu cầu trang sức của người dân tăng lên trong những dịp lễ 14/2, 8/3 nên kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp mảng này khá khả quan, tăng 2,5 lần về số lượng và 4 lần về giá trị so với cùng kỳ. Báo cáo tài chính của PNJ trong quý 1 vừa qua cũng ghi nhận mức tăng doanh thu kỷ lục trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này, với kết quả doanh thu thuần tăng gần 30% cùng kỳ năm trước.

Những báo cáo gần đây của Payoo cho thấy, nhu cầu “đẹp bên ngoài, khỏe bên trong” của người dân đã hình thành và tăng trưởng khá đều đặn thể hiện qua số lượt bán vé giải chạy, đạp xe, số lượng giao dịch tại nhà thuốc, đơn vị bán thực phẩm chức năng hỗ trợ sức khỏe tăng cao. Dư địa tăng trưởng thị trường thuốc bán lẻ còn lớn khiến các doanh nghiệp dược phẩm tích cực mở rộng. Trên hệ thống Payoo, mảng bán lẻ dược phẩm ghi nhận mức tăng 2 lần số lượng và 2,4 lần giá trị giao dịch.

Bán lẻ các thiết bị công nghệ sau một năm sụt giảm mạnh năm nay cũng có đà hồi phục tốt. Các “ông lớn” ngành bán lẻ điện thoại điện máy đã đặt mục tiêu doanh số quay trở lại thông qua nhiều biện pháp tăng chất lượng dịch vụ và tối ưu những điểm bán hiệu quả. Trên nền tảng Payoo, số lượng và giá trị giao dịch ở các doanh nghiệp thuộc mảng này đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

kinh-te-hoi-phuc-thanh-toan-khong-tien-mat-lan-toa-2-.jpg

Nhóm siêu thị, cửa hàng tiện lợi vẫn giữ đà ổn định với mức tăng trưởng 50% số lượng và 30% giá trị. Đặc biệt, nhóm trung tâm thương mại – nơi tập trung các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm và F&B cũng ghi điểm với kết quả kinh doanh nửa đầu năm khả quan, tăng 30% số lượng và 15 % giá trị so với cùng kỳ.

Với số liệu tăng trưởng của các lĩnh vực kể trên, chúng tôi cho rằng bên cạnh nguyên nhân thị trường hồi phục, tiêu dùng trở lại thì phần lớn lại đến từ sự chuyển dịch của người dùng từ tiền mặt sang thanh toán điện tử.

Dự báo cho thấy, nửa sau năm 2024 sẽ là thời kỳ phục hồi mạnh mẽ của ngành bán lẻ nhờ vào hai mùa cao điểm mua sắm là mùa hè và mùa lễ hội cuối năm. Các chương trình khuyến mại từ các tổ chức tài chính, từ chính các nhãn hàng cộng hưởng với “tháng khuyến mại tập trung” do Sở Công Thương các địa phương phát động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kích cầu tiêu dùng và tạo động lực cho nền kinh tế.

Từ cuối tháng 6 năm nay, Napas, Mastercard và Payoo sẽ phối hợp triển khai chương trình khuyến mãi trên toàn quốc với sự tham gia của gần 40 đối tác, hàng trăm thương hiệu và hàng ngàn cửa hàng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sức mua, người tiêu dùng được trải nghiệm những tiện ích vượt trội của thanh toán không tiếp xúc và thị trường bán lẻ được hỗ trợ hồi phục và phát triển toàn diện.

Thanh toán QR phổ biến nhưng đi kèm nhiều rủi ro

Thanh toán không tiền mặt thông qua mã QR dường như đã “phổ cập” đến mọi nhà, với mức tăng trưởng đều đặn và liên tục. Thống kê của Payoo cho thấy, thanh toán QR qua Payoo đã tăng trưởng trung bình 3 lần/năm trong vòng 3 năm qua. Tỷ trọng thanh toán QR trong các hình thức thanh toán ở nhiều lĩnh vực vượt hơn 30%. Trong đó, top 5 lĩnh vực có số lượng giao dịch QR nhiều nhất theo thứ tự là: Dịch vụ ăn uống; Siêu thị và cửa hàng tiện lợi; Thời trang, mỹ phẩm; Giải trí (vé xem phim/xem kịch/âm nhạc…), Nội thất và đồ dùng gia đình, Cửa hàng bán lẻ khác.

Trong năm 2024, việc phát triển QR code toàn diện hơn nữa đang được các đơn vị đầu tư đẩy mạnh. Các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán cũng cho ra mắt nhiều giải pháp ứng dụng thanh toán QR tiện lợi ko chỉ dành cho doanh nghiệp lớn mà thích hợp với cả hộ kinh doanh vừa và nhỏ. Tuy vậy, thanh toán QR càng phát triển thì các hình thức lừa đảo dựa trên hình thức thanh toán này càng gia tăng, dù cho người dùng và doanh nghiệp đều có ý thức nâng cao tinh thần cảnh giác.

nguoi-dan-chon-thanh-toan-ma-qr-khi-mua-sam-1-.jpg

Đơn cử, các trường hợp QR của cửa hàng bị dán đè xảy ra ở một vài nơi, khiến người mua không để ý quét QR giả mạo và chuyển vào sai tài khoản, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Một hình thức gian lận phổ biến khác là giả hình ảnh đã thanh toán xong, người bán nhìn vào một màn hình giả thông tin đã thanh toán, không kịp kiểm tra lại đã giao hàng cho khách. Hoặc để kiểm tra, khách phải đợi nhân viên mở điện thoại, vào ứng dụng ngân hàng kiểm tra tiền vào tài khoản mới giao hàng. Trong trường hợp cùng lúc hai hoặc ba khách hàng thanh toán, nhân viên sẽ bối rối và mất thời gian để xác định xem số tiền nào là của ai.

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, an ninh bảo mật, Payoo luôn làm việc trực tiếp với nhà bán hàng để mang đến những giải pháp chống lại việc dán đè bằng cách dùng các thiết bị điện tử xuất mã QR động khác nhau cho mỗi giao dịch, hoặc hiển thị mã QR ngay trên thiết bị thanh toán POS để khách hàng quét mã chính xác. Doanh nghiệp cần cân nhắc giữa việc chọn giải pháp rẻ tiền như in QR và dễ bị dán đè lên hay chọn lựa một giải pháp uy tín để bảo vệ mình và khách hàng.

Về phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ. Ngày 1/7 tới, theo quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực giao dịch bằng sinh trắc học.

Đây cũng là động thái kịp thời của Chính phủ trong việc giúp ngăn chặn sử dụng các tài khoản không chính chủ để phục vụ các mục tiêu lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tiền, bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ mất tiền do các tội phạm lừa đảo gây ra.

Về phía các ngân hàng và trung gian thanh toán hiện nay cũng đã liên tục gửi cảnh báo nâng cao đến tất cả khách hàng, khuyến nghị phải nâng cao cảnh giác, đồng thời sẵn sàng “chạy nước rút” để bổ sung xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7 nhằm tăng đảm bảo an toàn, bảo vệ thông tin tài chính của người dùng.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng tốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO