Đề nghị điều chuyển hơn 1 triệu liều vaccine
Theo Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thanh Hóa (CDC Thanh Hóa), tính từ tháng 4.2021 đến nay, Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ cho địa phương là hơn 9,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, tỉnh đã tiếp nhận hơn 8,1 triệu liều và đề nghị điều chuyển hơn 1,1 triệu liều (trong đó 163.815 liều Vero Cell; hơn 1 triệu liều Pfizer), và trung ương đã điều chuyển về 642.840 liều vaccine Pfizer.
Hiện nay, tại kho bảo quản vaccine của CDC Thanh Hóa đang bảo quản 163.815 liều Vero Cell (lô B2021103398 - HSD 30.09.2023), còn tồn trên địa bàn tỉnh (do liên quan đến các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, xảy ra tại huyện Nông Cống vào tháng 11.2021).
Về hướng xử lý đối với số vaccine này, tỉnh Thanh Hóa đã có công văn số 7194/UBND-VX ngày 24.5.2022, đề nghị điều chuyển số vaccine này cho tỉnh, thành phố khác. Tuy nhiên, đến nay chưa được Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phản hồi.
Tính đến ngày 27.3.2022, số vaccine còn dư không sử dụng là 4.058 liều Sputnik Light, lý do là không có đối tượng và nhu cầu sử dụng. Do đó, ngày 28.3.2022, CDC Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương điều chuyển số vaccine này cho địa phương khác có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, đến nay CDC Thanh Hóa vẫn chưa nhận được phản hồi của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Ngoài ra, trong tháng 4 và tháng 5.2022, CDC Thanh Hóa cũng đã có các công văn báo cáo đến UBND tỉnh Thanh Hóa và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị điều chuyển hơn 1,1 triệu liều vaccine Pfizer cho các địa phương khác có nhu cầu sử dụng (vì số vaccine này đã được phân bổ trên các Quyết định cho tỉnh Thanh Hóa, nhưng địa phương chưa nhận về).
Gặp nhiều khó khăn trong việc tiêm chủng
Theo CDC Thanh Hóa, đến ngày 26.6.2022, tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận hơn 8,1 triệu liều vaccine. Trong đó có gần 2,4 triệu người trên 18 tuổi được tiêm đủ mũi (đạt 99,3 %), và hơn 2 triệu người được tiêm mũi nhắc lại lần 1 (đạt 93,1 %). Có hơn 105.954/490.235 người tiêm mũi nhắc lại lần 2 (đạt 21,6 %).
Có hơn 288 nghìn trẻ (từ 12 đến 18 tuổi) tiêm đủ mũi (đạt 101 %), và hơn 98.000 trẻ được tiêm mũi nhắc lại (đạt 34,4 %). Đối với trẻ từ 5 đến 12 tuổi, đã có hơn 300 nghìn trẻ được tiêm mũi 1 (đạt 66,2 %) và hơn 105 nghìn trẻ được tiêm mũi 2 (đạt 22,4 %).
Công tác tiêm vaccine COVID-19 hiện nay trên địa bàn gặp một số vấn đề khó khăn như: Một số địa phương chưa chủ động trong việc triển khai kế hoạch, nên còn lúng túng trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của UBND tỉnh; công tác rà soát đối tượng và quản lý mũi tiêm của công dân tại nhiều huyện, thị xã, thành phố chưa sát với thực tế.
Nhiều đơn vị chưa ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, thực hiện khai báo điện tử để giảm thời gian tiếp đón, chậm trễ trong cập nhật dữ liệu người tiêm lên phần mềm…
Ngoài ra, hiện nay một số lượng lớn trẻ từ 5 đến 12 tuổi đang mắc COVID-19, chưa đủ thời gian bình phục sau 3 tháng, nên không thể tham gia tiêm chủng. Cùng với đó, nhiều bậc phụ huynh không đồng ý cho con tham gia tiêm chủng, vì vậy đã ảnh hưởng đến tiến độ và công tác tiêm chủng tại các địa phương, đơn vị.
Đặc biệt hơn, nhiều người trên 18 tuổi đã đến lịch tiêm mũi bổ sung, nhắc lại nhưng không đồng ý tham gia tiêm dẫn đến khó khăn cho các đơn vị tuyên truyền cơ sở trong việc tiêm chủng đạt tiến độ và chỉ tiêu theo yêu cầu.
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Trường Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thanh Hóa khẳng định, trên địa bàn tỉnh không có tình trạng để vaccine tồn, để vaccine hết hạn.
“Do hiện nay tình hình phủ vaccine COVID-19 đã rộng khắp, số người tiêm mũi 3 đã đạt tỉ lệ cao và tỉ lệ người tử vong do COVID-19 là rất ít, cùng với đó, người mắc COVID-19 cũng cảm thấy nhẹ hơn. Vậy nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan trong việc tiêm vaccine, đặc biệt là mũi nhắc lại, vì cho rằng tiêm vào sẽ bị sốt và mệt mỏi. Nhiều người chưa hiểu rằng, mũi nhắc lại cũng rất quan trong, giúp cho người được tiêm tăng cường kháng thể, chống chọi lại bệnh nêu như bị mắc COVID-19” - ông Sơn chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, các cơ sở đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân, để người dân hiểu hơn về tầm quan trọng trong việc tiêm chủng, đặc biệt là tiêm mũi nhắc lại. Qua đó, đảm bảo tiến độ cũng như kế hoạch tiêm chủng của địa phương đã đề ra.