Thanh khoản thị trường chứng khoán suy giảm có đáng lo?

12/05/2022 10:05

Thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh so với phiên liền trước. Dù vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng đã có dấu hiệu tích cực xuất hiện...

Trong những phiên gần đây thanh khoản thị trường có sự sụt giảm mạnh.

Trong những phiên gần đây thanh khoản thị trường có sự sụt giảm mạnh trong tháng 4.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/5,  chỉ số VN-Index tăng 7,97 điểm (+0,62%) lên 1.301,53 điểm. Toàn sàn có 294 mã tăng, 143 mã giảm và 59 mã đứng giá. HNX-Index 3,02 điểm (-0,92%) xuống 333,04 điểm. Toàn sàn có 144 mã tăng, 66 mã giảm và 45 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,27 điểm (-0,27%) xuống 98,79 điểm.

Đáng chú ý mặc dù thị trường có sự phục hồi về điểm số với phiên tăng điểm thứ hai liên tiếp, qua đó củng cố tín hiệu kiểm định đáy thành công ở phiên trước đó. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.495 tỷ đồng, giảm 35% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 36% xuống còn 10.294 tỷ đồng.

Tổng cộng có 381 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 603 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó. Khối ngoại bán ròng nhẹ 87,4 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu như VNM, E1VFVN30, DXG, MSN, NVL,… Ở chiều ngược lại, DPM, CTG, DGC, VHM, FUEVFVND,… là những cổ phiếu/chứng chỉ quỹ được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.

Trước đó, thanh khoản suy yếu cộng với đà giảm ở hầu hết các nhóm ngành, dòng tiền trên thị trường đang thể hiện xu hướng không mấy rõ ràng trong các phiên giao dịch của tuần vừa qua.

Thanh khoản thị trường xuống mức thấp, mặc dù vậy dấu hiệu tích cực là độ rộng thị trường rất khả quan nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu midcap và smallcap, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa nhỏ với nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức giá trần.

Theo Báo cáo bối cảnh thị trường chứng khoán Quý 2/2022 do FiinTrade vừa thực hiện, thanh khoản toàn thị trường đã sụt giảm mạnh trong tháng 4 vừa qua, đáng lưu ý nhất là dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Cụ thể, trong tháng 4, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm 2021 với tổng giá trị bán ròng 4.300 tỷ đồng trong khi có những tháng vào ròng kỷ lục hàng chục nghìn tỷ đồng như tháng 3/2021, tháng 11/2021. Đây cũng là tháng thứ hai nhóm này quay đầu bán ròng trước đó tháng 1 bán ròng khoảng 3.000 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, số liệu FiinTrade lại ghi nhận lượng tiền trên tài khoản của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán không tăng tương ứng với số tiền đã bán ròng, số dư tiền gửi/tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong quý 1/2022 không đáng kể, thậm chí giảm so với quý 4/2021.

Ở chiều ngược lại, khối ngoại lại giải ngân rất tích cực sau gần 2 năm bán ròng.

Theo CTCK MBS thanh khoảnthị trường tuy thấp nhưng dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại nhóm cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa nhỏ với nhiều cổ phiếu đóng cửa ở mức giá trần như ở phiên 11/5. Về kỹ thuật, thị trường đang phục hồi nhờ áp lực bán giảm, nhà đầu tư vẫn còn nghi ngờ nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật như hồi cuối tháng 4 nên thanh khoản có thể vẫn ở mức thấp. Chỉ số VN-Index đang có sự phân kỳ với tín hiệu đảo chiều đi lên, mức phục hồi trong phiên tới có thể ở ngưỡng 1.315 điểm trước khi lấp GAP.

Biểu đồ kỹ thuật diễn biến chỉ số VN-Index.

Biểu đồ kỹ thuật diễn biến chỉ số VN-Index (Nguồn: MBS).

Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà hồi phục và chỉ số VN-Index vẫn có thể sẽ kiểm định lại vùng kháng cự 1.315 – 1.328 điểm.

"Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn và rủi ro ngắn hạn giảm nhẹ, nhưng dòng tiền ngắn hạn vẫn còn yếu cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng nhẹ cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn đã bớt bi quan hơn", ông Nguyễn Thế Minh cho biết.

Theo DDDN

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thanh khoản thị trường chứng khoán suy giảm có đáng lo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO