Ngày 14/7, tâm lý thận trọng bao trùm thị trường chứng khoán với diễn biến giao dịch nghiêng về xu thế bán trong bối cảnh sắc đỏ chiếm ưu thế. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường đã sụt giảm so với các phiên trước đó.
Thị trường đóng cửa, VN-Index giảm 17,63 và xuống mức 1.279,91 điểm, song HNX-Index phục hồi nhẹ và tăng 0,15 điểm, lên mức 296,84 điểm và UpCoM-Index giảm 0,8 điểm, chốt ở mức 84,56 điểm.
Toàn thị trường có 368 mã tăng giá (trong đó có 26 mã tăng trần) và 403 mã giảm giá (trong đó có 32 mã giảm sàn), 891 mã giữ tham chiếu, thanh khoản trong phiên đạt trên 22.243 tỷ đồng trên cả 3 sàn, sụt giảm so với mức thanh khoản bình quân của tuần trước là trên 29.000 tỷ đồng/phiên.
Phiên hôm nay, top 5 cổ phiếu tác động mạnh nhất đến đà giảm điểm của VN-Index bao gồm TCB (-0,21%), VPB (-0,129%), VCB (-0,125%), VIB (-0,108%) và MWG (-0,085%).
Trên thị trường, duy nhất nhóm ngành xây dựng lội dòng nước ngược tăng 0,04%, còn lại các nhóm ngành khác lần lượt giảm giá; trong đó nhóm cổ phiếu bán lẻ và ngân hàng giảm mạnh nhất, tương ứng 3,77% và 3,11%.
Diễn biến thị trường trong phiên 14/7:
Vẫn như trước đó-mỗi khi thị trường nhuốm trong sắc đỏ, các nhà đầu tư nước ngoài lại tích cực mua vào với giá trị ròng xấp xỉ 430 tỷ đồng trong phiên hôm nay.
Theo báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI, đồ thị kỹ thuật phản ánh kỳ vọng của lực cầu về thị trường trong thời gian tới, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp, phản ánh sự thận trọng của bên mua sau giai đoạn biến động của VN-Index đồng thời cũng cho thấy lực bán cũng đang dần thu hẹp. Báo cáo chỉ ra mức thanh khoản thường thấp khi thị trường cân bằng (sau nhịp giảm mạnh) là tương đồng với giai đoạn hồi phục trong tháng 8/2020 và tháng 2/2021.
Theo bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, áp lực thị trường đang đè nặng tâm lý các nhà đầu tư trước những rủi ro hiện hữu.
Bà Phương nhấn mạnh thị trường chứng khoán luôn phản ánh sự kỳ vọng về tương lai. Diễn biến thị trường đang phản ánh những lo ngại về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh lân cận. Điểm quan trọng, khối doanh nghiệp làm sao giữ hoạt động sản xuất kinh doanh được suôn sẻ, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu cho mùa tiêu dùng cuối năm trên thế giới.
“Bên cạnh đó, tháng Bảy cũng là mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2, song những thông tin khả quan đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu trong các đợt tăng trước. Diễn biến thị trường hiện tại đang phản ảnh những lo lắng về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 và 4 của năm,” bà Phương nói./.