Sự việc xảy ra khi Kamlesh Singh, sống tại ngôi làng Mudguri Ghaghadar, thuộc vùng đệm khu bảo tồn hổ Bandhavgarh (bang Madhya Pradesh, Ấn Độ), vào rừng để kiếm củi. Khi Kamlesh trên đường trở về làng vào lúc chạng vạng, anh đã nhìn thấy một con hổ đang đuổi theo lợn rừng.
Trong khi đang săn mồi, con hổ đã nhìn thấy Kamlesh nên chuyển sang tấn công anh. Kamlesh hoảng sợ vứt bỏ toàn bộ số củi kiếm được, lập tức trèo lên một cái cây ở gần. Dù vậy, hổ vẫn kịp đuổi theo, nhảy lên cào trúng chân Kamlesh khiến anh bị thương và chảy nhiều máu.
Dù đau đớn và chảy nhiều máu vì vết thương do hổ gây ra, Kamlesh vẫn cố gắng bám chặt phía trên cây suốt đêm khi anh nhận ra con hổ đang lảng vảng ở phía dưới.
Kamlesh đã ngồi trên cây cho đến tận sáng hôm sau, khi anh nghe thấy tiếng gọi của dân làng, những người đang đi tìm Kamlesh vì suốt đêm không thấy anh quay trở về nhà. Lúc này con hổ đã bỏ đi nơi khác và Kamlesh được dân làng hỗ trợ đưa xuống mặt đất an toàn.
Kamlesh được người dân mang đến bệnh viện với vết thương nghiêm trọng do hổ gây ra, nhưng điều quan trọng nhất Kamlesh đã giữ được mạng sống của mình.
Kamlesh cho biết anh sẽ không bao giờ quên được ánh mắt sắc lẹm mà "chúa sơn lâm" đã nhìn mình trước khi con vật quyết định chuyển sang tấn công anh. Kamlesh chia sẻ anh đã lấy hết sức mạnh của bản thân để trèo lên cái cây gần nhất, điều này đã giúp anh giữ được mạng sống.
Trên thực tế, hổ cũng có thể leo cây, nhưng so với báo hoa mai hay báo săn, kỹ năng leo cây của hổ không giỏi. Do cơ thể nặng nề, hổ chỉ có thể leo lên cây một đoạn ngắn trước khi quay trở lại mặt đất.
Ngôi làng Mudguri Ghaghadar nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn hổ Bandhavgarh, do vậy người dân tại đây thường xuyên đụng độ các loài động vật hoang dã như hổ, báo hoa mai hay voi rừng…
Khu bảo tồn thiên nhiên Bandhavgarh là một trong những khu bảo tồn hổ lớn và quan trọng nhất ở Ấn Độ. Đây là nơi sinh sống của khoảng 60 cá thể hổ Bengal, đồng thời cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động vật hoang dã khác, bao gồm voi, gấu, bò rừng, chim, bò sát và nhiều loài động vật có vú…
Theo Cơ quan Bảo tồn Hổ Quốc gia Ấn Độ (NTCA), tính đến tháng 11/2023, Ấn Độ có tổng cộng 54 khu bảo tồn hổ.
Các khu bảo tồn hổ ở Ấn Độ được thành lập để bảo vệ loài hổ Bengal, một trong những phân loài hổ lớn và nguy cấp nhất trên thế giới. Các khu bảo tồn này cung cấp môi trường sống an toàn cho hổ và các loài động vật hoang dã khác.
Hiện Ấn Độ là quốc gia có số lượng hổ sống ngoài tự nhiên lớn nhất thế giới, với khoảng trên dưới 3.200 cá thể, tương đương 75% số hổ hoang dã trên toàn cầu.
Trong quá khứ, hổ Bengal tại Ấn Độ có thời điểm đạt 40.000 cá thể, nhưng vào thập niên 60 của thế kỷ trước, số lượng hổ nhanh chóng giảm xuống dưới 2.000 con do nạn săn bắn tràn lan.
Năm 1973, chính phủ Ấn Độ đã phải gấp rút thực hiện dự án bảo tồn hổ, khi số lượng của loài này bị giảm mạnh. Theo số liệu thống kê mới nhất, số lượng hổ tại Ấn Độ trong năm 2022 đã đạt 3.167 cá thể, tăng 6,74% so với 2.967 cá thể của năm 2018.
Số lượng cá thể hổ tăng mạnh cũng đã kéo theo nhiều trường hợp đụng độ giữa hổ và con người, nhất là những nông dân sống tại các ngôi làng xung quanh khu bảo tồn thiên nhiên. Đã xảy ra nhiều trường hợp hổ vào làng để kiếm ăn sau đó đụng độ và giết chết người dân tại các ngôi làng ở Ấn Độ.
Theo TOI/IDT