Nuốc là đặc sản của vùng đầm phá nước lợ Tam Giang, còn được gọi bằng cái tên rất oách: “Con tinh nước lợ”. Vào mùa hè, những con nuốc “vô tư” trồi mình trên mặt nước để ngư dân kéo lưới thu hoạch; nuốc vớt lên có ánh xanh rất lạ, vẻ ngoài khá giống con sứa nhưng nuốc “lành” và vị cũng ít tanh hơn. Nuốc giòn giòn, mát mát, tựa như đang nhai một miếng thạch rau cau trong miệng vậy.
Bún giấm nuốc rực rỡ, bắt mắt với đầy đủ “mọi thứ trên đời”: Có bún, nuốc, tôm, chả, bánh tráng chiên, rau sống, nước sốt và ruốc. Màu đỏ của tôm, màu xanh ươm của rau sống, màu trắng của bún, màu trong veo của con nuốc tạo nên trải nghiệm thị giác ấn tượng, tươi mát. Những con nuốc nhỏ nhắn ẩn mình trong chiếc bát, nếu không chú ý sẽ khó nhận ra sự tồn tại của chúng. Đôi khi "pực" một tiếng, tôi mới biết mình vừa cắn vào chúng!
Bún giấm nuốc khá dễ ăn, nhẹ nhàng, không bị gắt, điểm nhấn chính là phần nước sốt và ruốc, làm nên cái hương vị vừa thanh thoát vừa đậm đà, khi thưởng thức ta cảm tưởng như ta đang đứng giữa vùng sóng nước Tam Giang với những cơn gió mang hơi mặn dịu dàng của biển cả. Nước sốt chan lên bún được làm từ tôm thịt băm nhỏ, cà chua và một số gia vị, thơm bùi, béo nhẹ hòa cùng ruốc tạo nên mùi vị đặc trưng không thể lẫn đi đâu của món ăn này. Lại kết hợp với bánh tráng chiên giòn giòn, ăn vào nghe rôm rốp vui tai, bạn có thể đập vụn hay cắn từng miếng đều ngon.
Huế chỉ có một chỗ bán món ăn này ở đầu đường Chi Lăng, đi qua cầu Gia Hội là thấy, không có tên, chỉ để một chiếc bản đơn sơ: “Bún giấm nuốc”. Quán chỉ bán vào hè theo mùa con nuốc nổi, mở cửa từ khoảng một giờ chiều đến khi hết bún thì thôi, nằm khá khuất trên con đường nhỏ nhưng luôn tấp nập người ra kẻ vào. Đây là món khoái khẩu của tôi và chị bạn, hai chị em chiều chiều lại rủ nhau đi ăn bún giấm nuốc cho nhẹ bụng, mát người, nhiều hôm trời nắng chang chang nhưng không ngăn nổi niềm đam mê khám phá ẩm thực của chúng tôi.
Mỗi bàn trong quán còn bày thêm một dĩa ớt cao sản và tỏi, dành cho những con người hảo cay. Tôi lấy nguyên một trái ớt, bỏ cuống, lột tép tỏi cho vào tô, vị cay nóng khiến món ăn như được nâng lên một tầm cao mới, “trưởng thành” và “dày dặn” hơn. Không chỉ riêng tôi, người Huế quả thật ăn cay ghê gớm với thói quen chưa cần nếm hương vị nguyên bản đã cho thêm nước mắm, chanh, tỏi, ớt,… vào; không như người trong Nam, họ cẩn thận thử trước, hoặc đôi khi chỉ dùng vậy, không thêm bớt bất kỳ thứ gì!
Bài, ảnh: Thục Đan