Với 20km bờ biển trải dài cùng cánh rừng ngập mặn, đan xen hệ thống sông ngòi dày đặc, Cần Giờ mang trong mình tiềm năng lớn về phát triển dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, thực tại nơi vẫn chưa tương xứng với những ưa đãi thiên nhiên ban tặng.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí những ngày đầu tháng 3, tại bãi biển gần trung tâm thị trấn Cần Thạnh, ngư dân khai thác hải sản với quy mô nhỏ, những sản phẩm thu hoạch được là các loại cá, nghêu, sò, ốc...
Theo một ngư dân, hoạt động náo nhiệt của bãi biển diễn ra vào sáng sớm, lúc thủy triều rút xa bờ. "Tôi thường ưu tiên tìm các loại hải sản bán được giá như ốc mỡ. Mỗi kg ốc mỡ bắt được, khách du lịch có thể mua với giá 300.000 đồng", ngư dân này nói.
Thời gian gần đây, chính quyền huyện đảo đã khuyến khích ngư dân chuyển đổi ngành nghề đánh bắt thủy, hải sản theo hướng có quy mô và bài bản hơn. Việc khuyến khích này giúp cải thiện thu nhập ngư dân địa phương.
Đi dọc bờ biển về cuối thị trấn Cần Thạnh, không khó để bắt gặp hình ảnh rác thải chất đống.
Bãi đá ven bờ biển cũng rất hoang sơ, chưa được đầu tư để tạo cảnh quan cho du khách.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực ven biển có nhiều công trình bỏ hoang hoặc đã hoàn thành phần thô nhưng không có dấu hiệu đang thi công hoàn thiện, không có công nhân, máy móc và người trông coi.
Tuyến đường bờ biển dài gần 10km của huyện Cần Giờ kéo dài từ thị trấn Cần Thạnh tới xã Long Hòa có nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hàng quán. Tuy nhiên, tuyến đường chưa được tráng nhựa, mỗi khi có xe chạy qua là khói bụi mịt mù.
Bãi tắm 30/4 là một trong những điểm đến nổi bật của huyện Cần Giờ. Từ khi dự án Khu đô thị lấn biển triển khai năm 2007, bờ biển được quây rào sắt dài hơn 600m. Rào sắt nay đã hoen rỉ, nhiều đoạn bị người dân phá bỏ, trong khi khu đô thị lấn biển vẫn gần như "bất động".
Về phía trung tâm huyện Cần Giờ, Quảng trường Rừng Sác (thị trấn Cần Thạnh) khởi công cách đây 20 năm nhưng đến nay vẫn hoang sơ, trở thành bãi thả diều và chăn nuôi gia súc. Các hạng mục khác vẫn chưa được đầu tư để thu hút du khách.
Chị Hoa, một người dân Cần Giờ chia sẻ, sau 18h, mọi hoạt động trên huyện đảo gần như dừng lại. Khoảng từ 20h, khu vực trung tâm huyện thưa thớt bóng người.
"Đời sống vắng lặng ban đêm diễn ra xưa nay và gần như là nét đặc trưng nơi huyện đảo. Người dân chúng tôi đều đã quen với cảnh này nên không thấy buồn chán nữa", chị Hoa nói.
Về đêm, đường Duyên Hải (thị trấn Cần Thạnh) - trục đường chính của khu vực bãi biển Cần Giờ - chỉ còn lác đác vài hàng quán phục vụ. Theo ghi nhận thực tế, những quán ăn này cũng chịu cảnh đìu hiu, vắng khách.
Đêm xuống, nhìn từ Cần Giờ ra phía biển, có thể thấy rõ ánh đèn sáng rực phía Vũng Tàu. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ bày tỏ, dù cách nhau khoảng 10km đường biển, TP Vũng Tàu suốt đêm sáng đèn, còn huyện đảo của TPHCM gần như ngừng lại mọi hoạt động đã đặt ra nhiều trăn trở người dân và các cấp quản lý.
"Mình nằm sát bên người ta, người ta phát triển như vậy, đèn sáng trưng vào ban đêm còn ở đây tối thui. Do vị trí địa lý và hạn chế về hạ tầng, kết nối giao thông chưa thuận lợi nên phải chấp nhận", vị lãnh đạo huyện nhìn nhận.
Bài cuối:Cần Giờ tiến ra biển và "lằn ranh đỏ'' không được bước qua